Sức khoẻ
   Mùa nắng: Hãy để ý đến sức khỏe của con nhiều hơn!
 
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết nhiệt độ tháng ba năm nay tăng hơn 1-2OC so với cùng kỳ năm ngoái. Nắng nóng gay gắt và oi bức có thể sẽ kéo dài hết tháng tư, nhiệt độ cao nhất lên đến 38-39OC. Cùng lúc, tại các bệnh viện (BV) nhi đồng, số trẻ mắc bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng cũng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng... Bác sĩ Nguyễn Duy Tiên - trưởng khoa ngoại chẩn, BV Nhi Đồng 1 - cho biết vào mùa nắng nóng trẻ em dễ mắc một số bệnh như sốc nắng, viêm đường hô hấp trên, viêm họng, viêm mũi-họng và rối loạn tiêu hóa. Sốc nắng là bệnh do thời tiết nóng quá làm cơ thể mất nước và một số muối khoáng nhưng không được bổ sung kịp thời, nhất là khi trẻ đi ngoài đường, chạy nhảy, đá banh... ngoài trời nắng. Dấu hiệu cho biết trẻ bị sốc nắng là choáng váng, mệt, nhức đầu, buồn nôn, cảm giác khát nước, đòi uống nước, môi khô... Nếu không được xử lý kịp thời, trẻ có thể bị trụy mạch (mạch nhanh, huyết áp kẹp), nguy hiểm cho sức khỏe. Khi trẻ bị sốc nắng, cần đưa ngay trẻ vào nơi mát, cởi áo cho thoáng và lau mát cho trẻ, cho uống nhiều nước có nhiều khoáng chất như nước muối đường, hoặc pha nước oresol, hydrite (còn gọi là nước biển khô) cho trẻ uống. Trẻ phục hồi thì theo dõi tiếp, nếu không bớt phải đưa ngay đến cơ sở y tế. Để phòng ngừa, khi trẻ đi ngoài trời nắng phải đội mũ rộng vành, không cho trẻ chơi đùa ngoài trời nắng, nhất là giữa trưa. Cần cho trẻ uống đầy đủ nước: nước đun sôi để nguội, nước trái cây, dừa tươi, sữa... Viêm hô hấp trên, viêm họng, viêm mũi - họng rất thường gặp. Nguyên nhân của bệnh là do trời nóng quá, người nhà thường mở quạt với tốc độ lớn để trẻ mát. Thật ra khi mở quạt lớn dễ làm trẻ bị khô vùng hầu họng khiến những chất nhờn, nhầy bảo vệ vùng hầu họng bị khô, tạo điều kiện cho vi trùng thường trú xâm nhập và gây bệnh. Triệu chứng của các bệnh này thường là trẻ bị ho, sốt cao, thở nhanh, có thể kèm đau họng, khó thở... Để phòng tránh, vào mùa nóng nên cho trẻ uống đủ nước, mặc thoáng mát, mặc loại vải có thể hút thấm mồ hôi, không cho quạt thổi trực tiếp vào trẻ, nên sử dụng quạt có chuyển hướng hoặc quạt nước. Về điều trị, thường trẻ bị sốt, ho - do vi trùng ở vùng hầu họng gây ra - phải sử dụng kháng sinh kèm thuốc giảm ho, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh rối loạn tiêu hóa gia tăng. Theo bác sĩ Duy Tiên, những ngày gần đây số trẻ bị rối loạn tiêu hóa (ói, tiêu phân lỏng, tiêu chảy) đến khám và điều trị tại BV có chiều hướng gia tăng. Bệnh xảy ra phần lớn là do trẻ uống nước, ăn thức ăn không bảo đảm vệ sinh. Học sinh tiểu học nếu ăn uống ở những hàng quán bán trên lòng lề đường không được che đậy cẩn thận, hoặc sử dụng nước chưa nấu chín, nước đá sản xuất không sạch dễ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa. Khi mắc bệnh trẻ thường bị sốt, ói, ói ra thức ăn cũ, ói ra dịch màu vàng, màu xanh, đi tiêu 5-10 lần/ ngày hoặc nhiều hơn. Phân lúc đầu lợn cợn, sau đó giống như hoa cải, sau là đi toàn nước. Để phòng tránh cần ăn uống hợp vệ sinh, uống nước đun sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, ăn ở hàng quán kém vệ sinh. Cách cho ăn cũng phải bảo đảm vệ sinh, thức ăn phù hợp với trẻ, trẻ nhỏ ăn lỏng, uống sữa; trẻ lớn nên tập thói quen rửa tay trước khi ăn, uống nước chín; những thức ăn đã rơi vãi xuống đất nên bỏ đi. Lưu ý, trẻ bị tiêu chảy nhiều dễ dẫn đến tình trạng mất nước, muối khoáng kèm theo. Nếu không được điều trị kịp thời, kèm theo trẻ có thể trạng suy dinh dưỡng, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, sau mỗi lần trẻ đi tiêu lỏng cần phải bù đủ nước (trẻ nặng 10kg, sau mỗi lần đi tiêu phải bù 50ml nước oresol, hydrite). Nếu tình trạng rối loạn tiêu hóa không cải thiện nên đưa trẻ đến BV ngay. Thủy đậu, quai bị và bệnh “tay, chân, miệng” xuất hiện nhiều. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1, mùa nắng cũng là mùa bệnh thủy đậu, quai bị xuất hiện nhiều. Vì thế cách phòng bệnh cho trẻ tốt nhất là chích ngừa. Ngoài ra, mùa nắng cũng cần chú ý bệnh “tay, chân, miệng”. Khi mắc bệnh, trẻ thường bị nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, vùng gối và vùng mông. Đây cũng là bệnh do tác nhân Enterovirus gây ra và có khả năng gây biến chứng lên não, rất nguy hiểm. Cần được bác sĩ thăm khám và chú ý theo dõi ngay từ sớm. LÊ THANH HÀ(Tuổi Trẻ)
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Miền Bắc cũng xuất hiện hàng loạt ca bệnh rubella (18/3)
 Tắc ruột do thức ăn ở trẻ em (15/3)
 Uống sữa không tốt cho trẻ bằng... tập thể dục (12/3)
 Khói bếp làm tăng tỉ lệ tử vọng ở trẻ em (11/3)
 Chăm sóc nướu và răng sữa của trẻ (11/3)
 Rubella, bệnh hiếm gặp đã xuất hiện ở TPHCM (2/3)
 Ngộ độc sắn (khoai mì) dễ gây tử vong (28/2)
 Bệnh cận thị: Truyện tranh, trò chơi điện tử cũng là thủ phạm! (28/2)
 Coi chừng chó cắn bé trong nôi (24/2)
 Ba triệu chứng chính nhiễm cúm A/H5N1: Sốt, ho, thở nhanh hoặc khó thở (24/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i