Để món tiền tiêu vặt mang được ý nghĩa giáo dục, tốt hơn nên để bé chủ động trong việc chi tiêu, lựa chọn mua bán và tiết kiệm. Hãy giúp bé như bạn là “chuyên gia tư vấn kinh tế”.
Khi nào nên cho bé tiền tiêu vặt, tại sao?
Sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về độ tuổi nên cho bé tiền tiêu vặt. Nhưng có lẽ thời điểm bé bắt đầu vào lớp một là một lựa chọn khá hợp lý. Khi đó, bé đã chính thức học đếm, học cộng, học trừ và bé đã có “sự chín chắn” nhất định. Bé vào lớp một, đó sự kiện trọng đại, và được nhận tiền tiêu vặt cũng ghi nhận thêm một khởi đầu ý nghĩa: bé được tự lập và bé cần có trách nhiệm hơn. Ngay từ nhỏ, trẻ em đã dần dần biết những khái niệm về giá trị của đồ vật, biết về tiết kiệm, về mua bán. Cho bé tiền tiêu vặt cũng là một phần không thể thiếu trong việc giáo dục bé.
Cho như thế nào?
Bé biết đồng tiền có thể đem tới những món quà vật chất và cả niềm vui. Nhưng tất cả chỉ có giá trị tích cực nếu ở trong một giới hạn, cha mẹ sẽ là người đặt ra giới hạn đó. Số tiền vừa đủ cho những nhu cầu phù hợp với độ tuổi của bé, và nên là một số tiền cố định. Điều đó tránh cho bé thói quen vòi vĩnh mè nheo, và cũng thêm một lần khẳng định “bé đã lớn” bởi một khoản “phụ cấp” định kỳ.
Thừa vài đồng tiền lẻ khi mua hàng “mẹ cho con”, đến kỳ sinh nhật hoặc lễ tết “bà cho con một trăm con tự chọn mua quà nhé”, những hành động đơn giản, tưởng như hợp lý nhưng sẽ tạo thành tiền lệ không tốt. Bé sẽ có thói quen hễ có thừa tiền lẻ, hễ thấy tiền lẻ vương vãi là của mình, và bé sẽ đòi hỏi một số tiền lớn hơn vì món quà bé thích chỉ đắt hơn một chút. “Đồng tiền có dễ dàng” không bao giờ là điều tốt trong giáo dục trẻ.
Nên tránh cho bé tiền để thưởng cho kết quả học tập hoặc “trả công” cho những việc dọn dẹp nhà cửa. Bé cần hiểu rằng, việc học ở trường và làm một số việc vặt ở nhà là nhiệm vụ của bé, giống như “một người lớn”. Và bạn không phải lúc nào cũng có sẵn tiền lẻ để “trả công” như vậy. Cũng đừng lấy đó làm điều kiện để mặc cả với bé “nếu con không ngoan, mẹ sẽ cắt tiền tiêu vặt tuần này”.
Số tiền bạn cho bé cần phù hợp với điều kiện kinh tế của bạn nữa. Bước đầu, có thể là một vài nghìn một tuần, và tăng dần khi bé đã lớn. Một khoản tiền nhỏ đều đặn chứ không gộp lại một số tiền tương đối lớn cho bé theo tháng, theo quý.
Dạy bé cách chi tiêu
Để món tiền tiêu vặt mang được ý nghĩa giáo dục, tốt hơn nên để bé chủ động trong việc chi tiêu, lựa chọn mua bán và tiết kiệm. Hãy giúp bé như bạn là “chuyên gia tư vấn kinh tế”. “Người lớn thường chỉ giữ một số tiền vừa đủ tiêu trong ví, còn lại sẽ gửi trong ngân hàng. Người giàu có là người có tài khoản lớn. Mẹ sẽ là ngân hàng cho con nhé.” Giúp bé cất giữ những món tiền lớn, như tiền mừng tuổi, tiền thưởng, và cả tiền bé tiết kiệm. Hãy cùng bé ghi chép lại những “khoản thu chi”.
Nhiều bậc cha mẹ thường “thu” ngay những món tiền mừng tuổi hay món tiền tặng của họ hàng người lớn cho bé, với lý lẽ “bố mẹ cũng phải bỏ tiền ra để “ngoại giao”, tiền này đúng ra là từ túi của bố mẹ”. Đừng bắt bé phải hiểu, phải sống quá sớm với những phức tạp của thực tế. Sẽ tốt hơn nếu bạn giữ riêng số tiền đó và bàn với bé cách chi tiêu.
Thật ý nghĩa khi mua được một món quà có giá trị cho bà, cho em nhân ngày sinh nhật. Một cuốn truyện mới, một chiếc áo mới, bé có thể “tự” chi trả bằng tiền “trong ngân hàng”. Bạn sẽ mỉm cười thầm nhủ “vẫn là tiền của mẹ thôi”. Nhưng những điều bạn có được, những bài học bạn đem đến cho bé: lòng yêu thương mọi người, sự tự lập, thói quen tiết kiệm, kinh nghiệm chi tiêu,... có lẽ là vô giá.
Thep aFamily