Cuộc sống sung túc và kinh tế dư dả dễ làm các bạn trẻ lãng quên giá trị của những đồng xu nhỏ. Chính cha mẹ sẽ hướng con mình trở thành chú kiến cần mẫn trong tương lai.
Suốt nhiều tuần nay, không khí nhà chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, 49 tuổi, kế toán trưởng, ngụ tại đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM, căng như sợi dây đàn. Cậu con trai duy nhất của chị, ngoại trừ giờ ăn cơm, cứ trốn biệt trong phòng và bấm khoá cửa. Nguyên nhân chỉ vì anh chị đốc thúc con đi kiếm việc làm.
Vài dăm triệu bõ bèn gì?
Nhiều bạn trẻ ngày nay muốn một bước có ngay công việc kiếm được nhiều tiền
Con trai chị Xuân, Thanh Duy, đã 22 tuổi, vừa tốt nghiệp loại giỏi khoa Toán - Tin trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Chị tự hào về thành tích học tập của con bao nhiêu lại phát rầu vì con không chịu đi làm bấy nhiêu.
"Thấy việc làm nào hấp dẫn, tôi lại mang về cho con nhưng nó cứ vứt đấy! Nghĩ con vẫn còn thích đi học, tôi bảo nó học lên cao học nhưng nó cũng từ chối", chị Thanh Xuân thở dài cho biết.
Một lần, tình cờ nghe con nói chuyện điện thoại, chị bật ngửa khi biết lý do của con. Duy thản nhiên nói với bạn: "Đi làm chi cho mệt, học cao nữa cũng chẳng làm gì. Còng lưng làm cho lắm cũng chỉ được dăm ba triệu!".
Con của chị Xuân không phải trường hợp duy nhất chê những khoản thu nhập thấp. Hân Tú, 23 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cũng khiến cha mẹ lo lắng vì thay công ty như thay áo. Chưa đến một năm đi làm, Tú đã đổi 3 công ty.
Tú hay than thở: "Lương gì mà có 3.000.000 đồng/tháng! Biết chừng nào mới mua được xe hơi, tậu được nhà lầu?". Vì nghĩ lương chẳng bao nhiêu, Tú luôn tiêu pha và mua sắm "sạch sẽ". Đến cuối tháng, cô phải xin tiền mẹ để chi tiêu.
Vì họ không quý xu?
Duy và Tú không phải hai bạn trẻ duy nhất chê những đồng xu lẻ. Theo chuyên viên tâm lý Như Khôi, hiện công tác tại Nhà Văn hoá Phụ Nữ TP.HCM, có hai nguyên nhân chính khiến họ không biết quý trọng giá trị đồng tiền.
Thứ nhất, mức sống hiện nay cao hơn trước. Các bạn trẻ ăn ngon mặc đẹp và dễ dàng sở hữu những thứ giải trí đắt tiền như một cách bù đắp cho con nhưng vô tình tạo ra thói quen xem thường đồng tiền của trẻ.
Mặt khác, không ít cha mẹ có tuổi thơ cơ cực. Họ không muốn con vất vả như mình nên ra sức chiều theo ý thích của con. Tiền có được quá dễ nên trẻ không hiểu giá trị của những đồng xu nhỏ.
Ngoài ra, những bạn trẻ có khát khao và tham vọng lớn nhưng nóng vội cũng thuộc típ người này. Họ quên quy tắc "góp gió thành bão" nên chỉ chăm chăm tìm những khoản tài chính lớn. Trong khi đó, nếu chịu khó góp nhặt, họ có thể thành công sớm hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Huỳnh Vũ, 30 tuổi, giám đốc một cửa hàng máy tính trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM, chia sẻ: "Tôi khởi nghiệp kinh doanh với 15.000.000 đồng tích cóp trong 8 năm. Có được ngày hôm nay, tất cả đều nhờ bài học "quý đồng xu" cha dạy thuở nhỏ".
"Năm tôi 10 tuổi, trong một lần đi dạo với cha, tôi trông thấy tờ 50 đồng trên vỉa hè. Chê ít, tôi làm lơ không nhặt, nhưng cha tôi lại cúi xuống nhặt lên, vuốt phẳng phiu và đút vào túi. Mặc kệ tôi trố mắt ngạc nhiên, cha điềm tĩnh thả tờ 50 đồng vào chiếc nón rách của một người ăn xin.
