Dù được chăm sóc chu đáo nhưng đôi lúc trẻ vẫn bị thiếu chất do các bà mẹ đôi khi chưa nhận biết được kịp thời. aFamily xin lưu ý bạn một số dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu chất.
Khi con bạn thường xuyên biếng ăn, nghĩa là bé đã thiếu hụt một loại vitamin hay khoáng chất nào đó. Nếu trẻ lại chậm lớn, da khô ráp, mắt khô, hay ho, tiêu chảy, thì đó là dấu hiệu thiếu vitamin A, có nhiều trong gan, trứng gà, lươn...Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin và khoáng, tuy không cung cấp năng lượng nhưng lại không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Với trẻ em, các vi chất cần thiết nhất bao gồm vitamin A, sắt, kẽm, vitamin D, canxi, vitamin B...
Thiếu canxi
Trẻ ra mồ hôi nhiều, nhất là trên đầu khi ngủ (còn gọi là mồ hôi trộm). Khi ngủ hay giật mình không yên, xương lồng ngực nhô ra bất thường, trán dô, đầu bẹp, răng mọc chậm, tập đi đứng muộn, chân có hình vòng kiềng hoặc chữ X, hay bị chuột rút tay chân; hay nghiến răng về đêm, thiếu sức chú ý.
Nên cho trẻ ăn : tôm tép, cua, ghẹ, sữa bột, sữa bò tươi, sữa chua…
Thiếu vitamin A
Trẻ lớn chậm, răng mọc không đều và xấu, móng tay có vết lõm, da thô, hay ngứa ngáy, mắt nhìn kém, không nhìn xa được. Mắt khô khi gặp ánh sáng phải chớp mắt liên tục, đi lại dễ bị vấp ngã, trí nhớ giảm, sức đề kháng kém, hay cảm mạo.
Nên cho trẻ ăn : gan heo, gan gà, gan bò, bầu dục heo, lòng đỏ trứng gà, cà rốt, đậu trắng, cá chép, sữa…
Thiếu kẽm
Các vết lở loét khó lành, khứu giác và vị giác không nhạy, lười ăn và ăn không ngon, phát triển chậm, sức đề kháng yếu, hay bị cảm sốt, các bộ phận sinh dục phát triển muộn.
Nên cho trẻ ăn : gan heo, trứng gà, sữa bột, thịt vịt, thịt heo nạc, lươn, tim bò, cá chép, đậu nành, khoai tây, khoai lang, gạo tẻ, rau thìa là, cần tàu…
Thiếu vitamin C
Dễ chảy máu chân răng, dưới da trẻ thường có đốm xuất huyết bầm tím hoặc xanh, lưỡi nứt sâu, hay bị lở (bị nhiệt) trong miệng. Trẻ có biểu hiện dễ mệt, hay quên, thích chơi một mình và khó chịu dễ cáu bẳn.
Nên cho trẻ ăn : rau kinh giới, rau thơm, rau đay, rau ngót, bông cải, thìa là, nấm mèo, ngò (rau mùi), cà chua, cần tây, rau cải các loại, hành, hẹ, bưởi, cam, chanh.
Thiếu vitamin nhóm B
Trẻ ăn không thấy ngon, tiêu hóa kém, dễ bị tiêu chảy, phân có màu xanh. Ngoài ra trẻ còn dễ bị nôn mửa, tứ chi uể oải, tinh thần kém vui, thờ ơ về mọi thứ xung quanh, sứt cân hoặc đãng trí. Trẻ hay bị đau lưỡi, đau miệng, thiếu máu,chậm lớn, niêm mạc khô, dễ hưng phần, có dấu hiệu bệnh dạ dày và đường ruột, tê tay chân.
Nên cho trẻ ăn: bột mỳ, bánh mỳ, các loại đậu hạt, mè (vừng), bí đỏ, giá đậu, tỏi, gan bò, thịt nạc lẫn mỡ, nội tạng heo, bông cải, gan gà, gan vịt, lòng trắng trứng.
Thiếu sắt
Trẻ hay bị ngứa ngáy, móng tay trắng và dễ gãy, hay bị choáng váng, da mặt nhợt nhạt. Trẻ lười hoạt động, dễ mệt mỏi và thường xuyên có vẻ thiếu sinh khí.
Nên cho trẻ ăn : huyết heo, huyết bò, gan heo, thận heo, lòng đỏ trứng, mực khô, tép khô, cua đồng, ngan, vịt, chim bồ câu, thịt bò, tôm đồng, nấm mèo, đậu hạt các loại, rau đay, rau dền, bắp hạt vàng, rau thơm…
Theo aFamily