TV, internet và máy vi tính đang tác động và len loi sâu vào nếp sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Thế hệ trẻ là đối tượng ảnh hưởng nhiều nhât.
Ở những gia đình có điều kiện, các bé đang trở nên quá gắn bó với máy vi tính, với trò chơi điện tử và tiêu tốn rất nhanh quỹ thời gian dành cho luyện tập thể dục thể thao hay dạo chơi ngoài trời.
Nguy hại hơn, có những em nhỏ mải mê trò chơi điện tử tới mức “nghiện”. Nếu không cho chơi ở nhà, các em lẻn ra quán chơi.
Nguyên nhân bé thích chơi.
Thỏa mãn tính 'hiếu thắng'
Theo các bác sĩ, tình trạng "nghiện" trò chơi điện tử ở các em xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Bản chất con người và môi trường.
Ảnh: GettyImages
Trước hết, các em cũng có khao khát tìm kiếm hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Trò chơi điện tử đáp ứng trực tiếp khao khát đó. Mỗi khi thắng trò nào đó, bé cảm thấy rất tự hào về thành công. Vấn đề ở chỗ, thành công ấy đến nhanh và dễ gấp nhiều lần so với nỗ lực học tập ở trường.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng là thủ phạm gián tiếp. Bởi quá bận rộn với công việc, khá nhiều thời gian họ giao con cho TV và máy vi tính "chăm sóc".
Bé cần tiêu hao kalo
Các bé mê trò chơi điện tử vì chúng thiếu lựa chọn để tiêu hao sinh lực. Dường như ngày càng ít các địa điểm dành cho bé nghỉ ngơi, giải trí một cách lành mạnh.
Mức độ nghiện
Có thể chia mức nghiện của bé theo 04 cấp độ.
(1) Tìm kiếm. Bé tranh thủ cơ hội để tham gia trò chơi điện tử. Chúng vội vã lao vào máy vi tính ngay khi làm xong bài tập. Hoặc ngay khi vừa mở mắt.
(2) Quen dùng. Thói quen chơi điện tử đã bám rễ và thời gian bé dành cho môn này ngày càng tăng.
(3) Không thể thiếu. Bé bắt đầu trở nên cáu bẳn nếu như không được tham gia trò chơi điện tử. Thậm chí chúng ngồi lỳ nếu như máy vi tính hỏng hoặc không được ra ngoài chơi.
(4) Chểnh mảng công việc khác. Bé càng mê trò chơi điện tử chắc chắn kết quả học ở trường càng kém. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể trốn học, ăn cắp vặt để có tiền chi trả chơi điện tử. Chúng dường như quên hết các công việc khác.
Giải pháp
Dù bé nghiện ở cấp độ nào, bạn cũng nên kiên trì giúp con. Hãy nhớ rằng, trò chơi điện tử không hoàn toàn có nghĩa độc hại bởi có những trò bổ ích cho con phát triển trí tuệ.
Xây dựng nguyên tắc và trách nhiệm.
Cha mẹ có thể hướng dẫn con tự lập nội qui. Ví dụ, không được chơi liền 02 tiếng; không được chơi trong khi ăn; phải hoàn thành các nhiệm vụ như rửa bát, quét nhà…
Giảm cơ hội tiếp cận máy vi tính và internet.
Hãy tỷ mỷ trong thời gian biểu và số lượng máy tính trong nhà để hạn chế tối đa cơ hội con ngồi trước màn hình máy vi tính. Bố trí máy vi tính ở vi trí dễ quan sát trong nhà, nếu mọi người cùng biết những gì diễn ra trên màn hình thì càng tốt.
Biện pháp tài chính.
Hạn chế giờ thuê bao internet hoặc thời gian sử dụng máy vi tính. Kiểm soát tiền tiêu vặt của con. Đừng cho con quá nhiều tiền và cố giáo dục ý thức tiết kiệm thông qua trao đổi về “tình trạng eo hẹp của ngân sách gia đình”.
Luôn lắng nghe và chia xẻ.
Hãy quan tâm thích đáng tới con và khơi gợi để con tâm sự. Hạn chế trách mắng và tăng cường thân thiện với con. Nâng cao tinh thần trách nhiệm. Ví dụ, bạn nên nhẹ nhàng nhắc: “Con chơi quá thời gian đã hứa với mẹ/bố rồi đấy” thay vì “Con là đồ vô trách nhiệm, không chịu giữ đúng lời hứa”.
Tiếp cận tích cực.
Bạn có thể sáng tạo để con có những lựa chọn giải trí khác như chơi cờ, học nhạc, học vẽ.
Nâng cao trách nhiệm bản thân.
Đề dạy con, điều đầu tiên bạn phải tự nâng cao trách nhiệm và sự kiên nhẫn của chính mình. Một khi bạn đã thành công trong rèn luyện bản thân thì khả năng thành công trong dạy con sẽ rất gần.
Theo mevabe.net