Xã hội
   Bác sĩ nhi hại bệnh nhi!
 
Sáng thứ bảy hằng tuần, hàng trăm phụ huynh từ nhiều tỉnh, thành đưa con đến một phòng khám ở Q.10, TP.HCM. Theo lời đồn, đây là phòng khám của một bác sĩ chuyên khoa tại một bệnh viện lớn với chuyên môn trị biếng ăn, tăng cân cấp tốc.

9g sáng thứ bảy 24-11, chúng tôi đến phòng khám tư nhân ở địa chỉ 27, khu 285 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.12, Q.10, TP.HCM. Bên ngoài, phòng khám treo một bảng to với dòng chữ: "Bác sĩ Dũng và bác sĩ Phượng, chuyên khoa nhi Bệnh viện Nhi Đồng 1". Trước phòng khám, mấy chục chiếc xe máy và xe hơi mang biển số Vũng Tàu, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu... đậu tràn dưới lòng đường. Đông đảo phụ huynh bế con, ngồi chờ ở quán nước bên cạnh.

 
 Đông đảo phụ huynh đưa con đến phòng mạch bác sĩ Dũng - Phượng để mua thuốc "tăng trọng"

Hai tuần tăng 2,5kg!

Vừa bước ra từ phòng khám, một phụ huynh đã mở một gói thuốc bột trăng trắng trút vào miệng con mình. Khi chúng tôi hỏi có biết đang cho con uống thuốc hiệu gì thì chị lắc đầu. Chị chỉ biết đó là thuốc bác sĩ vừa bán để giúp con chị ăn nhiều và tăng cân. "Thuốc hay lắm. Con tôi 4 tuổi mà chỉ nặng 12kg, bác sĩ này mới cho thuốc uống hai tuần đã tăng được 2,5kg. Cho nên từ An Giang tôi cũng ráng đưa con đi mua thêm thuốc" - người phụ nữ hớn hở khoe.

Bé Chí Khang, 6 tuổi, có đôi má phính, cũng được mẹ đưa đi mua thuốc đến lần thứ bảy. Mẹ bé cho biết gia đình chị cũng ở tận An Giang, mỗi lần đi kể cả tiền thuốc và chi phí xe cộ, ăn uống mất khoảng 1 triệu đồng. Sau sáu lần đi khám và uống thuốc, bé Khang đã tăng 3kg.

Mẹ bé Như Quỳnh, 5 tuổi, nghe người quen giới thiệu phòng khám này của một bác sĩ trưởng khoa nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trị bệnh trẻ con rất hay, từ thị xã Tây Ninh chị đã lặn lội đưa con đến để trị lệch vách ngăn mũi. Chị chỉ có ý định chữa mũi cho con, tuy nhiên bác sĩ lại khuyên chị nên cho con uống thuốc "tăng trọng" để bé có sức khỏe chuẩn bị cho ca mổ vách ngăn mũi. Sau lần đầu uống thuốc, bé ăn ngủ nhiều một cách bất thường. Tuy nhiên khi uống hết thuốc, bé Quỳnh cũng ngưng ăn, da sạm lại.

Sau nhiều lần đến phòng khám, chúng tôi ghi nhận đa số phụ huynh đến từ các tỉnh lân cận: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu... Đa số trẻ được bố mẹ đưa đến phòng khám là trẻ gầy ốm, từ 1-5 tuổi. Một số trẻ chỉ mới vài tháng tuổi. Phòng khám hoạt động từ 17-20g mỗi ngày. Riêng sáng thứ bảy là thời điểm đông bệnh nhi đến từ nhiều tỉnh nhất. Nhiều phụ huynh cho biết con họ không bị bệnh gì, nhưng vì muốn con mập mạp hơn nên đến đây mua thuốc cho trẻ uống.

Không toa, không nhãn mác

Sau khi cho con cân xong, phụ huynh lấy sổ khám bệnh, số thứ tự và chờ vào phòng của bác sĩ trên lầu một. Phòng khám của bác sĩ có bốn người: một phụ nữ mặc áo blouse trắng, một người đàn ông, hai cô gái. Quanh đó là mấy chục phụ huynh, đa số khám và mua thuốc tăng cân đang chen chúc chờ. Với trẻ nào cũng vậy, người phụ nữ mặc blouse trắng là bác sĩ Mỹ Phượng áp ống nghe, soi đèn pin vào họng rồi viết chi chít vào toa. Dù đã cố gắng hết sức nhưng chúng tôi cũng không thể đọc được toa thuốc đó ghi những gì.

 
 Thuốc không nhãn mác mà bác sĩ Dũng - Phượng bán cho trẻ uống

Ghi xong, người phụ nữ đẩy toa sang người đàn ông - bác sĩ Hồng Dũng - đứng cạnh. Bác sĩ Dũng thoăn thoắt chia thuốc ra từng ô trên khay nhỏ xếp chồng lên nhau. Sau đó, bác sĩ Dũng bắt đầu nghiền thuốc, đổ các phần thuốc vào bịch nilông nhỏ xíu và đẩy về phía hai phụ nữ đứng bên cạnh. Hai phụ nữ có nhiệm vụ phát thuốc và thu tiền. Thường mỗi phụ huynh phải trả 240.000 đồng cho một tuần thuốc như thế.

