“Tại thời điểm này, nhà nước chưa thể thực hiện phổ cập mầm non bởi ngân sách rất khó khăn nhưng ngành giáo dục sẽ thực hiện phổ cập đối với trẻ 5 tuổi. Nhà nước đầu tư để đảm bảo cho 100% trẻ 5 tuổi được đến trường lớp mầm non, chuẩn bị tốt về tâm thế, ngôn ngữ, kiến thức cho trẻ vào lớp 1” – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2007-2008 tổ chức tại Hà Nội, ngày 10-8.
Trong kinh phí chi thường xuyên của ngành giáo dục hiện nay, do cam kết phổ cập bậc tiểu học nên kinh phí dành cho bậc học này chiếm tỷ lệ lớn nhất: 27%; THCS cũng đang phấn đấu phổ cập vào năm 2010 nên nhu cầu về kinh phí chi thường xuyên cũng rất lớn và chiếm tỷ lệ 23,5% (trong khi đại học chỉ chiếm 15%) còn bậc học mầm non chỉ có 4,5%. “Vì vậy, chưa thể thực hiện được phổ cập bậc học mầm non, bởi nếu tăng chi cho mầm non lên 15% thì phải đóng cửa tất cả các trường THPT công lập; còn nếu tăng kinh phí cho mầm non lên mức 20% thì phải đóng cửa tất cả các trường đại học luôn “vì hết tiền” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Vì vậy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: trong mâu thuẫn về tài chính như vậy cần có một lộ trình phổ cập có tính thực tiễn, hiệu quả. Trước mắt, ngân sách nhà nước đảm bảo đáp ứng cơ sở vật chất (phòng học, đồ dùng, đồ chơi), trả lương giáo viên, trẻ 5 tuổi đi học không phải đóng học phí, gia đình chỉ phải lo chi phí ăn uống của trẻ tại trường.
( Theo SGGP )