Sau 15 năm tôi quay trở lại “Thảo Cầm Viên”, đã có nhiều thay đổi nơi đây. Những cây cổ thụ dường như đã già hơn trước, xum xuê tỏa bóng mát, những thảm cỏ xanh rượi như xua đi cái nóng bên ngoài thành phố, những vườn hoa mới hơn, đẹp hơn và những con đường quanh co bóng mát. Ở đây tôi bắt gặp lại những ánh mắt sáng long lanh, những bước chân chập chững và những tiếng cười thích thú của những em nhỏ. Tôi như bắt gặp lại chính tuổi thơ của mình.
Dạo một vòng quanh Thảo Cầm viên, cảm giác vui buồn lẫn lộn. Vui hơn bởi cuối tuần ở đây có các tiết mục xiếc dành cho các em thiếu nhi, buồn hơn bởi khi đi một vòng quanh những chuồng thú, một số con thú đã già nua tuổi tác, chúng không còn vẻ dũng mãnh, hung tợn của ngày xưa, chỉ nằm im lìm, lim dim mắt nhìn. Những song sắt cũng đã cũ kỹ với thời gian, thoang thoảng quanh những chuống thú là mùi hăng hắc, khó chịu. Trước đây, chuồng thú dữ: báo, cọp, sư tử, hổ, gấu… là nơi tập trung nhiều khách tham quan và trẻ em nhất thì giờ đây nơi này cũng vắng hơn bởi những con “thú dữ” quá hiền, và những nơi này thường có mùi khó chịu.
Tuy vậy, lượng khách tham quan vào Thảo Cầm viên vẫn đông vào những ngày cuối tuần. Không chỉ những bạn trẻ vào tham quan, các em học sinh vào chơi trò chơi, tham gia sinh hoạt ngoại khóa mà phần đông khách là những gia đình trẻ, những ông bố, bà mẹ, ông bà dắt con, cháu vào đây thư giãn cuối tuần.
Ngoài những chương trình xiếc đặc biệt dành cho các em thiếu nhi vào ngày cuối tuần, phụ huynh thường dắt trẻ dạo chơi trong Thảo Cầm viên, ngồi trên cỏ dưới bóng mát của cây cổ thụ, đi tham quan các chuồng thú, trong những lần tham quan này, dưới sự hướng dẫn của người lớn, trẻ đã học được biết bao điều thú vị.
Nhiều gia đình ở những quận huyện vùng ven cũng tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để đưa con đi chơi, và điểm đến của họ cũng là Thảo Cầm viên. Không phải vì Thảo Cầm viên đẹp, cũng không phải bởi Thảo Cầm viên có nhiều trò chơi cho trẻ, chỉ đơn giản, trẻ vào đây có thể vừa chơi vừa học về thế giới tự nhiên.
Tháng nào tôi cũng cho cháu (bé Anh Quân, 4 tuổi) vô Sài Gòn chơi, tôi đưa cháu tới đây vì muốn cháu xem thấy những điều cháu đã học ở trường. Hôm cháu đi học về hỏi tôi: Con hổ trông như thế nào? Ông kể về con hổ đi. Bác gấu hiền hay dữ? Cây như thế nào là gọi là cây xanh? Cháu hỏi nhiều lắm, thế là tôi có ý định cho cháu tới đây để cháu được tận mắt nhìn thấy những gì cháu được học và giải đáp những gì cháu thắc mắc. Nhưng buồn là những chuồng thú ở đây ít quá, những con thú cũng già nua như sự cũ kỹ của Thảo Cầm viên, trông chúng mệt mỏi, không buồn nhúc nhích, thành ra cũng không đáp ứng được những tò mò của trẻ con. Và nhiều chỗ khách tham quan phải đi qua thật nhanh để lẩn tránh mùi khó chịu.
Đó là trăn trở của Bác Lân, quận Bình Chánh và cũng là trăn trở của nhiều gia đình khi cho bé tham quan và học hỏi ở thảo cầm viên.
Chị H.T ở quận nhất cũng chia sẻ: mình cũng thường cho bé vào Thảo Cầm viên, vừa để bé hít thở không khí trong lành vừa cho bé vận động, vì suốt ngày ở trong nhà cũng chán. Bên cạnh đó bé còn được tìm hiểu những con vật mà thường ngày bé chỉ xem trong ti vi.
Mình thích nơi này vì ở đây có nhiều cây xanh, bóng mát, cả nhà có thể cùng nằm lăn ra cỏ, bé có thể tìm hiểu những điều bé chưa biết: Con voi ăn gì? Bé rất thích thú khi tự tay đưa khúc mía cho voi ăn. Nhưng thật ra thì không phải lúc nào mình cũng giải thích cho bé hiểu hết được, có hôm bé hỏi: Mẹ ơi! Sao cô con nói sư tử rất hung dữ, có cái răng rất to, mà con sư tử này chỉ nằm một chỗ thôi? Hoặc sao con gấu kia nó chậm chạm thế? Trước những câu hỏi đó thật khó trả lời.
Một phụ huynh có bé (mới 18 tháng) đi dạo trong Thảo Cầm viên cho biết: Sáng chủ nhật nào tôi cũng tranh thủ đưa con gái đi dạo, tôi muốn bé đi dạo trong không khí trong lành, được xem những con vật, những cảnh đẹp trong này, và đặc biệt cho bé làm quen với những nơi đông người để sau này bé sẽ dạn hơn khi đi học, đây cũng là dịp tôi có thể chơi đùa với con thoải mái, vì ngày thường bận công việc cũng ít có thời gian dành cho con.
Hầu hết những phụ huynh đưa con vô chơi trong Thảo Cầm viên đều có những tâm sự giống nhau: đưa con đi chơi trong không khí trong lành, tránh đi cái ngột ngạt, oi bức, đưa bé về với thiên nhiên và tìm hiểu về thế giới tự nhiên. Trong Thảo Cầm viên, những con thú được sống trong môi trường rộng rãi chứ không phải cũi sắt chật hẹp, tuy nhiên nếu Thảo cầm viên đầu tư thêm về cơ sở vật chất, vệ sinh, sơn sửa chuồng trại nhiều màu sắc, có thêm các con thú mới linh hoạt hơn, số lượng thú phong phú hơn thì chắc chắn nơi đây sẽ trở thành môi trường học tập thực tế sinh động cho các em thiếu nhi, đặc biệt lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.
Đây không chỉ là nỗi trăn trở của phụ huynh mà còn là nỗi trăn trở của rất nhiều giáo viên mầm non trong thành phố mong muốn có một môi trường học tập sinh động cho trẻ, không chỉ giúp trẻ quan sát, tìm hiểu về thế giới tự nhiên xung quanh trẻ mà còn là nơi trẻ vui chơi và tìm hiểu về cội nguồn dân tộc.
Khôi nguyên mamnon.com