Không có ngành học nào như mầm non: "út ít, bé bỏng" nhất so với các ngành học mà lại phải chịu nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển, cũng như xây dựng các loại hình giáo dục.
Ðến nỗi một nhà khoa học giáo dục nhận xét một cách bức xúc: "Nếu chỉ để dân đóng góp là chính, thì nên đưa mầm non ra khỏi hệ thống giáo dục quốc dân. Còn nếu vẫn thuộc hệ thống này, thì Nhà nước phải có sự đầu tư !".
Phú quý giật lùi ?Những cán bộ quản lý và chỉ đạo giáo dục mầm non vẫn luyến tiếc 10 năm qua, từ 1996 đến 2005. Ðó là thời điểm ngành học có sự vận động củng cố và phát triển thật sự. Khởi đầu, sự củng cố được đánh dấu bằng một văn bản của Chính phủ với quan điểm, phát triển giáo dục mầm non, nhất là mẫu giáo, Nhà nước hỗ trợ một phần làm sao bảo đảm thu nhập cho giáo viên mầm non.
Nhưng, phải đến năm 2002, với Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ, mà nhờ đó, ngành học mầm non phát triển mạnh.
Có thể thấy, tinh thần cơ bản của Quyết định này rất rõ ràng: 1- Nhà nước sẽ đầu tư bao cấp hoàn toàn cho các trường mầm non những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn (cả nước có khoảng hơn hai nghìn xã được hưởng chính sách này). 2- Ở thành phố, thị xã kinh tế phát triển, khuyến khích mở các trường mầm non dân lập, tư thục, tận dụng các nguồn đóng góp của dân. 3- Vùng bình thường (nông thôn, miền núi thấp, trung du...) phát triển loại hình trường bán công, Nhà nước và dân cùng đầu tư.
Phải nói thẳng rằng, với đặc điểm kinh tế - xã hội, nếu như ở các tỉnh phía nam, phổ biến là phát triển trường công lập, thì ở các tỉnh phía bắc, loại hình bán công gần như phổ biến. Nhờ loại hình "nửa nọ, nửa kia" này mà trường sở nhiều địa phương được củng cố. Số trường đạt chuẩn quốc gia tăng lên. Số trẻ được thu hút đến trường cùng chất lượng chăm sóc trẻ khá hơn rõ rệt. Con số báo cáo của 64 tỉnh, thành phố cho thấy: Cả nước có 11 nghìn 190 trường, trong đó, trường công lập: 5.297 (47,3%); bán công: 4.810 (43%); dân lập: 581 (5,2%); tư thục: 502 (4,5%).
Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2010: 80% số nhà trẻ, 70% số trường mẫu giáo ở ngoài công lập, cùng lúc Luật Giáo dục 2005 quy định trong giáo dục không còn loại hình trường bán công. Ðương nhiên, ngoài những trường ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn vẫn được Nhà nước đầu tư hoàn toàn, thì tất cả các trường bán công (phổ biến ở nông thôn, tỷ lệ tới 43% so với số trường cả nước) phải chuyển sang loại hình dân lập, tư thục. Chính điều đó đặt giáo dục mầm non đứng trước rất nhiều thách thức khó vượt qua. Trường mầm non ở các địa phương đang phải chịu sức ép rất lớn, chuyển đổi như thế nào?
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất là khái niệm trường dân lập không rõ ràng. Bởi theo khái niệm cũ, đằng sau trường dân lập phải có một tổ chức, một cơ quan có tư cách pháp nhân bảo trợ. Trong khi số đông trường mầm non bán công lại ở nông thôn. Nếu chuyển các trường này sang dân lập thì ai sẽ là cơ quan bảo trợ? Vì không thể căn cứ vào khái niệm "Cộng đồng dân cư cơ sở" được quy định trong Luật Giáo dục 2005, nhưng lại không có tư cách pháp nhân. Chính vì thế, con số 43% số trường bán công trong cả nước, khiến nhiều giáo viên lo lắng.
Chuyển đổi mỗi nơi một kiểu
|
Giờ học xếp hình của các cháu Trường mầm non Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh Yên Hưng) |
Trong khi chưa xây dựng được tiêu chí trường mầm non dân lập, các địa phương trong cả nước đã phải tích cực chuyển đổi trường mầm non bán công sang các loại hình. Vừa căn cứ vào các văn bản pháp lý Nhà nước quy định, vừa dựa trên thực tiễn vùng miền, bức tranh chuyển đổi của giáo dục mầm non (GDMN) các địa phương nhộn nhạo, sinh động, đủ "gam mầu", chẳng đâu giống đâu. Thí dụ như TP Hồ Chí Minh, đã chuyển 35 trường bán công sang loại hình trường công lập tự chủ tài chính (giống như bậc học phổ thông). 13 trường bán công còn lại đang tiếp tục làm đề án chuyển đổi. Căn cứ quyết định chuyển đổi là dựa trên Nghị định 43/2006/NÐ-CP, nhưng theo Nghị định này, thực chất, nếu tự chủ một phần (tài chính) thì bản chất lại là trường bán công. Dù vậy, mặc ai "nói ngả, nói nghiêng", thành phố vẫn kiên quyết giữ quan điểm đó.