Từ phòng bác sĩ bước ra, hầu hết phụ huynh đều cầm trên tay một túi thuốc dạng bột. Mỗi túi gồm có 21 gói thuốc đủ các màu xanh, trắng, hồng, cam, vàng được nghiền nát, uống trong một tuần. Ngoài mấy chữ "sáng, trưa, tối" được in trên bịch nilông, không có chữ gì thêm ở túi thuốc. Không phụ huynh nào nhận được toa thuốc cũng như bất cứ giấy tờ khác. Tất cả phụ huynh đều lắc đầu không biết con mình đang uống loại thuốc gì, công dụng ra sao, nhãn mác thế nào.

Chúng tôi đã đem hai mẫu thuốc do phòng mạch này bán cho gia đình hai bệnh nhi đến Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm của trung tâm cho thấy: trong cả hai mẫu thuốc này đều có chứa dexamethasone.

Dexamethasone thực chất là thuốc corticoid có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Corticoid được dùng để điều trị một số bệnh lý như dị ứng (mề đay, phù do dị ứng), ngoài da (chàm, vẩy nến, viêm da dị ứng), hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, khớp, thận, tiêu hóa, bệnh lý mắt, ung thư...

Do thuốc có nhiều tác dụng phụ có hại cho cơ thể nên việc sử dụng thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tăng cân cũng là tác dụng phụ thường gặp do thuốc gây giữ muối, giữ nước làm cơ thể bệnh nhân mập ra, bụng to, chân tay teo lại, da mỏng dễ bầm máu, có khi nứt da bụng; tăng huyết áp; đái tháo đường; loét dạ dày tá tràng; làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng; làm trẻ chậm phát triển chiều cao...

 Sẽ kiểm tra ngay
Ngày 26-11, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho biết bác sĩ Lê Hồng Dũng và Hồ Thanh Mỹ Phượng là hai vợ chồng. Bác sĩ Mỹ Phượng trước đây làm việc tại khoa nội tổng quát của bệnh viện nhưng đã nghỉ từ tháng 4-2005, bác sĩ Hồng Dũng đang công tác tại khoa chống nhiễm khuẩn của bệnh viện. Xác minh tại Sở Y tế TP.HCM, chúng tôi được biết bác sĩ Mỹ Phượng và Hồng Dũng có giấy phép hành nghề mở phòng khám chuyên khoa nhi ngoài giờ do Sở Y tế TP.HCM cấp năm 2004 và giấy phép có giá trị đến năm 2009.

Vì sao một phòng mạch hành nghề theo kiểu thiếu y đức, bất chấp sức khỏe và tính mạng trẻ em như vậy nhưng vẫn hoạt động công khai trong thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý? Trả lời vấn đề này, ông Phan Văn Nghiệm - trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM - thẳng thắn: nếu sự thật đúng như phản ánh thì phòng mạch của bác sĩ Hồng Dũng và Mỹ Phượng đã có nhiều sai phạm.

Theo ông Nghiệm, nếu quả thật phòng mạch này công khai bán thuốc cho bệnh nhân là sai phạm thứ nhất; đã bán thuốc còn không kê toa là sai phạm thứ hai; bóc hết nhãn mác, bao bì thuốc để bệnh nhân không biết nguồn gốc, xuất xứ, tên loại thuốc thế nào là sai phạm thứ ba. Về việc cho bệnh nhi sử dụng thuốc có chứa corticoid với mục đích tăng cân, theo ông Nghiệm, phải xem bệnh của trẻ có chỉ định sử dụng thuốc này hay không. Tuy nhiên, dù bệnh của trẻ có chỉ định dùng thuốc này hay không cũng không thể cho thuốc kiểu như vậy.

Ông Nghiệm cho biết Sở Y tế TP.HCM sẽ yêu cầu thanh tra sở đi kiểm tra ngay phòng mạch này để xem mức độ, tính chất vi phạm thế nào. Sau khi kiểm tra sẽ tiến hành xử lý bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, hay rút giấy phép hành nghề... tùy mức độ sai phạm.

( Theo Netlife )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Khách hàng bất bình với chương trình khuyến mại Vinamilk (28/11)
 Viagra chữa bệnh cho trẻ sơ sinh (28/11)
 Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em Tây Nguyên (28/11)
 Kiến nghị không tăng học phí, viện phí (27/11)
 Trẻ em Nhật Bản học tiếng Anh bằng máy chơi game (27/11)
 Tâm bệnh (27/11)
 16,3 % trẻ em Việt Nam béo phì (26/11)
 Xanh mà không tươi! (26/11)
 Trẻ thiếu ngủ sẽ mắc chứng rối loạn hành vi (26/11)
 Anh: tịch thu ĐTDĐ đồ chơi Trung Quốc (26/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i