Bạn có tin không khi sự hiểu biết về thế giới xung quanh của bé đôi khi làm cho nó cảm thấy sợ một vật rất bình thường. Ở bất cứ độ tuổi nào, con người vẫn có những sự sợ hãi, đôi khi rất mơ hồ. Đối với trẻ ở vào tuổi tập đi cũng tương tự. Luôn có người lớn bên cạnh; mọi vật dụng, đồ chơi của bé đều dễ thương. Vậy thì trẻ còn sợ gì. “Chẳng có gì phải sợ hãi”, người lớn thường nghĩ thế. Thế mà, xin thưa là có đấy. Sợ hãi là bình thường và một phần trong quá trình phát triển của bé.
Tại sao lại thế?
- Giàu tưởng tượng: khả năng tưởng tượng của trẻ 1 tuổi phát triển với tốc độ rất nhanh, rất phong phú. Đôi khi trẻ sợ một người hoặc một vật mà chẳng hung dữ, xấu xí hay làm hại gì đến chúng cả. Cái máy hút bụi bỗng dưng trở thành quái vật ăn thịt người, gào thét gì đấy mà chúng không hiểu. Không hiểu thì lại càng sợ, sợ thì phải khóc hoặc chạy trốn. Ngoài ra, trẻ không thể phân biệt đâu là thế giới thật và thế giới ảo trong trí tưởng tượng của mình. Chính óc tưởng tượng phong phú đã xóa nhòa ranh giới giữa cái thực và ảo.
- Cảm giác bất lực, không có khả năng tự vệ: trẻ hiểu là một khi có chuyện gì xảy ra thì chúng không thể chạy nhanh để thoát thân và cũng nhận thấy rằng chúng yếu đuối hơn người lớn rất nhiều. Điều đó mang đến cảm giác bất lực và dễ rơi vào trạng thái sợ hãi.
- Chủ nghĩa tượng trưng: Vào khoảng 18 tháng là trẻ đã bắt đầu quan sát đồ vật kỹ hơn. Ví dụ: bóng đen được cho là quái vật và một con mèo xinh xắn bỗng trở thành con vật dữ tợn.
- Cách quan sát vật thể: Người lớn đôi khi không để ý rằng cách nhìn nhận thế giới, cuộc sống của chúng ta khác biệt với trẻ hoàn toàn – khi còn bé, những vật thể nhỏ có vẻ như to lớn hơn và những vật thể bề thế hơn một chút thì cứ như khổng lồ.
Vậy thì điều gì làm trẻ sợ?
Đôi khi sự sợ hãi lại liên quan đến mối quan hệ tình cảm. Mặc dù chỉ mới biết đi nhưng có thể chúng đã biết lo lắng, cảm thấy sợ khi không được người lớn, đặc biệt là mẹ, người gần gũi với nó nhất hắt hủi. Lúc nào nó cũng muốn nhõng nhẽo, được ẵm bồng, nựng nịu và thật đáng sợ nếu bạn không đả động đến nó.
Nhiều khi chúng lại cảm thấy lo lắng vì sự chia ly. Bạn rất dễ nhận thấy điều này khi trao bé cho người lạ, nó sẽ phản đối ngay. Chúng khóc, chúng chối từ và nằng nặc bám trên người thân mà thôi.
Sợ bị đau là sự sợ hãi thường thấy nhất. Dù rằng chưa nhận thức được tai nạn hoặc những rủi ro thường gặp nhưng chúng biết phi ngựa gỗ phải cẩn thận vì ngã sẽ rất đau.
Trong quá trình tìm hiểu, các nhà khoa học tìm ra một điều rất thú vị là những con vật nhỏ bé lại làm cho trẻ nhỏ sợ hơn là những con thú lớn. Có lẽ là do tốc độ và cách thức di chuyển của chúng như nhện, sâu, bướm và dế.
Người lớn nên làm gì để giúp trẻ đương đầu với sự sợ hãi?
Chúng ta thường có khuynh hướng loại bỏ các đồ vật hoặc tránh làm bất cứ điều gì khiến cho trẻ sợ. Nhưng cách làm ấy sẽ làm cho trẻ bị sự sợ hãi ấy ám ảnh mãi và không biết cách để vượt qua. Tốt nhất là chọn cách đối mặt tất nhiên là với sự giúp đỡ của người lớn, hãy ở bên cạnh chúng vào lúc khó khăn nhất. An ủi, vuốt ve, lau nước mắt, nước mũi, giải thích cho trẻ hiểu vật này, điều này không nguy hiểm và lưu ý rằng không nên chọn giải pháp chạy trốn.
Một lần vẫn chưa có kết quả thì hãy cố vài lần nữa. Và đối với từng vật thì mức độ sợ hãi khác nhau, nhưng dần dần trẻ sẽ vượt qua được sự sợ hãi của mình.
Trẻ rất cần người lớn giải thích, khuyến khích và đừng tiếc những lời khen, thái độ hồ hởi mỗi khi trẻ ngày càng một can đảm hơn.
Những nghiên cứu về sự sợ hãi của trẻ cho thấy:
- Bé gái có nhiều cái để lo lắng, sợ hãi hơn bé trai. Mức độ sự kinh hãi cũng cao hơn. Vì thế người ta thường nói con trai can đảm hơn.
- Trẻ ở độ tuổi cứ mỗi lần khiếp sợ một vật nào đó là kéo dài 4 – 5 ngày.
- Mặc dù hay giật mình, biết hờn giận nhưng trẻ dưới 12 tháng ít khi nào cảm thấy sợ hãi.
- Trẻ từ 1 – 2 tuổi thường sợ 3 vật khác nhau ở một giai đoạn nào đó nhưng cũng có những trường hợp chúng sợ rất nhiều vật.
( Theo Web Trẻ Thơ )