Giai đoạn 2001-2005, mỗi ngày cả nước có 74 trẻ em tử vong. Từ 2007 đến nay, con số này xấp xỉ 50 em mỗi ngày. Nguyên nhân chủ yếu từ tai nạn giao thông, chết đuối, ngộ độc, bỏng, ngã…
Đó là con số khủng khiếp do tai nạn thương tích xảy ra với trẻ em được báo cáo trong Hội nghị cấp cao về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phối hợp với Bộ LĐTB-XH, Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam tổ chức ngày 27/2.
Trong giai đoạn từ 2001 đến 2005, mỗi năm Việt Nam có khoảng 27.000 trẻ em chết do tai nạn thương tích, trung bình có 74 trẻ chết mỗi ngày. Từ năm 2007 đến nay, có khoảng 1.800 trẻ chết, trung bình mỗi ngày có gần 50 trẻ chết vì tai nạn thương tích. Riêng TP HCM, số trẻ em chết chiếm đến 40%.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng đang phát biểu tại hội nghị (Ảnh Hiền Lê)
Phần lớn tai nạn thương tích do các em đang đi bộ hoặc qua đường thì bị đâm phải (TNGT chiếm 27%).
Nguyên nhân lớn thứ 2 là do trẻ em chết đuối (chiếm 21%). Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng – Bộ Y tế thì mỗi ngày có tới 10 trẻ bị chết đuối, mỗi năm cả nước có khoảng 3.000 trẻ bị chết vì rơi xuống sông, giếng... Số trẻ bị chết đuối tăng mạnh vào thời gian đầu hè, và tập trung vào vùng Đồng bằng Sông Cửu long.
Sau TNGT và chết đuối là các nguyên nhân như bỏng, ngộ độc thực phẩm, ngã…
Năm 2006, Thanh Hóa là tỉnh đứng đầu về số trẻ chết với 447 trẻ. Tiếp theo đó là tỉnh Nghệ An với 422 trẻ.
Việc trẻ em trong độ tuổi từ 0-19 tuổi bị tử vong là tổn thất rất lớn của xã hội. Không chỉ gây ra gánh nặng tâm lý cho xã hội, gia đình, mà hằng năm, nó còn ngốn đi tới 30.000 tỷ đồng cho các chi phí y tế, dịch vụ cấp cứu… Riêng TNGT đã ngốn đi 885 triệu USD/năm.
Có quan điểm cho rằng những tai nạn này hoàn toàn bất ngờ và khó có khả năng phòng tránh. Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy những tổn thất này hoàn toàn có thể phòng chống được. Một trong những cách hữu hiệu và lâu dài nhất chính là nâng cao ý thức tham gia giao thông cho học sinh sinh viên và tuyên truyên đề nâng cao các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho xã hội.
Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết: “Ý thức tham gia giao thông phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Nếu học sinh chưa có được nhận thức đúng khi tham gia giao thông thì nguy cơ tai nạn thương tích tiềm tàng vẫn còn rất lớn.
Về lâu dài, tôi cho rằng cần xây dựng kỹ năng cho hoc sinh, sinh viên để các em có kỹ năng sống và kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích. Lúc đó các em mới có được ý thức bền vững để chống tai nạn thương tích cho trẻ”.
Theo Tin Tức