Lớn tiếng một chút là khóc, không hài lòng điều gì cũng khóc, lè nhè, mau nước mắt là bệnh chung của các bé vào khoảng thời gian trước tuổi đi học và mới đi học. Mỗi khi khóc nhè, bé không những gây mệt mỏi cho chính mình mà còn gây khó chịu cho những người xung quanh.
Nhiều đứa trẻ chỉ nhõng nhẽo với ba. Ảnh: Inmagine
Hiện tượng khóc nhè để đạt được ý muốn của mình kéo dài vài tuần, và cũng có khi vài tháng. Đôi khi cha mẹ có cảm giác điều đó đã trở thành thói quen không thể nào thay đổi được. Nhưng thực tế mọi chuyện cũng sẽ qua đi khi bé lớn lên.
Ở đây, chúng ra chỉ nói đến những bé có tâm sinh lý bình thường chứ không đề cập đến bé hay khóc vì bị bệnh hoặc vì những bất hạnh chúng gặp phải như bị ngược đãi, cha mẹ li dị...
Mỗi lần bạn hỏi đến là bé có đủ thứ lý do như: “Con không thích ở nhà, con muốn đi mua đồ chơi” hoặc “Con không thích đi học, con không thích cô này, con không thích bạn kia”… Nhưng dù bé có nịnh nọt, khóc lóc, mè nheo thế nào đi nữa thì cha mẹ cũng có thể nhận biết được bé khóc thật hay giả.
Yêu cầu không được đáp ứng là bé cứ mè nheo mãi. Hầu hết các yêu cầu của bé xuất phát một cách rất tự nhiên. Chúng đòi mua hoặc đòi chơi những gì chúng thật sự thích. Vì vậy, nếu không được đáp ứng thì bé sẽ nhớ rất lâu và nhắc mãi về điều đó.
Khóc là một phần của mối quan hệ
Nhiều trẻ chỉ nhõng nhẽo với ba hoặc với mẹ dù chúng ta thường nghĩ rằng bé có thể đòi hỏi hay muốn khóc với bất cứ ai. Trường hợp này, khóc không những thể hiện rõ thói quen hoặc tâm trạng mà còn cho thấy cả thái độ của bé đối với ba hoặc mẹ. Điều này cho thấy, không hẳn bố hoặc mẹ có hai hay nhiều con hơn phải lần lượt chấp nhận tất cả các yêu cầu của con. Thông thường chỉ có một trong số các bé là có tính hay mè nheo hơn so với các anh chị em trong gia đình.
Có lần tôi có dịp đi cắm trại với một gia đình gồm người mẹ và ba trong bốn đứa con của chị ấy. Người mẹ thật tuyệt vời, bọn trẻ rất lễ phép, hòa đồng, vui vẻ nhưng bé gái 5 tuổi thì quấy hết chỗ nói, bà mẹ phát cáu vì nó. Đầu tiên, bé than chán, tiếp theo là đói rồi ca cẩm mình khát nước khô cả cổ.
Lúc đầu, người mẹ tỏ ra chẳng quan tâm đến điều đó. Sau đó, người mẹ khuyên bé tự làm những gì mình muốn. Khi nói chuyện với bé, giọng nói của người mẹ không quyết đoán mà cũng không biện hộ gì. Sau hơn cả giờ bé cũng chẳng nghe lời. Bực mình, đôi khi bà lớn tiếng, làm mặt nghiêm nhưng bé dường như vẫn không có ý định bỏ cuộc. Rốt cuộc, thoả thuận không đạt được, thế là bé òa khóc.
Tóm lại, tình huống trên đây không phải là trường hợp nghiêm trọng. Nhưng lđiều này dễ gây tâm lý không thoải mái cho mọi người, nhất là các bậc cha mẹ.
Phải làm gì?
Có một số cách rất cụ thể và thực tế nếu con bạn hay khóc. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng liệu có phải thái độ của bạn đã làm cho bé có những phản ứng như thế?
Rất có thể, bạn thường trả lời một cách thoái thác cho qua chuyện, lưỡng lự hay dễ dàng chấp nhận yêu cầu mà không suy xét Có thể khi bé yêu cầu điều gì bạn cũng đồng ý, do tâm lý không dành nhiều thời gian cho con hoặc không muốn con thua kém bạn bè. Đôi lúc vấn đề còn pha lẫn sự bực bội không tránh khỏi vì cảm giác mình là nạn nhân. Đó là cảm giác chung của nhiều bậc cha mẹ khi con khóc hoặc có một đòi hỏi nào đó. Đây là đều rất khó vượt qua vì cha mẹ thường không quan tâm đến điều gì ngoài sự mất kiên nhẫn và những đòi hỏi không bao giờ chấm dứt của bé.
Nếu bạn không sớm nhận ra thái độ của bạn có gì bất ổn thì hãy cố tìm những lý do khiến trẻ nhăn nhó, khóc lóc. Tự hỏi bản thân mình xem có thái độ hoặc điều gì vô tình làm cho bé mè nheo. Có thể là bạn quan tâm bé quá mức, vội vã đáp ứng đòi hỏi của bé để tránh tiếng khóc.
Khi tự tin vào cách giáo dục con và xử lý tốt các tình huống trên, bạn sẽ có thái độ thân thiện nhưng luôn rõ ràng và kiên quyết. Sự thân thiện sẽ làm cho trẻ luôn vui vẻ hợp tác. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn cho bé biết những gì mình thật sự cần và mong muốn có được.
Khi bạn đã biết rõ mình phải làm gì không nên tranh cãi với bé về những giới hạn mà bạn đã đưa ra. Nếu được cho phép thoải mái đòi hỏi, bé sẽ mè nheo mãi cho đến khi bạn chấp nhận yêu cầu của bé. Nên nói chuyện với bé, đưa ra những giới hạn và kết thúc câu chuyện bằng những thỏa thuận trong không khí vui vẻ nhưng kiên quyết.
Làm luật và áp dụng
Cha mẹ nên đặt ra nhiều quy tắc cần thiết để có thể đối phó được mọi cuộc tranh cãi, biện hộ của trẻ để khiến chúng phải “tâm phục khẩu phục”. Giờ ngủ bé buộc phải đi ngủ, chương trình ti-vi nào được phép xem, khi nào thì được mời bạn đến nhà chơi… Trước đây, nhiều gia đình đã khắc cả gia quy lên vách... và không ai được vi phạm những quy tắc này.
Nếu bé than buồn chán vì không có ai hoặc không có gì để chơi thì bạn đừng vội đưa ra các hoạt động giải trí không có chọn lựa. Một khi bé đang ở trong tâm trạng buồn chán thì bé chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì. Bố mẹ nên thử từng chút một.
Bạn cũng có thể “đẩy” trách nhiệm lại cho trẻ mà không nhất thiết phải tranh luận mà chỉ cần nói: “Con cưng, mẹ có cả núi việc phải làm, để mẹ làm bớt công việc cần làm ngay rồi mẹ sẽ chơi với con được không?” hoặc “Con nên tự mình tìm những việc con thích làm hoặc thích chơi. Mẹ không có thời gian để chơi với con ngay lúc này đâu”...
Tuy nhiên, bạn cũng nên cho bé quyền được làm nũng, xin một thứ gì đó vào một dịp đặc biệt. Khuyến khích trẻ nói ra với bạn những gì chúng muốn. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý những đòi hỏi quá đáng của bé hoặc bạn tỏ vẻ giận dữ, cấm đoán khi bé đòi hỏi hay giận lẫy.
Theo Web Trẻ Thơ