Đặc điểm tính cách phố biến ở bé là tâm trạng thay đổi rất nhanh: Bé vừa khóc, đã có thể cười đùa ngay được. Vì vậy, khi thấy bé bực bội, bạn có thể hướng dẫn bé cùng chơi vài trò hấp dẫn, như chơi game chẳng hạn, sẽ khiến bé dễ chịu hơn.
Bé có xu hướng cáu kỉnh nhiều nhất trong độ tuổi từ 1 đến 6. Các dấu hiệu bộc lộ sự tức giận xuất hiện với nhiều cấp độ khác nhau: một số bé la hét không ngừng, trong khi một số bé khác dùng dấu hiệu lắc đầu, khua chân tay để biểu thị sự không hài lòng.
Giáo sư tâm lý Keely Owen (người Mỹ) cho rằng, bé thường cáu kỉnh khi thất vọng trước một vấn đề nào đó không diễn ra theo ý muốn của mình. Dưới 3 tuổi, bé có rất ít kỹ năng để tự mình giải quyết, đương đầu với mọi rắc rối. Vì vậy, bé dùng phương thức bực bội để gây sự chú ý, quan tâm từ phía cha mẹ.
Ảnh: GettyImages
Một số nguyên nhân khiến bé cáu kỉnh
Buồn chán. Đói. Bị đau. Mệt mỏi. Một số bé có thể bị hạ đường huyết do đói khoảng 4h chiều trở đi. Khi ấy, bé cũng rất dễ trở nên cáu kỉnh.
Các cách kiềm chế cơn cáu kỉnh ở bé
1. Nhận biết nguyên nhân: Trước hết, bạn nên tìm ra lý do chính khiến bé bực tức là gì: bé bị đói hay bị đau ở đâu... Tiếp đến, bạn nên tìm cách khắc phục tình trạng khó chịu này ở bé càng sớm càng tốt. Chẳng hạn, nếu bé đói, bạn có thể đưa cho bé một chút đồ ăn nhẹ, nếu bé bị đau, bạn có thể xoa thuốc vào vết thương...
2. Chăm sóc bé hàng ngày: Bạn nên chú ý thời gian biểu của bé hàng ngày: chẳng hạn, ngoài 3 bữa chính, bé có những bữa phụ như thế nào, giờ tắm, giờ ngủ của bé cũng nên cố định. Nếu bạn thường xuyên thay đổi hay làm xáo trộn lịch sinh hoạt, sẽ khiến bé giận dỗi.
3. Hướng sự chú ý của bé sang một hoạt động khác: Một trong những cách khiến bé giảm bớt bực bội nhanh nhất là hướng sự chú ý của bé sang các hoạt động khác. Đặc tính đơn giản ở độ tuổi bé là tâm trạng thay đổi rất nhanh: Đang khóc, bé có thể vui cười được ngay. Lúc này, bạn nên kéo bé đến một số hoạt động hấp dẫn như cùng bé say sưa với mấy món đồ chơi…
4. Đưa bé ra ngoài: Khi bé bực bội, bạn nên nhanh chóng đưa bé ra bên ngoài trong ít phút. Dỗ dành, bế, dắt tay bé đi dạo ở những nơi mát mẻ, thoáng đãng gần nhà sẽ khiến bé nhanh chóng bình tĩnh trở lại.
5. Trò chuyện với bé: Trò chuỵên sẽ giúp bạn tìm hiểu được nguyên nhân cơ bản khiến bé khó chịu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hướng dẫn bé cách tự mình giải quyết những rắc rối đó. Ví dụ, nếu bé đau ở đâu, bé nên nhanh chóng nói với người lớn, nếu bé đói, bé có thể đề nghị bạn đưa cho đồ ăn…
Lưu ý: Bạn nên tránh la mắng, tức giận với bé. Làm như vậy, sẽ khiến bé trở nên cáu kỉnh nhiều hơn. Ngược lại, bạn cũng không nên nuông chiều, thỏa mãn mọi sở thích của bé.
Theo mevabe.net