“Cô chào con. Con lên đây chơi với cô nào!”. Với nụ cười tươi tắn, ánh mắt trìu mến và giọng nói dịu dàng, một nữ nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu tâm lý và tâm bệnh lý trẻ em (ở số 17/663 Trương Định, TP Hà Nội) bắt đầu buổi trị liệu tâm lý với thân chủ là một bé mắc chứng chậm nói.
Cô Nguyễn Thúy Hạnh, bác sĩ của Trung tâm nói: “Nghề này là thế, chữa mà như chơi ấy, vậy nhưng không phải dễ và không phải ai cũng hiểu đâu!”.
Chơi mà không chơi
Thân chủ của Trang, cô nhân viên trên 10 năm gắn bó với Trung tâm Nghiên cứu tâm lý và tâm bệnh lý trẻ em (gọi tắt là Trung tâm) - là một bé chừng 3 - 4 tuổi, tên Khang. Khang không có vẻ ốm yếu nhưng lại đặc biệt rụt rè. Từ khi đến, Khang không nói câu nào, cứ nép mình sau chân mẹ.
Một trong những ca trị liệu ở Trung tâm Nghiên cứu tâm lý và tâm bệnh lý trẻ em
Khang chỉ là một trong hàng trăm đứa trẻ được đưa đến Trung tâm. Các em thường mắc phải một dạng rối nhiễu tâm lý nào đó ở nhiều mức độ khác nhau, mà Trung tâm đã tổng kết một số nhóm rối nhiễu tâm lý thường gặp ở trẻ như: Rối nhiễu về học tập (trẻ chán học, học sút, học kém…); Rối nhiễu tâm thể (khó ngủ, đái dầm, biếng ăn hoặc ăn nhiều quá mức…); Rối nhiễu nhân cách (có dấu hiệu tự kỷ như thu mình, ngại tiếp xúc…) hoặc tự kỷ (sợ một thứ gì đó, trầm cảm, ngại giao tiếp, dễ tự ái…); Rối nhiễu ngôn ngữ (nói ngọng, nói lắp, chậm nói…); Rối nhiễu vận động (chậm đi, vận động khó khăn…); Rối nhiễu hành vi (hiếu động quá mức, hay nói tục, nói dối...); Rối nhiễu về giới tính (tự kích dục, ứng xử như người khác giới…).
Do mỗi thân chủ có một đặc điểm tâm lý riêng nên các nhân viên trị liệu cũng phải có cách tiếp cận phù hợp. Như trường hợp của Khang, vừa đưa đến, em được nhân viên trị liệu đưa đến phòng riêng, trong đó có nhiều loại đồ chơi và bàn ghế để trò chuyện.
Ở Trung tâm nhân viên nào cũng có một cặp đồ nghề, trong đó đầy đủ là những bút, bột màu, tranh, ảnh… Ban đầu, Trung tâm trang bị mỗi người một cặp đồ nghề giống nhau nhưng trong quá trình làm việc, nhân viên tự sưu tầm thêm vật dụng, đồ chơi phù hợp với độ tuổi và đặc điểm tâm lý của từng thân chủ.
Qua trò chuyện và chơi trò chơi, nhân viên sẽ kích thích sự chủ động của trẻ, giúp trẻ thoát khỏi trạng thái tâm lý không bình thường. Bởi vậy, nhân viên và các nhà tâm lý vừa phải vững chuyên môn, vừa phải kiên trì, chú ý từng phản ứng, biểu hiện của trẻ để có cách tiếp cận phù hợp.
Rất cần sự hỗ trợ
Bà Nguyễn Thị Nhất là vợ của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - người sáng lập Trung tâm - hiện đang tiếp tục sự nghiệp của chồng. Hai ông bà đều có thời gian dài học tập và nghiên cứu ngành tâm lý ở Pháp nên rất hiểu và tin tưởng vào phương pháp trị liệu này.
Theo bà Nhất, tâm lý trị liệu của Pháp không chỉ áp dụng với các triệu chứng bên ngoài, mà còn đi sâu phân tích bằng phương pháp phân tâm, giúp người bị rối nhiễu tự tìm ra nguyên do nỗi khổ của mình và có cách tự giải tỏa. Chính vì đi sâu vào nội tâm nên phương pháp này có hiệu quả khá triệt để.
Tuy nhiên, việc can thiệp bằng tâm lý thường tốn rất nhiều thời gian. Có nhiều trẻ rối nhiễu tâm lý đến Trung tâm 10 buổi là đã có dấu hiệu cải thiện, nhưng có trẻ cần được can thiệp nhiều năm với nhiều cách tiếp cận khác nhau mới có hy vọng. Không ít bậc phụ huynh chưa hiểu về cách trị liệu tâm lý này nên ngạc nhiên khi thấy các nhân viên trị liệu không cho trẻ uống thuốc mà chỉ… chơi với trẻ.
Phần đông phụ huynh đưa con đến đây là qua người quen giới thiệu, Tổng đài 1080 hoặc Internet. Bởi trên thực tế, đây là một trong số ít Trung tâm ở Hà Nội được thành lập nhằm trị liệu tâm lý cho trẻ.
Từ khi thành lập, Trung tâm hoạt động với mục đích từ thiện nên cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động rất hạn hẹp. Cô Nguyễn Thúy Hạnh cho biết, hiện Trung tâm đang thuê địa điểm làm nơi trị liệu cho trẻ.
Tiền lương của trên dưới 20 bác sĩ và nhân viên được trích một phần từ khoản thu “tượng trưng” từ thân chủ (50.000đ/người/giờ) và nguồn tài trợ không thường xuyên của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Cô Hạnh nói vui: “Các nhân viên bám trụ ở đây, phần nhiều là vì yêu nghề và yêu trẻ. Chứ lương bổng thế này, ai mà làm”.
Đến nay, chưa có thống kê chính thức nào về trẻ em bị rối nhiễu tâm lý ở Việt Nam nhưng theo các chuyên gia, hiện tượng này có xu hướng gia tăng. Ai cũng biết, nhân cách một con người được hình thành từ lứa tuổi nhỏ, đặc biệt là tuổi mẫu giáo. Những việc làm của Trung tâm đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển nhân cách của các thế hệ tương lai.
( Theo SGGP )