Nhiều cặp vợ chồng đã coi các cuốn sách này như một chìa khóa “bí kíp” để sinh con như ý muốn. Chính từ đây, nhiều chuyện cười ra nước mắt, thậm chí có cả bi kịch bởi niềm tin thái quá vào sách vở, trong đó không ít cuốn là sách “lá cải”.
Những đầu sách sinh con theo ý muốn, được bán khá chạy trên các sạp bán sách,
bởi nhu cầu "bức thiết" của người dân khá lớn. Ảnh: VNN
Tạo “nếp”, “tẻ” theo sách
Vợ chồng chị Tăng Thị Nga (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) ngay sau ngày cưới cùng với việc lên kế hoạch sinh “lợn vàng” là đi mua 5, 6 cuốn sách sinh con theo ý muốn về đọc. Vì nhiều người cho rằng sinh con trai năm Đinh Hợi, đứa bé sẽ giàu sang, phú quý nên anh chị quyết theo sách để có một thằng cu, hoàn toàn bỏ qua những trang hoặc những phần nhắc tới “sinh con gái”.
“Mọi quy tắc sách vạch ra đều được vợ răm rắp tuân theo, phần nào mình lỡ quên thì vợ nhắc. Thực đơn được lên theo sách, ngày vợ chồng gần gũi, số lần gần gũi cũng tính kĩ sao cho đúng ngày như sách chỉ dẫn. Bài bản đến phát ngán nhưng phải chịu vì vợ luôn miệng “tất cả vì con em chúng ta” – anh Thành, chồng chị Nga chia sẻ.
Dù làm theo sách tuyệt đối nhưng cuối năm vừa rồi, anh chị lại sinh một công chúa “heo vàng”. Đành tự an ủi, anh Thành bảo: “Lần đầu chưa có kinh nghiệm, chắc có sai sót chi đó, lần sau quyết cẩn thận hơn”.
Khổ sở hơn, để có quý tử nối dõi, từ khi chuẩn bị có em bé, thực đơn gia đình chị Trần Thanh Hồng (phường 4, quận 5, TP.HCM) đổi hẳn sang khẩu vị mặn chát, dù trước đó cả hai vợ chồng đều thích ăn nhạt.
Ngoài ra, anh chồng còn bị cấm tuyệt đối cà phê, nhậu nhẹt, thuốc lá do sợ ảnh hưởng đến sức khỏe... tinh trùng! Hậu quả, sau gần hai năm không thấy dấu hiệu quý tử đâu mà chị Hồng lại bị cao huyết áp và có dấu hiệu suy thận do ăn mặn.
Điều rất dễ nhận thấy ở hàng loạt cuốn sách này là na ná nhau, sách chỉ dẫn từ cách ăn uống đúng chế độ như thế nào để có thể sinh như ý (ví dụ ăn mặn có con trai, nhạt có con gái), tính ngày rụng trứng (đúng ngày trứng rụng thì dễ có con trai, trước hoặc sau đó thì sẽ dễ có con gái)...
Bác sĩ Phương Thảo, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Bưu Điện 2, TP.HCM cho biết: “Tỉ lệ thành công nếu thực hiện đúng theo sách (nếu sách viết có những đúc rút đúng ngày rụng trứng, ăn uống đúng chế độ, cách gần gũi để tinh trùng có thể gặp trứng như thế nào…) thì cũng chỉ có tỉ lệ thành công trên dưới 50%.
Kể cả việc kết hợp sử dụng máy móc y khoa “soi trứng” do bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện cũng chỉ có thể thành công khoảng 70% là cao. Một nguyên nhân chính dẫn đến thất bại dù răm rắp theo sách là do tâm lý căng thẳng, dẫn đến ức chế của vợ chồng.
Thậm chí, có trường hợp vợ chồng mới cưới muốn có con đầu lòng theo ý muốn là trai (để an toàn về sau) nên đã áp dụng quy trình sách vở nghiêm ngặt, nhưng kết quả lại bị hiếm muộn chỉ vì vấn đề tâm lý chứ không vì vấn đề bệnh lý.
Tuy nhiều nguy hại và không có căn cứ khoa học nào nhưng việc tạo "nếp", "tẻ" (sinh trai hay gái) theo sách dạy hiện khá phổ biến trong nhiều gia đình trẻ. "Sách bán "chạy hàng" thường xuyên và không sợ bị tồn là những cuốn "bí kíp" sinh con theo ý muốn. Thậm chí có người mua một lúc gần chục cuốn để đọc" - anh Nguyễn Trung Thành, bán sách vỉa hè đường Võ Thị Sáu cho biết.
"Những đứa trẻ sinh và trưởng thành tự nhiên sẽ phát triển tốt hơn về tâm lý, sức khỏe..." (Ảnh: V.Giang)
PGD - giúp sinh con theo ý muốn
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Trưởng khoa Hiếm muộn và vô sinh, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM cho biết: Rất nhiều người có nhu cầu sinh con theo ý muốn và tìm đọc các sách chỉ dẫn sinh con theo ý muốn nhưng đa số các phương pháp trên, khi áp dụng cũng giống như một trò chơi may rủi!
Do đó, khi mua các loại sách này cần hiểu là sách chủ yếu phục vụ nhu cầu về tâm lý. Không có thống kê hay số liệu khoa học nào cho thấy các phương pháp được trình bày trong các sách trên là hiệu quả thật sự. Thậm chí, hiện không có nghiên cứu khoa học nào có thể nói một cách chính xác về chuyện sinh con trai con gái.
Theo bác sĩ Tường, đa số trường hợp, khi một người hay cả hai vợ chồng phải gặp nhiều căng thẳng và mất thời gian để thực hiện theo các phương pháp trong sách báo, đều dẫn đến căng thẳng và ức chế trong sinh hoạt và đời sống vợ chồng. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng có thai.
“Hiện nay, để loại trừ các trường hợp bệnh di truyền liên quan đến giới tính, ví dụ một số bệnh từ bố, mẹ chỉ truyền cho con trai hoặc gái, người ta dùng một kỹ thuật gọi là PGD để đảm bảo giới tính của thai nhi khi mang thai.
PGD là chữ viết tắt của “pre-implantation genetic diagnosis”, nghĩa là chẩn đoán di truyền trước khi phôi thai làm tổ. Đây là kỹ thuật duy nhất giúp sinh con theo ý muốn mà độ chính xác gần như tuyệt đối. Kỹ thuật này đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới và các nước trong khu vực.”
BS. Tường cho biết thêm, hiện ở Việt Nam chưa có máy móc kỹ thuật để thực hiện kỹ thuật này. Tuy nhiên đã có nhiều gia đình có nhu cầu chẩn đoán di truyền phôi thai. Những bệnh nhân này khi liên hệ với Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, được chuyển sang Thái Lan để thực hiện kỹ thuật PGD với giá 1.500USD.
Theo Tin Tức