“Con mình ăn thế đã đủ chất chưa?”, “6 tháng mọc 3 răng là nhiều hay ít, có tốt không?”, “Tại sao con tớ hay khóc?”… Công nghệ tiện lợi, kỹ năng tốt, tiếng Anh sành, nhưng các bà mẹ hiện đại thực sự lúng túng khi con khóc, con ốm, không biết nấu bột cho con đủ dinh dưỡng…
Đối với nhiều bà mẹ trẻ việc vào mạng để tìm kiếm thông tin nuôi con là việc hàng ngày.
Nuôi con kiểu “Úc”
Giảng viên đại học, đã hoàn thành chương trình thạc sĩ, chuẩn bị bảo vệ đề tài tiến sĩ, nhưng điều khiến Quyên (Cầu Giấy) đau đầu nhất lại chính là cô con gái 3 tuổi của mình. “Không hiểu sao, em nấu kiểu gì nó cũng không ăn. Cứ nhìn thấy mẹ bê bát là khóc thét”.
Phải đến tận nhà mới hiểu tại sao con bé nhà Quyên không ăn. Cô lấy ít cơm nguội, gỡ ít cá kho từ hôm trước, nhặt vài cọng rau luộc, bỏ vào máy xay nhuyễn, rồi đổ vào xoong đun lại cho nóng. Vậy là được “món cháo” vừa nhuyễn vừa đủ dinh dưỡng(!). Cô bạn của Quyên thương con bé, bảo cô “Em thử ăn xem có ăn được không?”, Quyên nhấm thử rồi nhăn mặt: “Kể cũng hơi tanh nhưng nuốt chửng là xong tất chị ạ”.
Cũng như Quyên, Nguyệt phó mặc chuyện ăn uống của con cho đồ ăn sẵn: bột, sữa, rau củ quả đều mua đồ hộp ở siêu thị, về nhà chỉ cho nước rồi cho vào lò vi sóng, máy xay là xong. “Mình chế biến làm sao có đủ thành phần dinh dưỡng như họ. Đây đều là sản phẩm của những công ty lớn của Mỹ, của Úc, bổ sung nhiều Vitamin và Tuarin để tăng cường trí thông minh cho trẻ” - Nguyệt phân trần. Cậu con trai của cô 6 tuổi chỉ có 17kg, sáng nào hàng xóm cũng thấy cậu nhai trệu trạo một miếng phomat để “bổ sung chất béo” theo sự ép buộc của “chuyên gia dinh dưỡng” mẹ.
“Chợ” làm cha mẹ
Thời của internet, bất cứ câu hỏi hay kiến thức nào cũng có thể tìm ra câu trả lời bằng một cú click chuột. Có rất nhiều trang web dành riêng cho các bậc cha mẹ. Những bà mẹ @ thường tranh thủ thời gian làm việc ở cơ quan để tìm hiểu kiến thức nuôi con. Trên các forum của những website: lamchame.com, webtretho.com, chametainang.net…, mỗi ngày có hàng trăm câu hỏi của các bà mẹ trẻ về việc nuôi dạy con. Từ việc “con tôi không ăn”, “con tôi đi ngoài”, “con tôi hay trớ”; đến “ở cữ ăn kiêng ra sao”, “giữ dáng thế nào”… Nếu các bà mẹ muốn kiểm tra trí thông minh của trẻ thì vào trang hocvieniq.com để biết con mình đã tiến bộ được đến đâu. Không chỉ dừng lại có thế, công cụ chat chít cũng được tận dụng triệt để. Câu chuyện các mẹ hay buôn trên forum hay Yahoo Messenger thường về những đứa con xinh xắn của mình, chúng khỏe ốm, xinh đẹp, đáng yêu như thế nào… Thậm chí cả những câu chuyện về “MC” – mẹ chồng, “AX” – anh xã… cũng trở nên rộn ràng ở trên các diễn đàn này.
