Dinh dưỡng
   Mồng tơi: Rau ăn, vị thuốc
 
Rau mồng tơi dân dã được ưa chuộng không chỉ ngon mà còn là một vị thuốc. Xưa kia, mồng tơi được xem như rau của nhà nghèo bởi dễ nấu, nấu với gì cũng đặng, vài con cua đồng, giã lọc lấy nước đã có bát canh, vừa mát ruột vừa dinh dưỡng.

Nay rau mồng tơi ngự trị trong các nhà hàng với đủ các kiểu lẩu. Và lẩu nào đi với mồng tơi cũng ngon, nom lá của nó xanh rờn mát cả mắt.

Tính thảo dược

Nói về công dụng “thảo dược”, có lẽ mồng tơi chiếm vị trí khá trang trọng trong sách vở và trong các bài thuốc truyền miệng của người xưa. Theo sách thuốc của Tuệ Tĩnh, mồng tơi còn được gọi là tầm tơi, có vị chua ngọt, tính lạnh, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, hoạt tràng, lương huyết, giải độc.

Dùng chữa các bệnh táo bón, tiểu dắt, kiết lỵ, tức ngực, chữa bỏng, xuất huyết (bị chảy máu cam, giã rau mồng tơi lấy bông gòn thấm nước cốt nhét vào mũi thật công hiệu)… Hột mồng tơi tán thành bột mịn trộn với phấn trị được rôm sảy… Trong rau mồng tơi có các vitamin A3, B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt nên tốt cho thai phụ…

Trước kia, rau mồng tơi chủ yếu mọc theo hàng rào, phiến lá nhỏ, màu xanh nhạt, thân mảnh, trái màu tím. Ngày nay rau mồng tơi trồng thành luống như các loại rau cải khác, phiến lá to, dày, màu xanh đậm, thân cây to mập, ít nhớt…

Nấu với gì cũng thú vị

Canh mồng tơi cua đồng, thật ra cần được hỗ trợ thêm vài thứ nữa mới đặng ngon. Cua rửa sạch giã, lọc lấy nước (có thể xay bằng cối xay thịt). Mồng tơi, mướp, đậu bắp, thêm ít rau dền, rau ngót, rau nhớt… (thường gọi là rau tập tàng). Cái hay của món canh này là nếu lượng mồng tơi ít thì sẽ là món canh tập tàng, nếu lượng rau nhớt nhiều lên thì gọi là canh rau đay.

Trong quá trình nấu, thịt cua sẽ tự động kết thành tảng và nổi lên mặt, cho sôi một dạo, vớt hết bọt, bỏ rau vào. Hai thứ cho vào sau cùng là mướp và đậu bắp. Món canh này ăn kèm cà pháo, mắm tôm, thêm món kho và xào nữa là có một mâm cơm ngon, đơn giản, đủ chất dinh dưỡng. Và nó cũng là món của mùa hè, giải nhiệt…

Thật ra, nấu canh mồng tơi không cần cầu kỳ, nấu với tôm hay thịt cũng đã ngon. Ở vùng biển, người ta còn nấu với cá; thậm chí, ở một số vùng quê miền Trung, người ta nấu với mắm cái (hay còn gọi là mắm nêm). Bắc nồi nước sôi, múc muỗng mắm cái đổ vào, rồi bỏ rau mồng tơi (hay rau tập tàng) vào là có tô canh ngon ngọt.

Mồng tơi xào lại ngon kiểu khác. Mồng tơi để nguyên lá, có người chần qua nước sôi rồi mới xào với tỏi, có người xào trực tiếp. Tính chất của mồng tơi là bám dầu mỡ nên rau ăn vừa ngọt, vừa béo, thêm vị thơm của tỏi, có thể có phần trội hơn rau muống xào tỏi. Món này giờ không chỉ có ở bếp ăn gia đình mà đã nằm trong thực đơn các nhà hàng. Đơn giản hơn, mồng tơi luộc chấm xì dầu, mắm nêm, mắm ruốc đều ngon cả và ăn không thấy ngán.

Mồng tơi với các kiểu lẩu

Ở Đại Lãnh (dưới chân đèo Cả), Vạn Ninh (Khánh Hoà) nổi tiếng có món lẩu mực với rau mồng tơi. Vào mùa mực cơm, con trung trung, don don, không lớn quá, mình tròn, thật tươi mới ngọt. Nếu ngày trước người ta nấu theo kiểu nấu ngọt ăn với bún, rau sống thì nay đã được thay thế bằng mồng tơi và cải xanh.

Nước vừa sôi, cho rau mồng tơi hay cải xanh vào đảo một vòng rồi gắp ra ăn ngay, ngon đậm đà. Chén nước mắm nguyên chất vàng rơm thơm phức, giằm vài trái ớt xiêm xanh. Vị ngọt của mực tươi lẫn vị mặn cay của mắm ớt, làm cho món lẩu mực ngon khó chê được. Và phải húp chút nước lèo, thêm gắp rau mồng tơi mới nghe hết hương vị của cái lẩu mực.

Trong món bao tử nấu tiêu, bắp bò nấu tiêu xanh hay rắn hầm sả thì rau mồng tơi làm chủ lực. Hầm cho bao tử, bắp bò mềm, nêm nếm vừa ăn rồi đập dập tiêu xanh bỏ vào. Mồng tơi để sống ăn theo kiểu lẩu, nước sôi, bỏ rau, đảo một vòng rồi dùng ngay.

Ngoài ra, còn lẩu chim bồ câu chỉ ăn với rau mồng tơi mới đúng điệu, mới đậm đà. Thịt bồ câu bằm nhuyễn, vê viên, nấu nước lèo với các gia vị lẩu. Nước sôi cho rau mồng tơi vào. Ăn nóng với bún hay với mì sợi. Cái ngon của rau mồng tơi là dù ở dạng chín tái (giòn giòn, sừn sựt) hay chín mềm đều đạt.

Đơn giản nhất và chóng vánh thì mua lẩu đông lạnh trong siêu thị (lẩu chua, lẩu hải sản…) về nấu, ăn với rau mồng tơi (không cần rau sống). Một cái lẩu ba người ăn, phải đến hai hay ba bó rau mồng tơi mới đủ.

( Theo Tin Tức )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Sườn hầm rau củ (28/2)
 Những chất phản dinh dưỡng trong thực phẩm (28/2)
 Súp đậu ván (27/2)
 Dầu gấc, cà rốt, đu đủ - tốt hay xấu đối với trẻ em? (27/2)
 Thức ăn cho em bé từ 4 – 12 tháng tuổi (25/2)
 Biết ăn cơm muộn, trẻ dễ bị mọc lệch răng (25/2)
 Những thực phẩm không nên ăn nhiều (25/2)
 Các nhu cầu của em bé (23/2)
 Thức ăn để bé tự ăn một mình (23/2)
 Dinh dưỡng và phát triển trí tuệ (22/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i