Nhiều cha mẹ thường sợ các buổi họp phụ huynh của trường. Ngay cả khi bạn biết chắc rằng con cái học tốt ở trường, buổi họp phụ huynh giống như buổi tòa mang con bạn (tức là con bạn) ra xử. Và nếu bạn biết chắc rằng con bạn có vấn đề ở trường, bạn thường sẽ sợ phải đối diện với giáo viên, người sẽ cho rằng bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề của con bạn. Tất nhiên, bạn cũng nên biết rằng giáo viên của con bạn cũng có đôi chút sợ hãi giống như bạn. Bởi xét cho cùng, giáo viên cũng cảm thấy rằng mình có trách nhiệm với bất cứ vấn đề nào của con bạn. Do đó, bạn có thể bình tĩnh và đặt vị thế của bạn ngang hàng với giáo viên.
Tất nhiên, ý nghĩa của những buổi họp phụ huynh là giúp cho cha mẹ và giáo viên có cơ hội làm việc như một nhóm. Sự tham gia của cha mẹ trong quá trình giáo dục con cái mang lại kết quả lớn trong quá trình trẻ học ở trường, và cha mẹ nên tham gia những cuộc họp phụ huynh định kỳ hoặc bất thường. Bạn có thể khiến buổi họp phụ huynh đạt hiểu quả hơn thông qua những gợi ý sau đây:
Không nên đợi buổi họp phụ huynh đầu tiên mới liên lạc với giáo viên. Thay vì vậy, bạn nên tìm các cách khác để nói chuyện với giáo viên, thậm chí chỉ một hoặc hai phút. Nếu thời gian biểu của bạn cho phép, bạn có thể tình nguyện giúp đỡ gió viên chuẩn bị một buổi liên hoan của lớp hoặc một chuyến đi tham quan. Bạn cũng nên để giáo viên thấy rằng bạn là người thân thiện, cởi mở và quan tâm tới chuyện trường lớp, học hành của trẻ. Bạn có thể biết được nhiều vấn đề của trẻ ngay khi các vấn đề mới bắt đầu và giáo viên cũng sẽ quan tâm đặc biệt tới trẻ hơn.
Lịch sự nhưng không nhút nhát. Nếu bạn quan tâm tới sự tiến bộ về thành tích học tập và mối quan hệ của trẻ với bạn bè, bạn có thể cho giáo viên biết rằng bạn thích nói chuyện về những vấn đề đó. Bạn có thể ghi lại những câu hỏi của bạn và hỏi vào các buổi họp phụ huynh.
Kết hợp giữa phê bình và khích lệ. Nếu bạn quan tâm tới một vấn đề nào đó đang xảy ra trong lớp học, bạn nên chú ý tới những hoạt động tích cực trong cùng thời điểm. Khi bạn ghi nhận những việc tốt mà giáo viên đã làm, bạn sẽ giúp giáo viên lắng nghe những mối quan tâm của bạn mà không giữ thế phòng ngự. (Và bạn cũng giúp trẻ tiếp cận cách phê bình mang tính chất xây dựng.)
Nêu vấn đề cụ thể. Những quan sát và sự kiện cụ thể thường hiệu quả hơn những quan sát chung chung. "Cháu thường dành khoảng 40 phút để làm bài tập Toán về nhà những cho đến nay cháu vẫn chưa theo kịp các bạn môn Toán" sẽ tốt hơn nếu bạn phản ánh chung chung "Cháu nó mất quá nhiều thời gian để làm bài tập về nhà".
Nên để trẻ ở nhà khi trao đổi với giáo viên, ít nhất là trong buổi họp giáo viên đầu tiên. Mặc dù thỉnh thoảng trẻ sẽ được mời tham gia vào buổi họp phụ huynh, nhưng người lớn cần có cơ hội nói chuyện tự do với nhau, mà không cần băn khoăn xem liệu trẻ có hiểu hay không hiểu vấn đề. Đôi khi trẻ tự hỏi không biết cha mẹ và giáo viên nói gì về trẻ, và trẻ có quyền được biết điều đó. Nhưng cha mẹ có thể nói lại với trẻ sau buổi họp phụ huynh, trẻ không cần có mặt trong buổi họp.
Nếu bạn không quan tâm tới bất kỳ vấn đề nào ở lớp của con, bạn có thể hỏi một số câu hỏi dưới đây:
"Con tôi học tốt môn nào ở lớp, và cháu cần làm gì để học tốt môn đó hơn?"
"Tại thời điểm này, con tôi có miễn cưỡng tham gia hoạt động nào ở lớp không?"
"Chúng tôi cần làm gì ở nhà để giúp trẻ nhiều hơn khi tới lớp?"
"Khi chơi với bạn bè, con tôi có hòa hợp với các bạn không?"
Nếu bạn hoặc giáo viên của bạn có mối quan tâm nào đó, bạn có thể cùng giáo viên xác định vấn đề đó là gì càng sớm càng tốt. Bạn nên cùng giáo viên trao đổi để thấy vấn đề càng sớm càng tốt và tìm ra giải pháp. Nếu bạn đưa ra bất cứ quyết định nào trong buổi họp đầu tiên (như đổi chỗ ngồi cho trẻ hoặc yêu cầu trẻ hoàn thành bài tập về nhà trước khi được xem tivi), bạn nên có một buổi họp nho nhỏ trong vòng 2 tuần - 1 tháng để trao đổi với bạn kết quả của quyết định đó và những can thiệp tiếp theo.
Theo lamchame.com