Đối với hầu hết trẻ nhỏ, thời điểm bé vào lớp Một thường khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Bởi vì lúc này bắt đầu có nhiều thay đổi trong sinh hoạt của trẻ: lần đầu tiên nhiều bé phải đi học cả ngày ở trường, lần đầu tiên bé phải xoay sở để giải cho ra một bài toán; và đặc biệt, lần đầu tiên bé học cách tự đọc một cuốn sách một mình, từng bước một.
Ảnh: inmagine.com
Tất nhiên, con bạn có thể đã học trước những kỹ năng này ở mẫu giáo, nhưng các giáo viên tiểu học thường nhận định rằng sự phát triển khả năng nhận thức cũng như phong cách học của trẻ sẽ thay đổi nhiều khi bé bắt đầu vào lớp Một. Một ngày bạn có cảm tưởng rằng trẻ chưa biết gì cả, nhưng ngày kế tiếp rất có thể bạn ngạc nhiên thấy bé reo lên: “A, con làm được rồi”. Có giáo viên đã nói đùa rằng: “Trẻ vừa bước vào lớp Một giống như bắp rang vậy”.
Vậy bạn nên dạy cho trẻ những điều gì lúc này? Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
Đọc: Đây là kỹ năng đầu tiên mà các giáo viên hướng đến để đánh giá khả năng học tập cũng như trình độ của trẻ. Ở lớp Một, bé cần rèn luyện những kỹ năng về ngữ âm và sử dụng ngôn ngữ nói chung; thầy cô sẽ yêu cầu trẻ tập kết nối các âm tiết lại để tạo thành những âm thanh có nghĩa. Cách tốt nhất để giúp bé phát triển kỹ năng đọc là cùng bé tập đọc bất cứ khi nào có thể và dạy bé cách phát âm chuẩn xác. Bé có thích truyện tranh không? Nếu bé thích, bạn cứ mua cho bé, vì đây là thời điểm lý tưởng để nuông chiều sở thích này của trẻ. Truyện tranh không chỉ là phương tiện để bé luyện đọc, mà những bức tranh minh họa trong đó cũng hỗ trợ nhiều cho sự phát triển năng lực hiểu biết về thế giới cho bé.
Viết: Khi vào lớp Một, giáo viên sẽ dạy trẻ cách viết những câu hoàn chỉnh với chữ cái đầu dòng viết hoa và những dấu chấm câu đặt vào vị trí thích hợp. Thậm chí, ở cấp học này bé còn được luyện tập cách tạo ra những câu chuyện đơn giản. Bạn nên nhớ rằng khả năng viết tốt của trẻ bắt đầu từ việc trẻ mạnh dạn thể hiện những suy nghĩ của mình trên trang giấy, và một câu chuyện trẻ con chỉ vòn vẹn rất có thể trở thành một kiệt tác nghệ thuật.
Toán học: Việc nhớ và phân biệt được các con số từ 1 đến 100 là yêu cầu chung dành cho trẻ lớp Một. Bé cần được chỉ dạy để hiểu giá trị của từng con số, tập đọc và viết từ số 1 đến số 100. Bé cũng được học các phép cộng đơn giản, bắt đầu từ phạm vi 10. Lúc này, trẻ sẽ làm quen với những khái niệm như lớn hơn, nhỏ hơn, bằng nhau và cách nhận biết cơ bản về giờ giấc. Khi bé ở nhà, bạn nên cùng bé tập đếm bất cừ đồ vật gì trong tầm nhìn và đọc giờ trên đồng hồ (tốt nhất bạn không nên dùng đồng hồ điện tử trong trường hợp này, thay vào đó hãy dùng loại đồng hồ cơ cổ điển).
Các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội: Ở lớp Một, trẻ được học những bài học có tác dụng xây dựng những kỹ năng về khoa học thông qua việc quan sát, phân biệt những sự giống và khác nhau, biết thế nào là vật sống hay chết. Những kiến thức này đều liên quan đến những những môn học về xã hội khi bé tiếp xúc với bản đồ, mô hình quả đất, những đường biểu diễn thời gian đơn giản và những dạng thức biểu thị khác như bảng ghi nhớ ngày sinh nhật, các loại lịch hay thời khóa biểu hoạt động của trường.
Những lời khuyên trên đây chỉ mang tính chất tổng quát cho trẻ lớp Một, những yêu cầu cụ thể hơn sẽ khác nhau ở từng địa phương hay ngôi trường mà bé theo học. Vì vậy, để hiểu rõ hơn những gì bạn cần làm cho bé, bạn nên tham khảo các tiêu chuẩn về giáo dục của Bộ Giáo dục và đào tạo, từ đó xây dựng những biện pháp cụ thể để giúp con học tốt.
Theo Web Trẻ Thơ
|