Ngày 11/12, trao đổi với VnExpress, Vụ phó Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT Ngô Thị Hợp cho biết, vụ dán băng dính làm ngạt thở bé gái 18 tháng đã được báo cáo Bộ trưởng GD&ĐT. Một số cán bộ giáo dục cho rằng, các trường mầm non đang chạy đua xây cơ sở to đẹp nhưng quên việc đào tạo giáo viên. Bà Ngô Thị Hợp, Vụ phó Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT: Vụ việc đã được báo cáo lên Bộ trưởng GD&ĐT.
|
Bà Ngô Thị Hợp. Ảnh: VTC. |
Trong số gần 170.000 giáo viên mầm non, một số cô đã có những việc làm, hành vi vi phạm nghiêm trọng phẩm chất đạo đức nhà giáo. Điển hình là vụ cô bảo mẫu Vy dán băng keo vào miệng cháu Bảo Trân. Là cán bộ quản lý giáo dục, tôi rất bất bình với hành vi trên. Sở GD&ĐT TP HCM đã báo cáo Bộ trưởng GD&ĐT về vụ việc này. Về nguyên nhân, theo tôi, thứ nhất là do giáo viên chưa được đào tạo nghiệp vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; thứ hai, chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả của những hành vi gây ra với trẻ; thứ ba, khâu tuyển dụng giáo viên không đúng với quy định của ngành; thứ tư, một số địa phương còn dễ dãi cấp phép hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chưa đủ điều kiện. Mặc dù, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng mầm non lại là bậc học không bắt buộc. Theo thống kê, hiện có gần 6 triệu trẻ trong độ tuổi mầm non nhưng mới chỉ có hơn 3 triệu cháu được tới trường. Trong đó, hơn 50% trẻ học tại các trường mầm non tư thục. Hiện mới có 80% giáo viên đạt chuẩn từ trung cấp mầm non trở lên. Nhu cầu và áp lực xã hội rất lớn trong khi điều kiện hiện không đáp ứng nổi. Do vậy, người dân cứ mang trẻ đến gửi mà không biết cơ sở đó có đủ điều kiện chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, đầu năm học, Vụ đã chỉ đạo các cấp quản lý, cơ sở nào không đủ điều kiện, phải kiên quyết thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non, Sở GD&ĐT TP HCM: Có thể dùng biện pháp phạt tâm lý đối với trẻ cá biệt.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh. Ảnh: L.H. |
Không thể phủ nhận thực tế, giáo viên một số trường mầm non đôi khi có những hành xử phản giáo dục. Tình huống này thường rơi vào những người thiếu hoặc yếu chuyên môn. Cá biệt có người có chuyên môn sư phạm, nhưng vẫn hành động thiếu kiểm soát với trẻ trong thời điểm nào đó. Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân khiến giáo viên có những hành xử phản sư phạm. Việc phải chăm sóc những trẻ hiếu động, quá biếng ăn, cũng là nguyên nhân khiến cô giáo bị áp lực. Nhiều cháu được gia đình quá nuông chiều nên khi đến trường không chịu hòa mình vào tập thể. Phụ huynh nên xác định trường mầm non không chỉ phục vụ trẻ, mà còn là nơi dạy dỗ cho các cháu kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ, biết bổn phận chăm sóc những người trong gia đình. Tôi cho rằng, trong một chừng mực nào đó, giáo viên có thể áp dụng biện pháp phạt tâm lý với trẻ cá biệt. Ví dụ như phạt không cho tham gia trò chơi cùng cả lớp, hoặc phải chấp nhận kéo dài và chia nhỏ bữa ăn của các cháu. Nếu cô giáo yêu thương trẻ như con, thì những biện pháp phạt sẽ được sử dụng bởi cái tâm trong sáng, với mục đích dạy dỗ, uốn nắn, chứ không nhằm trừng phạt. Những vấn đề thuộc về cá tính thì giáo viên phải tự rèn luyện bản lĩnh tâm lý, hạn chế khoảnh khắc mất tự chủ. Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường rà soát, chuyển giáo viên có tâm lý bất ổn sang làm những công việc phù hợp. Bà Nguyễn Thị Lộc, Hiệu phó Mầm non bán công Hoa Mai, quận 3, TP HCM: Giáo viên mầm non cần nhất là chữ Tâm.