Ở Quảng Trị, toàn tỉnh có 39 trường mầm non công lập (26,35%), 103 trường bán công (69,59%) và sáu trường tư thục (4,05%). Sau những năm tháng chuyển đổi theo các loại hình trường, gắn với Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ, giờ loại hình trường công lập, đơn vị sự nghiệp có thu vẫn giữ nguyên như trong đề án phát triển GDMN của tỉnh. Riêng loại hình trường bán công, ngành xây dựng lộ trình khá công phu. Năm học 2007 - 2008, mỗi huyện, thị xã chuyển thí điểm một trường, tổ chức rút kinh nghiệm trong huyện, thị xã và toàn tỉnh. Năm học 2008-2009 chuyển 10% số trường bán công sang dân lập. Năm học 2009-2010 chuyển 20%. Năm học 2010 -2013 chuyển 30%. Năm học 2013 - 2015 chuyển 100% số trường bán công sang dân lập. Xây dựng lộ trình công phu thế, nhưng sau đó, sở lại hỏi Bộ Giáo dục và Ðào tạo một câu về "bản chất" của vấn đề: "Chuyển sang dân lập, quản lý của hoạt động cơ sở dân lập theo cơ chế hội đồng trường. Vậy, hội đồng trường là ai? Các trường mầm non dân lập ở vùng nông thôn khó khăn, lấy nguồn đâu để thuê đất?". Trong lúc chính Bộ GD và ÐT cũng đang lúng túng.
Thuận lợi và có phần may mắn hơn, như GDMN Ðà Nẵng, có 41 trường công lập, 17 trường bán công, ba trường dân lập và năm trường tư thục. Năm 2007-2008, thành phố chuyển tất cả 17 trường bán công sang loại hình trường công lập tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm (giống như cách làm của TP Hồ Chí Minh) và khuyến khích thành lập mới bảy trường mầm non (dân lập, hoặc tư thục) bảo đảm đủ các điều kiện theo Ðiều lệ trường mầm non.
Còn ở Hà Nội, lộ trình chuyển đổi khá rõ ràng, nhưng không ít vướng mắc. Theo đó, hơn 130 trường công lập đến năm 2010 - 2015 sẽ chuyển sang trường công lập tự chủ tài chính; 15 trường bán công (khu vực nội thành) do đang ở dạng thí điểm nên chuyển lại thành trường công lập tự chủ tài chính. Còn 158 trường bán công mầm non nông thôn, ngành đã tham mưu và được thành phố đồng ý đầu tư định mức hai triệu đồng/cháu (cam kết đầu tư cơ sở vật chất cho các trường). Những nơi quá khó khăn sẽ chuyển các trường bán công vùng nông thôn sang công lập (khoảng 30%). Còn lại sẽ thí điểm mỗi quận, huyện 1- 2 trường chuyển sang loại hình dân lập.
Nhưng, câu hỏi của TP Hà Nội cũng lại là: "Trường dân lập ở nông thôn là như thế nào?". Thực tiễn chuyển đổi ở các địa phương cho thấy, các cơ sở rất né tránh loại hình mầm non dân lập ở nông thôn, vì loại hình này, đến nay không rõ ràng về cơ chế quản lý, cấu trúc. Mặt khác, các nhà quản lý giáo dục cũng đã bắt đầu lo ngại. Ðây đó, tỉnh này, tỉnh khác, người ta chuyển các trường công lập sang trường chất lượng cao, nhưng thực chất là trường tư thục, do một vài doanh nghiệp đứng ra lập đề án, chi tiền..., không còn vai trò quản lý của Nhà nước. Với cách làm này, rất có thể dẫn đến hậu quả, nhiều trẻ em mất cơ hội đến trường vì học phí quá cao; giáo viên sẽ có nhiều người bị đào thải, mất công ăn việc làm.
Ðầu tư ra sao?Trước bức tranh chuyển đổi mỗi nơi một vẻ, kiến nghị của Bộ Giáo dục và Ðào tạo khá rõ: Về nguyên tắc, việc chuyển đổi phải làm sao cho GDMN công bằng hơn, số trẻ đi học tăng và quy mô dịch vụ tăng.
Vai trò quản lý nhà nước với GDMN cần tăng lên ở các mặt: tài chính, giáo viên và giám sát chất lượng. Cụ thể: Nhà nước bao cấp toàn bộ cho GDMN vùng khó khăn. Khi chuyển đổi các trường bán công, có thể chuyển sang loại trường công lập tự chủ tài chính, nhưng có chế độ miễn giảm học phí cho con nhà nghèo. Quan trọng hơn, Nhà nước cần có sự đầu tư tính trên từng học sinh, tùy theo loại hình cả công lập, ngoài công lập và gắn với đặc điểm kinh tế vùng miền, đặc điểm địa bàn, còn lại do dân đóng góp. Như vậy, học phí GDMN thực chất sẽ rất linh hoạt.
