Giai đoạn 1-3 tuổi, bữa ăn của bé thường rất mất trật tự. Bé chưa điều khiển được động tác cầm nắm nên thường làm vung vãi thức ăn khi phải tự xúc. Khi không dùng được thìa, bé sẽ thích bốc thức ăn hơn. Bé cũng nảy sinh 'chứng' phun thức ăn (bên cạch đó là kiểu vừa ăn vừa nói) hoặc vứt ném thức ăn lung tung.
Thực ra, các bé không cố ý gây bực dọc cho bạn. Bé chỉ muốn khám phá thế giới màu sắc, mùi vị của thức ăn bằng cả hai tay và bằng miệng. Chúng ta nên xem xét các mặt tích cực của vấn đề và dành thời gian để dạy bé ăn uống lành mạnh.
1. Đối phó với hành vi vứt thức ăn của bé
- Hãy chuẩn bị cho đống lộn xộn bé sẽ gây ra bằng cách đặt một miếng thảm nhựa dưới ghế ăn của bé.
- Khi bé vứt thức ăn, nhẹ nhàng nói “Không” và không nhặt thức ăn lên cho đến khi xong bữa. Không khuyến khích việc vứt thức ăn thành trò chơi (bé vứt – bạn nhặt lên).
- Cho bé ăn nhiều loại thức ăn, nhưng mỗi lần chỉ cho một ít vào bát, để bạn không phải lo bé vứt cả bát thức ăn xuống sàn.
2. Tập cho bé ngồi yên khi ăn
- Tạo cho bé thói quen ăn ở bàn hoặc ngồi trong ghế cao.
- Bé tuổi này có tính tò mò, muốn khám phá nên khi ăn thường tạo ra sự lộn xộn. Bạn phải kiên nhẫn, thông cảm nhưng hãy tỏ ra kiên quyết, vì cho bé chạy vòng quanh khi ăn dễ gây nguy cơ mắc nghẹn.
3. Không ép bé ăn
- Bạn cũng không nên ép bé ăn hết phần ăn nếu bé không muốn. Hãy nhớ rằng bé biết khi nào mình đói hay no.
- Nếu bạn có lắng về tiến trình phát triển của bé, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về biểu đồ tăng trưởng cân nặng và chiều cao của bé.
4. Khen thưởng
- Khen thưởng khuyến khích bé có hành vi tốt. Khen bé thật nhiều khi bé có hành vi ăn uống đúng.
- Không bao giờ dùng thức ăn để làm phần thưởng vì điều này có thể tạo nên thói quen ăn uống không lành mạnh trong tương lai.
Và điều không bao giờ sai là bạn phải làm gương trước. Nếu con bạn thấy bạn vừa ăn vừa xem tivi, bé sẽ không hiểu tại sao bé không được làm vậy.
( Theo mevabe.net )