|
Bà Nguyễn Thị Lộc. Ảnh: L.H. |
Dù ở thời đại nào, câu nói "cô giáo như mẹ hiền" vẫn áp dụng đúng với giáo viên mầm non, nhất là với nhóm nhà trẻ. Gần 30 năm làm trong ngành sư phạm và gắn bó với trẻ, tôi thực sự đau xót khi đâu đó vẫn có cách hành xử "phản giáo dục" của giáo viên, bảo mẫu. Không thể biện minh do mức lương trả giáo viên, bảo mẫu mầm non ngoài công lập thấp nên ảnh hưởng đến tâm huyết nghề nghiệp. Khi đã xác định vào nghề giáo thì chữ Tâm phải đặt lên hàng đầu. Có lẽ do kinh nghiệm sư phạm và bản lĩnh tâm lý của một số bảo mẫu, giáo viên quá yếu nên mới có những hành động để lại hậu quả đau lòng như báo chí nêu trong thời gian qua. Chúng ta đừng mải lo cơ sở vật chất cho to đẹp nhằm "hấp dẫn" phụ huynh, mà trước hết nên quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên. Bà Trần Thị Minh Hải, Hiệu trưởng Mầm non Tư thục Minh Hải, quận Đống Đa, Hà Nội: Phải tăng cường mối quan hệ gia đình - nhà trường. Các cô mà hành xử thô bạo với trẻ sẽ làm mất đi hình ảnh vô cùng đẹp của nhà giáo, người mẹ thứ hai của trẻ. Một số ít giáo viên có những hành vi không đúng đối với trẻ là do sự nhận thức chưa đầy đủ, đặc biệt là sự bồi dưỡng, trau dồi đạo đức của nhà trường chưa được sát sao. Tôi cũng mong muốn các cơ quan chủ quản ngành giáo dục thường xuyên kiểm tra tư cách giáo viên, hồ sơ tuyển dụng, tăng cường kiểm tra các cơ sở mầm non. Bên cạnh đó, các trường cần tạo mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh và lắng nghe ý kiến góp ý của phụ huynh để điều chỉnh kịp thời những việc làm chưa đúng của giáo viên. ( Theo VnExpress )
Không thể làm nghề nếu vi phạm đạo đức
Dư luận đang bức xúc trước một số vụ việc cô bảo mẫu dán băng keo vào
miệng bé Bảo Trân ở TP Hồ Chí Minh, cô giáo dọa nhốt cháu vào máy giặt,
hay tát cháu đến sưng mặt ở Hà Nội, chỉ vì một lý do đơn giản: không
chịu ăn !
Đáng chú ý là những vụ việc trên đều diễn ra ở các cơ sở mầm non tư
thục (MNTT). Điều ấy không chỉ khiến các bậc cha mẹ cảm thấy bất an về
chất lượng của các cơ sở MNTT nói riêng, mầm non ngoài công lập nói
chung, mà còn là tiếng chuông cảnh báo về sự buông lỏng quản lý. Sau
đây là cuộc trò chuyện của phóng viên báo Hànộimới với bà Nguyễn Thị
Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội xoay quanh vấn đề này.
- Một số vụ việc xảy ra gần đây cho thấy dường như công tác quản lý
chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của các cơ sở MNTT, thưa bà ?
- Không thể phủ nhận rằng, khi mạng lưới trường công lập còn thiếu, sự
ra đời của những cơ sở giáo dục ngoài công lập đã góp sức đáng kể vào
việc đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp những
năm gần đây lên 87%, trong đó tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt tới
99%. Do nhu cầu bức bách và điều kiện kinh tế của một bộ phận người lao
động nên MNTT phát triển mạnh, từ tháng 5 đến 11-2007, số trường MNTT
đã tăng từ 83 lên 106, trong đó 82% được cấp phép hoạt động; số nhóm,
lớp tăng từ 375 lên 423, tỷ lệ được cấp phép là 40,7%. Các con số này
cho thấy còn nhiều cơ sở chưa đủ điều kiện vẫn tồn tại, nhất là các
nhóm, lớp nhỏ, lẻ, nằm xen lẫn trong khu dân cư, xóm lao động, nay
đóng, mai mở, rất khó kiểm soát. Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non
của Hà Nội đến năm 2015 cũng như biện pháp quản lý chỉ đạo của ngành đã
khẳng định: khuyến khích phát triển trường, hạn chế nhóm, lớp. Tuy
nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lơi lỏng của chính quyền
địa phương, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các ban, ngành nên việc
quản lý các cơ sở MNTT còn nhiều bất cập.