Việc chuyển loại hình từ bán công sang dân lập cần có những tiêu chí cụ thể, những quy định cụ thể về hoạt động trường mầm non dân lập, tránh mập mờ, chung chung, thiếu căn cứ pháp lý. Ðặc biệt mầm non dân lập ở nông thôn, về cơ chế phải do UBND xã chịu trách nhiệm quản lý, đầu tư. Việc chuyển sang loại hình trường tư thục cần được nghiên cứu kỹ và thí điểm từng bước theo lộ trình. Giáo viên mầm non dân lập nông thôn, nếu chuyển đổi từ loại hình bán công sang, chiếm một tỷ lệ khá lớn, hơn 50%. Mặc dù họ được tuyển dụng và hưởng lương thông qua hợp đồng lao động, nhưng Nhà nước cần có những chính sách như bảo hiểm xã hội và các chế độ quy định như loại hình giáo viên mầm non trong biên chế, bảo đảm sự công bằng và tạo niềm tin cho họ yên tâm gắn bó với nghề, với trẻ.
Hiện nay, lương giáo viên mầm non phổ biến còn rất thấp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi nhiều nơi chỉ ở mức từ 350 đến 500 nghìn đồng/người/tháng. Còn sự đóng góp của dân thì ở những nơi khó khăn, thậm chí nhiều gia đình không có nổi 10 - 20 nghìn đồng để nộp tiền học cho con. Có người xin nộp dăm quả trứng gà, xâu măng để cho con được đi nhà trẻ. Cần sớm có lời giải cho bài toán chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục mầm non, một ngành học cực kỳ quan trọng, nhất là đối với trẻ em người dân tộc thiểu số chưa sõi tiếng phổ thông. Có như vậy mới bảo đảm chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học.
Theo định hướng chuyển đổi "Ở những địa bàn nông thôn và vùng kinh tế
chưa phát triển, các cơ sở GDMN chủ yếu được tổ chức hoạt động theo mô
hình cơ sở GDMN dân lập, nhưng bảo đảm có khoảng 25% số cơ sở GDMN công
lập chủ đạo về chuyên môn ở các vùng này" là khó thực hiện. Vì hầu hết
các trường mầm non hiện nay ở Bến Tre, và các tỉnh vùng đồng bằng sông
Cửu Long là công lập, nên sự chuyển đổi phải có thời gian. Vì khi
chuyển sang dân lập hoặc tư thục do mức thu học phí cao, một bộ phận
nhân dân hoàn cảnh kinh tế khó khăn không đưa con em đến trường sẽ ảnh
hưởng đến tỷ lệ huy động trẻ đến lớp. Mặt khác, mỗi xã chỉ có một
trường mầm non hoặc mẫu giáo, nên khi chuyển đổi loại hình, việc thực
hiện chính sách xã hội đối với trẻ mầm non sẽ gặp khó khăn.
Trương Văn Nghĩa
Giám đốc Sở GD và ÐT Bến Tre
Việc chuyển đổi loại hình GDMN vai trò chủ đạo của Nhà nước thể hiện
như thế nào khi là người cấp đất, ban hành chủ trương, kinh phí, giám
sát chất lượng, quy định các chế tài bảo đảm các trường hoạt động và có
điều kiện phát triển, đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ? Việc
chuyển đổi cần bảo đảm các mối quan hệ và lợi ích: lợi ích của trẻ từ
lúc mới sinh ra đến lúc năm tuổi; lợi ích một bộ phận giáo viên bán
công đang ở trong biên chế chuyển sang giáo viên dân lập, tư thục sẽ
tạo động lực kích thích họ gắn với nghề hơn; lợi ích Nhà nước đóng vai
trò chủ đạo; lợi ích của nhân dân; dù là dân lập, hay tư thục cũng vẫn
là đóng góp cho sự phát triển của giáo dục đất nước lâu dài.
Trần Viết Lưu
(Ban Tuyên giáo T.Ư)
Cần thống nhất quan điểm xã hội hóa là để tăng thêm nguồn thu cho GDMN.
Vì vậy, đề nghị Nhà nước tăng kinh phí và tiếp tục đầu tư cho GDMN ở
các vùng miền khó khăn, tạo sự chăm sóc giáo dục trẻ một cách công
bằng. Ðối với các trường công lập tự chủ tài chính, cần có cơ chế thu
học phí phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo
đảm cho các hoạt động của nhà trường. Nhà nước nên ban hành đầy đủ các
văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu đãi cấp đất, miễn giảm
tiền sử dụng đất, và dành nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị tối
thiểu đặc thù đối với trẻ khuyết tật.
Ngô Thị Thanh Nhung
Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Ðà Nẵng
|
( Theo Báo Nhân Dân )