Ngày 27/2, PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết: "Kết quả khảo sát tại TTBảo trợ xã hội 4 (Ba Vì - Hà Tây) cho thấy hầu hết các cháu sơ sinh ở đây đều nhẹ cân, suy dinh dưỡng hoặc có các dị tật bẩm sinh".
Như vậy nhận định bước đầu của các chuyên gia là rất có lý. Nhất là trong thời tiết lạnh khắc nghiệt của miền Bắc, sức đề kháng của trẻ càng yếu hơn, dẫn đến bệnh cảnh cũng nặng nề hơn.
Khảo sát thực tế cho thấy: “Phần lớn các cháu bé sơ sinh ở đây đều là trẻ bị bỏ rơi, nhẹ cân, suy dinh dưỡng hoặc có các dị tật bẩm sinh. Hơn nữa, do các cháu không được bú sữa mẹ, hệ miễn dịch kém càng khiến cho các loại vi rút dễ xâm nhập, trong đó có vi rút Rino”, TS Liêm nói.
Trước đó, Bệnh viện Nhi TƯ cũng đã có cuộc hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Quốc tế Nhật Bản để cùng phân tích và đưa ra các giải pháp khống chế được căn bệnh này, tuy nhiên, chưa có một phác đồ điều trị tốt nhất được đưa ra.
TS Liêm đưa ra khuyến cáo: Cần giữ ấm, cho trẻ ăn uống đầy đủ, vệ sinh mũi họng sạch sẽ. Khi trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, ho… không nên tự ý dùng thuốc, mà hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được xác định đúng bệnh và điều trị hiệu quả nhất. |
Theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, các phương pháp điều trị mà các bác sĩ Việt Nam áp dụng cho các bệnh nhi viêm phổi cấp do vi rút Rino dựa trên kinh nghiệm điều trị bệnh về hô hấp là hoàn toàn hợp lý, đúng hướng và phù hợp với xu hướng điều trị của các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù rất cố gắng, đáp ứng điều trị của các trẻ này là rất kém. Vì thế, các chuyên gia Nhật Bản đưa ra ý kiến nên sử dụng thêm một số loại thuốc kháng vi rút. Tuy nhiên, loại thuốc mà các chuyên gia đưa ra thì hiện tại, ở Việt Nam chưa có loại thuốc này. Muốn có phải làm thủ tục nhập khẩu.
Vì thế việc quan trọng hàng đầu hiện nay là làm sao để phát hiện bệnh sớm. Hầu hết các trẻ bị viêm phổi cấp do vi rút Rino đều đến viện khi đã quá nặng khiến việc điều trị trở nên khó khăn và hiệu quả kém như vậy. Nếu phát hiện sớm, việc điều trị chắc chắn sẽ rất hiệu quả vì vi rút Rino chỉ là loại vi rút gây bệnh viêm đường hô hấp thông thường.
Theo TS Liêm, để trẻ ở các TT nuôi dưỡng mồ côi giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cấp do vi rút Rino cũng như nhiều bệnh khác thì điều kiện nuôi dưỡng ở các trung tâm mồ côi hiện nay là điều đáng quan tâm nhất.
Như TT Bảo trợ xã hội 4 (Ba Vì- Hà Tây) không có một bác sĩ nào tới làm việc do điều kiện quá thiếu thốn, tiền lương ít ỏi kể từ khi thành lập tới nay (hơn 20 năm). Cả TT chỉ có một vài y sĩ, các bảo mẫu cũng không được tập huấn kỹ thuật, phương pháp nuôi trẻ, từ ăn uống, vệ sinh...
Một hạn chế quan trọng nữa nếu có trường hợp trẻ bị ốm cần đi viện thì phải qua rất nhiều khâu từ tuyến huyện lên tỉnh. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến các bé mắc bệnh khi được đưa đến bệnh viện TƯ thì đã ở trong tình trạng quá nặng, thể trạng trẻ càng suy kiệt nên đáp ứng điều trị rất kém.
Để xác định nguyên nhân gây viêm phổi nặng ở các cháu nhiễm vi rút Rino và đưa ra một phác đồ điều trị tối ưu, trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng khoa học nghiên cứu về vi rút Rino gây bệnh ở trẻ em. Trước mắt, Bộ sẽ hoàn thiện để gửi quy trình chẩn đoán, điều trị bệnh đến các cơ sở y tế nhằm giảm thiểu tình trạng chuyển sang bệnh nặng.
( Theo Dân Trí )