|
Cô Liên đang giới thiệu một số trái cây cho các em khuyết tật |
Tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm mầm non năm 1986 cô Nguyễn Thị Bích Liên được phân công về công tác tại Trường Mẫu giáo Bông Sen 3B. Sau một năm làm giáo viên dự khuyết, qua năm học 1997-1998 và cho đến nay, cô được phân công dạy lớp chồi.
Hành trang vào nghề của cô là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và tình yêu thương dành cho các cháu nhỏ. Thời gian đầu đứng lớp, cô gặp không ít khó khăn, trở ngại với nhiều bỡ ngỡ, lúng túng trong việc xử lý tình huống đối với các cháu. Vừa dạy vừa học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp, những khó khăn rồi cũng dần trôi qua, cô bắt đầu tự tin và vững vàng hơn trong công tác nuôi dạy các cháu. Phụ trách khối lớp chồi, cô luôn cố gắng tìm hiểu tâm sinh lý của các cháu để có thể dạy bảo các cháu đạt kết quả tốt nhất. Sau nhiều năm đứng lớp cô đã rút tỉa và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Cô Liên bộc bạch: “Ở lớp chồi các cháu rất nhạy cảm, chính vì vậy mà cô giáo phải cần dịu dàng, ân cần đối với các cháu. Mặt khác mỗi trẻ một ý do đó cô giáo phải hiểu tâm lý thì mới có thể nuôi dạy các cháu tốt, mới làm các cháu ngoan ngoãn, vâng lời”.
Bằng những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác nuôi dạy trẻ, cô đã thực hiện tốt công việc nuôi cháu khỏe, dạy cháu ngoan. Năm nào số trẻ do cô trực tiếp nuôi dạy cũng có tỷ lệ “bé khỏe - bé ngoan” cấp huyện, cấp thành phố đạt và vượt chỉ tiêu do trường đề ra. Trong quãng thời gian 15 năm gắn bó với Trường Mẫu giáo Bông Sen 3B, cô đã nhiều lần được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Bước ngoặt trong cuộc đời đi dạy của cô Liên đã diễn ra vào năm 2001. Trong một lần tình cờ đi ngang qua Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật (NDTKT) (tọa lạc tại khu phố 3, thị trấn Củ Chi), cô tận mắt chứng kiến hình ảnh những trẻ em khuyết tật tuy tuổi đã lớn nhưng còn rất ngờ nghệch, chưa biết gì. Hình ảnh ấy đã làm cho cô vô cùng xúc động, thương cảm. Từ đáy lòng mình cô muốn làm được điều gì đó để có thể giúp đỡ phần nào cho các trẻ em khuyết tật vốn đã chịu nhiều thiệt thòi. Sau khi bàn bạc, trao đổi và được sự nhất trí của gia đình cô đã đi đến quyết định: xin chuyển công tác về phục vụ tại Trường NDTKT.
Trường NDTKT được thành lập từ năm 2000 nuôi dạy hai nhóm trẻ em khuyết tật chính là tật khiếm thính và chậm phát triển (bại não, chậm hiểu, hội chứng down…). Tại ngôi trường này cô đã lần lượt được bố trí phụ trách ở cả hai nhóm trẻ khuyết tật vừa nêu. Dù là khuyết tật nào thì sự hiểu biết, mức độ tiếp thu của các em cũng rất hạn chế. Để có thể phục vụ tốt ở ngôi trường mà mình tình nguyện xin về, cô lại tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của những bạn bè, đồng nghiệp; tham dự các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về NDTKT, cũng như chịu khó tìm hiểu qua sách báo về tâm lý của trẻ khuyết tật…
Bằng tấm lòng tận tâm yêu nghề luôn phấn đấu nỗ lực trong công việc cô đã có những biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả với từng đối tượng học sinh khuyết tật. Qua thời gian hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của cô các em học sinh khuyết tật cũng đã có nhiều tiến bộ. Cô nhận thấy: “Đối với trẻ khuyết tật cần phải thật kiên trì, nhẫn nại, phải hết sức cố gắng và phải có tấm lòng nhân hậu, bao dung thì việc nuôi dạy các em mới có thể thành công tốt đẹp được”.
Từ khi chuyển qua Trường NDTKT, trong liên tiếp ba năm học 2001-2002, 2002-2003, 2003-2004 cô đều được công nhận là giáo viên giỏi cấp huyện. Trong năm học 2005-2006, cô Liên đã đoạt giải nhì trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Còn trong năm học 2006-2007, cô là giáo viên NDTKT được vinh dự đón nhận giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 9. Cô chân tình tâm sự: “Khi hay tin mình được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản tôi rất xúc động, rất vui và hạnh phúc. Tôi không ngờ mình có may mắn nhận được giải thưởng cao quý này. Đằng sau sự thành công mà tôi đạt được có sự đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ động viên nhiệt tình của các đồng nghiệp và của Ban giám hiệu. Phần thưởng này sẽ là nguồn động viên, cổ vũ tôi tiếp tục cố gắng phấn đấu nhiều hơn trong công việc NDTKT để giúp các em sớm hòa nhập vào cộng đồng”.
Với 45 tuổi đời và 21 tuổi nghề, dù phục vụ tại bất cứ ngôi trường nào cô Liên vẫn luôn cố gắng đem hết khả năng, nhiệt tình, tâm huyết của mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ. Cô đã nhận được sự tin yêu của phụ huynh học sinh cũng như sự yêu quý, trân trọng của các em học sinh. Cô xứng đáng là một bông hoa đẹp trong vườn hoa giáo dục đầy hương sắc của TP.HCM.
( Theo Báo Giáo Dục )