Hiện nay, nhu cầu gửi trẻ của lao động nữ rất lớn. Trong ảnh: Giờ sinh hoạt của cô cháu tại Trường mầm non Tân Tạo - một trường hiếm hoi dành cho công nhân gửi trẻ trong Khu công nghiệp Tân Tạo. Ảnh chụp chiều 28-1-2008. Ảnh minh họa: HTD
Muốn xây dựng nhà trẻ trong xí nghiệp, nhà máy nhưng không có quỹ đất.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, TP hiện có trên 978 ngàn lao động, trong đó có hơn 520 ngàn lao động nữ (chưa kể các doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn TP). Phần lớn các chị đều trong độ tuổi từ 25 đến 30 - độ tuổi lập gia đình và sinh con. Điều này cho thấy nhu cầu gửi trẻ của lao động nữ là rất lớn.
Trước nhu cầu gửi trẻ của lao động nữ, trong cuộc họp với UBND TP.HCM ngày 21-1, Sở GD-ĐT TP.HCM chính thức đề nghị thành lập nhà trẻ trong các xí nghiệp, nhà máy có đông lao động nữ. Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã “gõ cửa” một số xí nghiệp có đông lao động nữ để tìm câu trả lời cho vấn đề này.
“Kẹt” quỹ đất
Tại Công ty May Việt Tiến, ông Ngô Thành Phát, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết công ty đã bàn rất nhiều lần về vấn đề này nhưng vẫn chưa có hướng ra do không có quỹ đất. Theo ông Phát, Công ty May Việt Tiến có khoảng 4.000 lao động nữ tại TP.HCM, trong đó có khoảng 60%-70% chị trong độ tuổi sinh con. Đã có trường hợp công nhân nghỉ thai sản xong sau đó xin nghỉ việc luôn để ở nhà chăm con vì không có nơi gửi trẻ. “Nhà trẻ cho con công nhân phải nằm gần công ty để tiện việc đưa đón. Tuy nhiên, đất ở đây (đường Lê Minh Xuân, quận 7 - PV) vô cùng đắt đỏ. Giá như có một miếng đất ngang 20 mét, dài 60 mét, chúng tôi sẽ xây một khu nhà trẻ để công nhân yên tâm làm việc”- ông Phát tâm sự.
Cùng mối quan tâm như Công ty May Việt Tiến, Công ty May Pou Yen mấy năm qua chưa thể giải quyết chuyện giữ trẻ cho khoảng 30 ngàn công nhân nữ của công ty đang trong độ tuổi lập gia đình và sinh con. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: “Qua Tết, chúng tôi sẽ tìm quỹ đất ở quận Bình Tân hoặc Bình Chánh để lập nhà trẻ với quy mô chăm sóc khoảng từ 500 trẻ trở lên”.
Tại Công ty Sản xuất giày da Trường Lợi (Khu công nghiệp Bình Chiểu, quận Thủ Đức), ông Trần Đăng Thanh - nguyên Chủ tịch Công đoàn công ty cũng rất ủng hộ lập nhà trẻ trong công ty. “Nếu con của người lao động được chăm sóc tốt thì họ sẽ yên tâm làm việc, hiệu quả lợi nhuận của công ty sẽ cao hơn” - ông nói.
Nỗi lo canh cánh
Bà Mai Thị Bích Vân, Trưởng ban Nữ công LĐLĐ TP.HCM, nói vấn đề nhà trẻ cho con của công nhân, viên chức lao động TP không phải bây giờ mới đặt ra mà là vấn đề rất bức xúc nhiều năm qua. Theo Luật Giáo dục, nhà trẻ nhận trẻ từ ba tháng tuổi đến ba tuổi, tuy nhiên trên thực tế hầu hết các nhà trẻ đều không nhận giữ trẻ ở độ tuổi dưới 12 tháng vì ngại vất vả, dễ xảy ra rủi ro. Ngoài ra, các nhà trẻ công lập đều không nhận giữ trẻ ngoài giờ. Với đồng lương eo hẹp, công nhân nữ chỉ còn cách gửi con về quê cho người thân hoặc gửi ở các cơ sở trẻ tư, thậm chí có nhiều người phải nghỉ việc để chăm sóc con.
Theo bà Vân, nhiều doanh nghiệp đã có kiến nghị đến LĐLĐ TP về bức xúc này. LĐLĐ TP và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cũng đã nhiều lần có ý kiến rằng nhà nước cần quy hoạch xây dựng nhà trẻ cho con công nhân nhưng vẫn chưa có tiến triển gì cả. Thời gian qua, rất nhiều nữ công nhân lao động mất việc làm vì không gửi được trẻ do phải làm thêm ngoài giờ hoặc phí gửi trẻ quá cao so với đồng lương. “Tại sao không vận động các xí nghiệp đứng ra xây nhà trẻ cho công nhân?” - chúng tôi hỏi. Bà Vân giải thích: “Thật ra Nghị định 23/1996/CP hướng dẫn thực hiện chính sách cho lao động nữ có khuyến khích việc các doanh nghiệp lập nhà trẻ cho con công nhân. Tuy nhiên, nghị định chỉ khuyến khích thôi nên đâu có gì ràng buộc được họ!”.
Bà Vân đề nghị: “Khi nhà nước quy hoạch đất để mở KCN, KCX thì cũng cần quy hoạch nhà trẻ trong cụm KCX, KCN đó. Có như thế, chất lượng cuộc sống của công nhân và thế hệ sau này mới phát triển bền vững được”.
Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP.HCM:
Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Chủ trương lập nhà trẻ ở KCX-KCN cho con em công nhân là rất thiết thực. Muốn làm được việc này, theo tôi cần phải xã hội hóa để nhiều thành phần cùng tham gia. Đồng thời, nhà nước phải có những chính sách cụ thể để hỗ trợ các đơn vị làm. Ví dụ, nếu công ty xây hạ tầng nhà trẻ thì được hỗ trợ gì, doanh nghiệp đầu tư thì hỗ trợ gì, rồi các chính sách liên quan đến đất đai như tiền sử dụng đất có được miễn giảm không...
Lâu nay trong các KCX-KCN chưa có nhà trẻ là do thiếu định hướng quy hoạch ngay từ đầu. Tại Trung Quốc, KCN rất lớn, từ năm ngàn đến 10 ngàn hécta. Trong đó, người ta quy hoạch trường học, bệnh viện, nhà trẻ, nhà hát... cho công nhân. Còn KCN của mình bé xíu, đất trong các KCN cũ hiện nay đã sử dụng hết nên khó có thể thể quy hoạch xây nhà trẻ được. Tôi đề nghị những KCN mới sau này cần có diện tích lớn hơn và phải có định hướng quy hoạch nhà trẻ ngay từ đầu. |
( Theo Pháp Luật )