Bạn bè là một trong những mối quan hệ xã hội hình thành tương đối sớm ở bé. Khoảng 18 tháng tuổi, bé rất thích thú khi được tham gia vui chơi với một nhóm bạn cùng tuổi.
Một vài bé nhanh chóng làm quen và hòa nhập với các bạn, trong khi một số bé khác lại tỏ ra khá e dè, ngượng nghịu. Cha mẹ nên nắm rõ đặc điểm tính cách này để hướng dẫn bé kết bạn.
Ảnh: GettyImages
Hướng dẫn
Thông thường, bé gặp 2 khó khăn khi tự mình kết bạn:
- Thứ nhất, bé không có cơ hội vui chơi cùng các bạn.
- Thứ hai, bé bị các bạn khác từ chối trong lần làm quen trước đó.
Dù bé có tính cách hơi nhút nhát hoặc “cứng đầu”, bạn vẫn nên từng bước giúp bé hòa nhập với bạn bè. Trước tiên, bạn nên tạo môi trường giao tiếp bạn bè cho bé mỗi ngày:
- Đưa bé đến những nơi vui chơi công cộng như công viên, vườn hoa, khu vui chơi thiếu nhi….
- Mời bạn bè đến dự sinh nhật bé hoặc cuối tuần bạn có thể làm bánh và mời các bé hàng xóm cùng thưởng thức.
- Nếu bé tỏ ra “hợp cạ” với một vài người bạn nhất định, bạn nên để các bé tiếp xúc với nhau nhiều hơn.
- Khuyến khích các trò chơi mang tính tập thể: các bé có thể cùng vui đùa với bố mẹ, sau này, khi đã quen, các bé sẽ biết cách tự chơi đùa với nhau.
- Nếu bé có các dấu hiệu khép kín, không muốn vui chơi hoặc khó hòa nhập với những bé khác, bạn nên chú ý vì có thể bé đang mắc phải chứng rối nhiễu tâm lý hoặc tự kỷ.
Nên để cho bé tự nhiên, thoải mái trong quá trình kết bạn. Nhiều bậc cha mẹ mắc sai lầm khi can thiệp với bé bằng cách: “Bạn đó hư lắm, con không được gặp bạn ấy nữa” hoặc so sánh bé với các bạn khác. Bạn có thể trao đổi để hướng dẫn bé tiếp thu hành vi tốt và loại bỏ những điều xấu, do ảnh hưởng từ bạn bè.
Bé xuất hiện hành vi xấu
Nhiều cha mẹ lo lắng khi thấy bé có nhiều biểu hiện như cấu véo, giật tóc, đấm đá, cắn… bạn cùng chơi. Thậm chí, một số bé không vừa ý còn có những hành vi “thô bạo” hơn.
Các nhà giáo dục cho rằng, đây là cách bé thể hiện “cái tôi” của riêng mình. Phần lớn các bé đều không ý thức được hậu quả của việc vừa làm, bé cũng không cố ý nhằm mục đích làm bạn chơi bị đau.
Nhiều bé có hành động nạt nộ, quát tháo bạn chơi do bắt chước hành vi này từ bố mẹ, anh chị, người thân…
Theo mevabe.net