Chị Lan (Thanh Xuân) “sợ” nhất cô nàng có nickname “menam” (mẹ Nấm) vì cứ nhìn thấy ai có con nhỏ, cô nàng nhảy vào chat ngay. Những câu hỏi của cô thì vô vàn: Khi con cậu 3 tháng mỗi ngày nó bĩnh mấy bãi? Nó ăn mấy thìa sữa? Tắm ngâm mấy phút? Nếu nó khóc quá 2 phút thì có phải nó căng thẳng quá không?... Bạn bè phát sợ vì không trả lời thì mất lịch sự, mà trả lời thì mất đến cả ngày không hết…
Còn Hiền (công ty L.M), mỗi lần pha sữa hay chuẩn bị nước tắm cho con, cô phải lấy nhiệt kế ra đo cho đúng độ chuẩn, tã thì cho vào lò vi sóng để tiệt trùng. Khi nấu bột cô đưa từng thứ lên cân, mỗi loại thức ăn đủ mấy gam mới chế biến cho con ăn. Con mới trớ, mới chảy nước mũi cô đã bắt chồng đi mời bác sĩ. Những hôm con ít cười, ít khóc, cô hốt hoảng mang đến bệnh viện yêu cầu bác sĩ khám tự kỷ cho cháu (!) Cả nhà quay cuồng trong các yêu cầu của Hiền…
Các bà mẹ @ có hai khuynh hướng: một là quá đểnh đoảng, không biết gì đến việc nuôn con, cho con ăn, quấn tã cho con cũng phải “la toáng” lên hỏi bàn dân thiên hạ trên mạng để tìm kiếm “kinh nghiệm”. Nhưng đến khi thực hành thì chả đâu vào đâu vì trẻ em không giống nhau, mỗi đứa một chuyện. Còn dạng thứ hai là quá cẩn thận, việc gì cũng phải áp dụng đúng sách, đúng công thức, khoa học một cách máy móc.
Mẹ @
Bên cạnh đó, vẫn còn có những người phụ nữ vừa thành công trong công việc, vừa đảm đang với vai trò làm mẹ, làm vợ.
Chị Đỗ Thu Hà, giám đốc công ty Sapa Essential, chủ dự án Herbal Healing, dự án duy nhất của VN được tham gia bầu chọn của BBC. Chị có con nhỏ, không có người giúp việc lẫn ông bà nội ngoại bên cạnh, một tay nuôi con và điều hành cả một công ty, một dự án đang ngổn ngang công việc. Có lúc chị Hà cũng kêu giời vì stress. Sau khi suy nghĩ, chị quyết định thay vì đi làm cả ngày, chị chỉ dành nửa ngày để điều hành mọi việc; nửa ngày còn lại "đánh vật" với con và bộn bề việc nhà. Những lúc yếu đuối chị cũng khóc ầm lên một lúc, vì căng thẳng quá, nhưng sau đó lại thấy cuộc đời tươi đẹp ngay, và vẫn hăng hái với công việc của mình lẫn hành trình nuôi con vốn gian nan.
Trường hợp Hằng (33 tuổi, cán bộ một tổ chức phi chính phủ) có lẽ là điển hình cho những người phụ nữ biết cách sắp xếp lượng thời gian ít ỏi của mình cho tất cả. Sau 6 tháng ở nhà với cậu con trai của mình, chị đã hoà nhập nhanh chóng với công việc mà vẫn có thể chăm lo cho con một cách chu đáo. Nhìn chị giữa 12h trưa lao về nhà cho bé Khoai bú và tắm cho con - để “cho con mình sự quan tâm nhiều nhất” như lời chị nói, khiến cả bà nội cháu cũng phải khen “2 đứa trẻ con nhà này ở nhà cũng có cô giáo mẹ đấy nhé”. Rồi sáng sớm đi chợ mua từng con cá về nấu cháo và cho con ăn, rồi lo cho bữa tối của cả gia đình, dạy cô con gái 9 tuổi học bài vào mỗi tối, đọc truyện cổ tích cho các con nghe trước khi đi ngủ… Đáp lại sự chu đáo của mẹ, bé Khoai còn 1 tuần nữa mới tròn 1 tuổi đã đi vững nói sõi. Chị vẫn thường đùa: “Làm mẹ @ là phải như mẹ thằng Khoai ấy”. Có lẽ đó mới là chính xác.
( Theo Sức Trẻ Việt Nam )