Quay sang nhìn tôi, cha bảo: "Tờ 50 đồng tuy mệnh giá nhỏ nhưng giá trị không nhỏ. Con biết không, khi con đến tuổi đi học, ba quyết tâm để dành tiền mua cho con chiếc cặp táp. Để dành suốt hai tháng nhưng ba cứ thiếu hoài 50 đồng. Phải mất thêm một tháng nữa, ba mới đủ tiền mua cặp. 50 đồng tuy nhỏ nhưng lớn là vậy".
Nhớ lời dạy của ba, khi trưởng thành, anh Vũ không phung phí bắt kỳ món tiền nhỏ nào. Lặng lẽ tích trữ nhiều năm, anh mới đủ tiền xây dựng sự nghiệp. Nhiều người vẫn gọi anh là doanh nhân trẻ nhưng để có hôm nay, anh phải "cậy nhờ" những đồng xu nhỏ rất lâu.
Hãy dạy con quý giá trị đồng xu
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, các bậc phụ huynh nên dạy con biết quý trọng giá trị của đồng tiền
Việc xem thường những đồng xu nhỏ gây ra hậu quả rất xấu. Không chỉ sử dụng tiền thiếu hợp lý, không biết tiết kiệm, những bạn trẻ này còn thiếu ý chí phấn đấu. Họ ngại khó, mau nản lòng, thiếu kiên nhẫn và rất khó thành công.
Để giúp con trở thành những chú kiến cần mẫn, các bậc cha mẹ cần giáo dục con biết quý trọng giá trị đồng tiền. Quá trình này đòi hỏi thời gian lâu dài và theo ba phương pháp chính.
Thứ nhất, cần giáo dục tư tưởng để con hiểu giá trị của những đồng xu. Hãy phân tích để trẻ hiểu rằng món tiền lớn xuất phát từ nhiều món tiền nhỏ! Tiết kiệm dù chỉ 1.000 - 2.000 đồng nhưng sau một thời gian, số tiền sẽ "nở" lớn.
Mỗi tờ tiền, dù mệnh giá nhỏ, nhưng giá trị không nhỏ. Nó có thể mang cơm cho người nghèo và gây dựng cả cơ nghiệp trong tương lai.
Thứ hai, hãy giáo dục con bằng hành động cụ thể. Ngoài việc chi tiêu tiết kiệm để làm gương, bạn chỉ nên cho trẻ tiền khi cần và vừa đủ. Với những vật dụng đắt tiền, nên hướng trẻ tự để dành tiền tiêu vật để mua.
Thỉnh thoảng, hãy cùng trẻ tham quan hoạt động từ thiện. Khi thấy 5.000 - 10.000 đồng của mình có thể mang đến bữa ăn no cho người khác, trẻ sẽ hiểu giá trị của đồng tiền và biết cảm thông hơn.
Thứ ba, hãy giúp trẻ lập kế hoạch tài chính. Từ sáu tuổi, trẻ biết phân biệt các mệnh giá tiền và làm phép cộng trừ. Hãy trò chuyện và giúp trẻ thực hiện ước mơ bằng phương pháp kế hoạch tài chính.
Ví dụ, nếu trẻ thích có chiếc cặp mới vào niên học sau, hãy lập kế hoạch chi tiêu cho trẻ ngay từ đầu hè. Bạn ước lượng món tiền vừa đủ và chia nhỏ ra trong 3 tháng. Dựa vào đây, trẻ sẽ biết khoản tiền mình cần dành dụm mỗi ngày.
Sau khi hoàn thành, hãy giải thích và hướng dẫn cách làm cho trẻ. Trẻ sẽ mau chóng nắm được cách lập kế hoạch tài chính.
Bên cạnh đó, không ít cha mẹ "bỏ quên" việc giáo dục trẻ quý giá trị đồng tiền khi còn bé. Để uốn nắn lại con, bạn cần kiên quyết, thậm chí cắt chu cấp nếu cần. Có như vậy, con bạn mới tập được thói quen tiết kiệm và hiểu giá trị của những đồng xu.
Theo tintuconline.com.vn