Xã hội
   Nghịch lý trên thị trường đồ chơi trẻ em: Con nhà nghèo lãnh đủ
 
Từ những thông tin về một số sản phẩm sữa xuất xứ Trung Quốc chứa melamine dồn dập đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân bắt đầu có tâm lý ngại ngần khi mua các sản phẩm có nguồn gốc từ nước này. Tuy nhiên riêng mặt hàng đồ chơi thì người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác khi đồ chơi Trung Quốc hầu như chiếm lĩnh thị trường. Vào viện nhi, chúng tôi đã chứng kiến không ít trẻ em là nạn nhân của đồ chơi ngoại nhập kém chất lượng...

TRÀN NGẬP ĐỒ CHƠI NGOẠI NHẬP KHÔNG NGUỒN GỐC, XUẤT XỨ
Đồ chơi an toàn quá đắt so với thu nhập của người dân
Ghé một cửa hàng bán đồ chơi trên đường XVNT, hỏi mua đồ chơi cho trẻ dưới mười hai tháng, chúng tôi được người bán hàng tiếp thị rất nhiều món đồ chơi xinh xắn, màu sắc bắt mắt. Đồ chơi cho lứa tuổi này thường là những quả xúc xắc nhỏ, dễ cầm nắm và phát ra tiếng nhạc, ngoài ra còn có những con thú bằng cao su mềm, đồ ngậm nướu... Điểm chung của những món đồ chơi này là đẹp, rẻ và không có một dòng thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Trước sự lo ngại của chúng tôi, người bán hàng trấn an: “Toàn là hàng Trung Quốc nhưng người ta vẫn mua cho con chơi đầy có sao đâu”. Lúc chúng tôi đi khỏi cửa hàng, chị còn nói với theo: “Ở đâu cũng vậy thôi, có gì quay lại mua giùm chị nha!”.

Dạo khắp các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, thậm chí sang cả quận 5 và các chợ, chúng tôi thấy cũng toàn đồ chơi Trung Quốc. Hỏi đồ chơi do Việt Nam sản xuất, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc có thì cũng chỉ vài món đồ chơi bằng gỗ và hàng gia công ở Chợ Lớn, mẫu mã kém hơn hẳn đồ chơi nhập ngoại. Vào một cửa hàng lớn trên đường CMT8, chuyên về đồ dùng và đồ chơi trẻ em, chúng tôi yên tâm lựa vài món đồ chơi khi thấy nhãn phụ do nhà nhập khẩu dán, ghi xuất xứ hàng từ Singapore. Lúc tính tiền, thấy người bên cạnh đưa con thú nhựa lên săm soi đọc phần nhãn ghi bằng tiếng Anh, chúng tôi hơi giật mình xem lại hàng mình vừa mua, lúc này mới thấy hàng chữ “Made in China” in trên nhãn gốc của sản phẩm. Hỏi nhân viên bán hàng, cô này vẫn khăng khăng là hàng đó của “Sing”, chỉ đến lúc chúng tôi chỉ dòng chữ “Made in China”, cô mới im lặng cho chúng tôi trả lại hàng.

Tìm hiểu kỹ, chúng tôi được biết đồ chơi an toàn cho trẻ, tức là đồ chơi nhập khẩu của các hãng có tên tuổi, nhập bằng con đường chính ngạch chỉ bán tại một vài điểm như Saigon Center, Diamond Plaza, Parkson và một vài cửa hàng lớn khác. Những đồ chơi này, rẻ nhất giá cũng xấp xỉ trăm ngàn, còn chủ yếu là tiền triệu. Với cái giá cao ngất ngưởng như thế có lẽ chỉ những gia đình khá giả mới dám bỏ tiền mua cho con chơi chứ với mức thu nhập của phần lớn người Việt Nam thì quả là quá xa xỉ. Cái giá của sự “an toàn” đắt đỏ như thế nên với dân số trên 86 triệu người, trong đó tỷ lệ trẻ từ 0 - 14 tuổi chiếm tới 36%, thì tính ra hàng ngày, hàng giờ thế hệ tương lai của đất nước vẫn phải chơi với những thứ độc hại, nguy hiểm.

KHÔNG AI QUẢN LÝ
Từ năm 2005, theo “Tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn đồ chơi trẻ em”, sản phẩm đồ chơi trẻ em phải ghi đầy đủ các quy định về nhãn mác như tên nhãn hiệu, địa chỉ nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu... và hướng dẫn cách sử dụng, cũng như lời cảnh báo thích hợp, đặc biệt là với đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Theo quy định thì như thế nhưng trên thực tế, thị trường đồ chơi trẻ em từ trước đến nay gần như bị bỏ ngỏ, không ai quản lý. Phần lớn đồ chơi trên thị trường đều là hàng nhập khẩu không chính ngạch nên khâu thẩm định chất lượng hầu như bị bỏ qua. Chỉ những lúc xảy ra chuyện, dư luận, báo chí vào cuộc thì cơ quan chức năng mới tăng cường kiểm tra, xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”. Hậu quả của việc kiểm soát thiếu chặt chẽ là sau mỗi đợt kiểm tra, mọi việc đâu vẫn hoàn đó, người bán vẫn tiếp tục bán và người tiêu dùng do không có sự lựa chọn nào khác nên vẫn phải mua. Trong 5 tháng đầu năm 2008, Chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 11 vụ vi phạm kinh doanh đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, thu giữ hơn 2.300 sản phẩm. Con số trên xem ra vẫn còn quá nhỏ so với số lượng đồ chơi không nguồn gốc trôi nổi trên thị trường.

Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Tổng cục tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng - Bộ Khoa học công nghệ (KHCN)) cho biết, trước 30-6-2008 sẽ thực hiện việc rà soát và đánh giá tổng quan về chất lượng đồ chơi trẻ em nhằm kiểm điểm lại việc quản lý chất lượng đồ chơi nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ KHCN sẽ xem xét các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn đồ chơi trẻ em để xây dựng quy chuẩn kĩ thuật đối với đồ chơi trẻ em.

Tháng 7-2008, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em tại các thành phố lớn và một số tỉnh có cửa khẩu quốc tế đường bộ...

Rất nhiều động thái của các cơ quan chức năng cho thấy trong thời gian tới thị trường đồ chơi trẻ em sẽ bị siết chặt nhưng thực tế chúng tôi ghi nhận thị trường vẫn không có biến động gì lớn, đồ chơi ngoại nhập, không nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán công khai tại các chợ và nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi.

NGƯỜI TIÊU DÙNG LÃNH ĐỦ

Đồ chơi kinh dị và đồ chơi bạo lực có nguồn gốc từ Trung Quốc có mặt đầy rẫy trên thị trường

Cuối năm 2007, 22 học sinh và 1 giáo viên của Trường THCS xã Quảng Phong, Quảng Xương, Thanh Hóa nhập viện với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực và khó thở. Trong đó có hai ca bị co giật nặng. Theo nhận định ban đầu của bác sĩ, các học sinh và giáo viên này bị ngộ độc hóa chất có trong đồ chơi “hạt nở” của Trung Quốc. Dị ứng, viêm da do tiếp xúc với đồ chơi cũng là những ca thường gặp ở bệnh viện da liễu và nhi đồng. Chị Thanh Hồng, ngụ Q. Phú Nhuận, mua búp bê ở một cửa hàng tạp hóa cho con gái chơi. Cô bé ôm búp bê đi ngủ, sáng thức dậy chị Hồng phát hiện trên mặt con có một đám hạt đo đỏ, bàn tay trái nổi nhiều hạt nhỏ li ti. Theo kinh nghiệm của bà hàng xóm, chị Hồng mua tuýp thuốc bảy màu Silkron chuyên trị bệnh dị ứng da thoa cho bé nhưng không hiệu quả. Đưa con đến khám tại chuyên khoa da liễu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 chị mới biết cơ thể bé bị dị ứng do vải quần áo của búp bê. Đồ chơi Trung Quốc còn tiềm ẩn mối nguy hiểm là có nồng độ chì rất cao. Theo nghiên cứu mới đây của EU và Ấn Độ, hơn 85% loại đồ chơi trong đó đa phần là của Trung Quốc, được làm từ nhựa (như điện thoại, trống gỗ, xúc xắc, thú nhồi bông...) có thể gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng vì có hàm lượng chì quá cao. Một bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết, trẻ em có khả năng hấp thụ chì rất cao, chính vì vậy hàm lượng chì cao trong đồ chơi có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc chì ở trẻ dẫn đến nghẽn mạch máu, tổn thương não, gan thận...; những vật nhỏ trong đồ chơi như cúc áo búp bê, bi, hạt nhựa rất nguy hiểm cho trẻ khi nuốt phải do làm ngạt đường thở. Nếu cứu chữa không kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng do não bị tổn thương...

Ngày 28-5-2007, Cơ quan an toàn người tiêu dùng Trung Quốc đã đưa ra thông tin: Có đến hơn 20% đồ chơi Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí một số đồ chơi do các nhà máy địa phương sản xuất còn tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng.

Rất nhiều nước trên thế giới đã có những biện pháp mạnh để kiểm soát hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là mặt hàng thực phẩm và đồ chơi. Đã đến lúc chúng ta cũng phải siết chặt lại thị trường đồ chơi, một thị trường vốn bị thả nổi từ trước đến nay để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo CA TPHCM
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 85% trẻ em Việt Nam bị sâu răng: SOS (11/10)
 Cô giáo không đánh “thần đồng” 32 tháng tuổi (11/10)
 TP Hồ Chí Minh: Quỹ phụ huynh: tự nguyện kiểu bắt buộc (10/10)
 Học phí tăng, chất lượng không được đảm bảo?! (10/10)
 Chợ họp chiếm hết lòng đường (10/10)
 Trẻ nhập viện tăng vì thời tiết (10/10)
 Một số trường mầm non: Không nhận sữa vì sợ ngộ độc (9/10)
 Sữa đắt tiền: Mẹ gồng con gánh (9/10)
 Khổ vì lớp năng khiếu (9/10)
 Trẻ em không thể... nhịn sữa (9/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i