- Như bà đã nói, hầu hết các nhóm, lớp MNTT chưa có phép hoạt động đều
nằm xen kẽ trong khu dân cư, rất khó quản lý. Vậy làm thế nào để phát
hiện được những cơ sở này ?
- Để hoạt động của các cơ sở MNTT đi vào nền nếp, cần sự vào cuộc không
chỉ của ngành giáo dục, mà còn của chính quyền địa phương- nơi được
giao nhiệm vụ cấp phép và quản lý hoạt động. Thời gian qua, không chỉ
quản lý về mặt chuyên môn, nhiều phòng giáo dục đã phối hợp với chính
quyền, công an địa phương thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý
nghiêm đối với một số cơ sở hoạt động không phép. Năm học qua, trên 40
cơ sở MNTT đã bị yêu cầu đóng cửa. Một số đơn vị như Cầu Giấy, Thanh
Xuân, Hai Bà Trưng... rất kiên quyết trong việc này. Nhưng các nhóm,
lớp MNTT tăng nhanh, lực lượng quản lý lại mỏng nên khó bao quát hết.
- Có một thực tế là nhiều cơ sở bị buộc đóng cửa, nhưng chỉ vài ngày sau lại mở cửa trở lại, vậy có cách nào để hạn chế ?
- Sự ra đời của các cơ sở MNTT đáp ứng được những nhu cầu thực tế của
người dân: muốn gửi sớm, đón muộn. Cho nên, bên cạnh những chế tài xử
lý nghiêm khắc, một giải pháp rất quan trọng là tuyên truyền, để người
dân có ý thức tìm hiểu rõ về nơi mình sẽ gửi con. Khi ấy, tự khắc các
cơ sở “chui”, không bảo đảm điều kiện về nuôi, dạy, an toàn tính mạng
cho trẻ sẽ bị tẩy chay. Về phía ngành, trước tình trạng nhiều trường
được cấp phép, nhưng lại mở thêm 2, 3 cơ sở ở quận khác, nhiều khi chỉ
là nhóm, lớp, chúng tôi chỉ đạo các phòng giáo dục rà soát lại, yêu cầu
các chủ trường phải báo cáo tất cả các địa điểm đang hoạt động. Sắp
tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND thành phố tiếp tục có những biện
pháp mạnh và kiên quyết hơn nhằm tăng cường quản lý với các cơ sở MNTT.
- Với cương vị là người quản lý ngành, bà nghĩ sao về những hành vi mà
dư luận đang gọi là “bạo hành” trong học đường hiện nay, nhất là với
lứa tuổi mầm non?
-Thực tế, mỗi thầy, cô giáo cũng là những người bình thường, gánh trên
vai trách nhiệm của một người mẹ, người cha, người thầy, chịu nhiều áp
lực. Nhưng nghề giáo là một nghề đặc biệt, không chỉ cần có tri thức,
mà còn đòi hỏi khả năng kiềm chế cao, không được phép đem những bực bội
ở gia đình, ngoài xã hội vào lớp học. Bất luận là lý do gì, giáo viên
cũng không được hành xử bạo lực. Theo tôi, những trường hợp vi phạm
nghiêm trọng đạo đức nghề giáo cần phải xử lý nghiêm, kiên quyết loại
ra khỏi ngành. Không thể làm nghề nếu vi phạm đạo đức. Những trường hợp
vi phạm thời gian qua cũng đã được lãnh đạo ngành chỉ đạo xử lý nghiêm
khắc.
( Theo Hà Nội Mới )
|
|