Theo GS.TS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam, trẻ từ 3 tuổi trở lên mới nên đi nhà trẻ để giao lưu, học hỏi.
Vấn đề gửi trẻ ở lứa tuổi nào không quan trọng bằng việc gửi cho ai? Nói như vậy để thấy rằng, vai trò của người giữ trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi rất quan trọng. Trẻ em ở lứa tuổi này bị rất nhiều tác động bên ngoài đe dọa đến tính mạng.
Cô giáo có đầy đủ kiến thức về dạy và chăm sóc trẻ ở tuổi mầm non là hết sức quan trọng
Kinh nghiệm của tôi trong nhiều năm công tác tại Viện Nhi Trung ương cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu chảy cao nhất trong các loại bệnh ở trẻ em và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất.
Tôi lấy ví dụ về bệnh tiêu chảy. Nếu đứa trẻ đi ngoài 1-2 lần trong ngày là bình thường, trên 2 lần là phải lưu ý. Nếu đứa trẻ đi ngoài 5 lần, 8 lần, 10 lần hoặc hơn trong 1 ngày mà cô giáo không để ý hoặc không biết cách xử lý ban đầu như cho trẻ uống bù nước Oresol có thể khiến trẻ tử vong vì mất nước.
Riêng với các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nếu trẻ bị sốt, khó thở, cô giáo cần phải biết đếm thở để biết được khi nào cần phải đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu? Ngoài ra, việc đơn giản nhất là cho trẻ ăn, cô giáo cũng cần phải có kỹ năng và kiến thức về y tế…
Một vấn đề nữa là nếu trẻ 3 tháng tuổi đi nhà trẻ công lập, rất cần được quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Một đứa trẻ 3 tháng tuổi ăn uống khác một đứa trẻ 4 tháng tuổi.
Một đứa trẻ 4 tháng tuổi ăn đồ ăn của trẻ 7 tháng tuổi, có thể dẫn đến hiện tượng tiêu chảy vì trẻ không hấp thụ được. Vì vậy, cô giáo cũng phải đặc biệt lưu ý vấn đề này. Nói chung, trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ thì chủ yếu là được chăm sóc chứ không phải dạy chữ.
Trẻ từ 3 tuổi trở lên mới nên đi nhà trẻ để giao lưu, học hỏi và dạn dĩ. Ở lứa tuổi này, trẻ cũng bắt đầu ham học hỏi. Nếu không được đi học, ở nhà trẻ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng “văn hoá giúp việc”.
Còn đối với trẻ dưới 3 tuổi, nếu gia đình có điều kiện, nên giữ các cháu ở nhà nuôi dưỡng, chăm sóc thì tốt hơn. Điều này cũng rất phù hợp với phương pháp chăm sóc trẻ ở nước ngoài.
Ví dụ ở Thụy Điển, một đứa trẻ có thể được bố mẹ trực tiếp ở nhà chăm sóc từ 1-2 năm đầu đời, vì luật của họ cho phép bà mẹ được nghỉ thai sản trong thời gian 1 năm để chăm con. Không chỉ mẹ, bố đứa trẻ cũng được nghỉ 1 năm để chăm vợ.
Hết năm đầu tiên, nếu bà mẹ muốn nghỉ thêm có thể làm đơn và được phép nghỉ thêm 1 năm nữa để ở nhà chăm sóc con mà vẫn được hưởng nguyên lương.
Khi còn là Giám đốc Viện Nhi, tôi đã từng làm đề tài khoa học về vấn đề nghỉ 6 tháng sau sinh ở phụ nữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những bà mẹ có thời gian ở nhà cho con bú đủ 6 tháng thì đứa trẻ rất khỏe mạnh hơn, ít mắc bệnh hơn.
Nếu đứa trẻ khỏe mạnh, người mẹ cũng làm việc năng suất hơn do không phải nghỉ ở nhà chăm con ốm. Sau đó, Nhà nước mình đã từng áp dụng cho phụ nữ nghỉ sau sinh 6 tháng. Nhưng tiếc là chỉ được vài năm, sau đó quy định này thay đổi - chỉ được nghỉ 4 tháng như bây giờ.
( Theo Tin Tức )