Sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao sức khoẻ tinh thần ở trẻ em. Điều này sẽ có tác động rất lớn để phòng chống một số chứng rối loạn tâm sinh lý đang gia tăng ở trẻ em Việt Nam.
Sáng 13/12 tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại học Vanderbilt (Hoa Kỳ) tổ chức hội thảo “Can thiệp và phòng ngừa các vấn đề sức khoẻ tinh thần trẻ em Việt Nam”. Hơn 200 đại biểu là các nhà giáo, y bác sĩ tham dự hội thảo. Đây là dịp để các gia đình có thêm hiểu biết để phối hợp với trường học, cơ sở y tế phát hiện và chữa trị những bệnh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần ở trẻ em.
Hiện nay, rối loạn tâm sinh lý đang gia tăng ở trẻ em Việt Nam. Hiện tượng này sẽ dẫn đến những hành động và việc làm ảnh hưởng đến đời sống của các em như: Chán học, ham mê trò chơi điện tử, nghiện ma tuý, đua xe, trầm cảm… Theo số liệu điều tra của Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay có khoảng 20% trong tổng số 19 triệu trẻ em Việt Nam bị chứng rối loạn tâm lý. Nguyên nhân của những hiện tượng này xuất phát từ nhiều phía như: Gia đình, giáo dục, tác động của xã hội…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ nhiệm khoa Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều gia đình vì đòi hỏi con em mình học tập quá nhiều, không có thời gian vui chơi, giải trí. Điều này dẫn tình trạng trẻ bị các rối loạn tâm lý, rối loạn nhân cách, hành vi, ảnh hưởng đến phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Điều tra của Cục phòng chống các tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, ở nước ta hiện nay, số người nghiện ma tuý là khoảng 200.000 người (trong đó có đến 80% là thanh thiếu niên). Nhiều thanh thiếu niên nghiện ma tuý đều có chung một trạng thái tâm sinh lý không bình thường như: Thích phá phách, có nhiều hành động hung hăng… Đa phần những em nghiện ma tuý là do thích tự do, tò mò, đặc biệt là bố mẹ ít quan tâm đến việc học tập và sinh hoạt của con cái. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Bản, Bệnh viện Việt-Pháp cho rằng: Việc hỗ trợ, chăm sóc về mặt tâm lý đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ em. Do vậy, mỗi gia đình nên tạo ra tính tự lập, tự tin, quan tâm và theo dõi các hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi của con em mình.
Để trẻ em phát triển toàn diện về tinh thần, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bahr Weiss, Đại học Vanderbilt (Hoa Kỳ) cho biết: Đại học Vanderbilt (Hoa Kỳ) sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện một số chương trình nâng cao giáo dục nhân cách sống cho trẻ em ngay từ khi bước vào tuổi dậy thì.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã đưa ra ý kiến cho việc bảo vệ sức khoẻ tinh thần cho trẻ em khuyết tật, sức khoẻ cho học sinh lứa tuổi trung học cơ sở, các biện pháp can thiệp của y tế cho vấn đề sức khoẻ của trẻ bị bệnh tự kỷ…/.
( Theo VOV )