Đứa trẻ bị thiếu sắt thường có làn da nhợt nhạt, hay than chóng mặt, mệt mỏi, kém tập trung và dễ ngủ gật trong giờ học.
1. Thiếu máu thiếu sắt rất thường gặp ở trẻ em
Thiếu máu do thiếu sắt là nguyên nhân rất phổ biến gây thiếu máu ở trẻ em và người lớn. Ước tính có khoảng 2 tỉ người trên thế giới bị thiếu máu, đa số là do thiếu sắt.
Ở Việt Nam, theo điều tra của Viện dinh dưỡng năm 2000 thì có khoảng 50% trẻ dưới 2 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng thiếu máu càng trầm trọng hơn nếu trẻ bị nhiễm giun sán, sốt rét, HIV, lao…
Trẻ bị suy dinh dưỡng thường kèm theo thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin A và còi xương do thiếu vitamin D… Trẻ em, các em gái đến tuổi dậy thì là những đối tượng có nhiều nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.
2. Thiếu máu thiếu sắt làm suy giảm sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ
Thiếu máu do thiếu sắt làm trẻ chậm lớn, giảm sức đề kháng, thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng nhưng quan trọng nhất là làm giảm chỉ số thông minh, giảm khả năng tư duy, sáng tạo, kết quả học tập kém.
Ở trẻ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ dù chỉ bị thiếu máu nhẹ thì vẫn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ.
|
Ảnh sưu tầm |
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thiếu máu có thể ảnh hưởng lên sự điều khiển tay chân và thăng bằng, trẻ có thể e dè, hạn chế về khả năng giao tiếp.
3. Trẻ cần được ăn các thực phẩm giàu chất sắt như gan, thịt, trứng, cá, thực phẩm có bổ sung sắt
Để chủ động phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt cho trẻ, bà mẹ, người chăm sóc trẻ và gia đình nên chú ý những điều sau:
Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sanh, nên tiếp tục cho bú mẹ từ 18 đến 24 tháng
Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm, đúng cách. Chú ý cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm, các thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như gan, thịt, trứng, cá, huyết. Các thực phẩm giàu sắt có nguồn gốc thực vật như đậu, mè, nấm, các loại rau lá xanh cũng có chứa sắt nhưng hấp thu kém hơn thực phẩm có nguồn gốc động vật
Cho bé chủng ngừa đầy đủ. Ngừa nhiễm giun sán cho trẻ bằng cách xổ giun định kỳ, rửa tay thường xuyên, đi giày để tránh giun xâm nhập cơ thể. Ở những vùng có sốt rét, ngủ mùng đã tẩm thuốc để phòng sốt rét
Cho trẻ uống bổ sung viên thuốc chứa sắt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ đối với trẻ có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt
Nên sử dụng các thực phẩm có bổ sung chất sắt trên thị trường, dự kiến sẽ bổ sung sắt vào nước mắm, bột mì, các thức ăn chế biến sẵn…
4. Những lưu ý khi sử dụng viên sắt
Khi sử dụng viên thuốc chứa sắt, có thể có những tác dụng phụ sau:
- Đi cầu phân đen: khi ngưng uống, phân sẽ trở lại bình thường
- Xót ruột, buồn nôn hoặc nôn: khắc phục bằng cách không uống thuốc lúc đói, nên uống giữa 2 bữa ăn hoặc 1 giờ sau ăn
- Táo bón: khắc phục bằng cách ăn nhiều rau, trái cây tươi, uống nhiều nước và vận động thường xuyên
Nên dùng các trái cây giàu vitamin C như bưởi, cam, quýt, sơ ri sau bữa ăn hoặc sau khi uống viên sắt để tăng hấp thu chất sắt.
Bs Nguyên Hoa-BV Nhi đồng 1
Theo Bibi.vn