|
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng các đại biểu về dự hội nghị. Ảnh: N.H |
Ngày 10-8-2007, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2007-2008 tại Hà Nội. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai cùng lãnh đạo các sở GD&ĐT đã về dự.
Giáo dục mầm non (GDMN) từ lâu vẫn là bậc học gặp nhiều khó khăn trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Năm học này giáo dục mầm non vẫn chưa “thoát khổ”.
Chương trình kiên cố hóa trường lớp bỏ quên GDMN?Bà Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết, so với năm học 2005-2006, năm học 2006-2007 tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo đến trường của toàn quốc đều tăng ở tất cả các độ tuổi: trẻ nhà trẻ tăng 1%, trẻ mẫu giáo 3%, trẻ 5 tuổi 0,8%. Tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn ngày càng tăng so với trước. Tính đến nay, số giáo viên đạt trình độ chuẩn là 90% (năm học 2005-2006 là 82,9%). Trong đó, số giáo viên có trình độ trên chuẩn chiếm 15% (năm học trước là 10%) so với tổng số giáo viên. Một số tỉnh có tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn cao từ 30% - 60% như TP. Đà Nẵng 64,8%, Bắc Ninh 47,3%, Quảng Nam 44,1%. Năm học qua, GDMN cũng đã được xây mới 7.355 phòng học (4.975 phòng xây theo mẫu), cải tạo, sửa chữa nâng cấp 8.363 phòng lớp, công trình vệ sinh.
Tuy nhiên, GDMN đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xóa phòng học tạm, phòng học tranh, tre, nứa lá. Theo bà Hà thì GDMN hiện có hơn 22.000 phòng học tạm, cần được đưa vào chương trình kiên cố hoá trường lớp của Chính phủ (chương trình 159). Thế nhưng, ở tất cả các địa phương, chương trình này lại hầu như ít “phủ sóng” tới GDMN. Ninh Thuận là tỉnh “dẫn đầu” cả nước trong việc “bỏ sót” GDMN khi thực hiện chương trình 159. Không những thế, đây còn là tỉnh đầu tư cho GDMN thấp đứng thứ hai trên cả nước (sau Lai Châu). Kinh phí đầu tư cho GDMN chỉ chiếm 5% trong tổng kinh phí tỉnh đầu tư cho giáo dục.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT của tỉnh còn cho biết, những năm trước con số này là 7%, nhưng không hiểu vì sao “phú quý tụt lùi”, theo kế hoạch của tỉnh thì từ năm 2007-2010, đầu tư cho GDMN chỉ còn chiếm 5% (trong khi đó theo quy định của Chính phủ, đầu tư cho GDMN phải từ 10% trở lên). Chính vì vậy, việc các cơ sở GDMN “mọc” lên ở nhờ các đình chùa, các kho của các hợp tác xã của tỉnh là điều không tránh khỏi. Ninh Thuận cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước chưa có trường mầm non chuẩn quốc gia. Cũng khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng GDMN của TP.HCM không phải là không có kinh phí mà do cơ chế chính sách không hợp lý giữa các bộ. Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, có những trường của thành phố có tiền, có quỹ đất nhưng 5 năm nay vẫn không xây được trường với lý do Sở Giáo dục đồng ý thì Sở Xây dựng hoặc Sở Giao thông Công chính không đồng ý. Chính vì vậy, nhân dịp có Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tới dự hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM mong muốn với cương vị mới, lại phụ trách nhiều ngành, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ giúp được các trường tháo gỡ mớ “bòng bong” để các trường có thể đảm bảo được chất lượng giáo dục.
Ngoài những khó khăn trên, một tỷ lệ lớn giáo viên trong GDMN nằm ngoài biên chế cũng là một trong những trở ngại. Hiện mới có 38,9% giáo viên GDMN trong biên chế, còn hơn 61% là ngoài biên chế. Chính vì lý do này mà các thầy cô giáo thường không yên tâm công tác. Không những thế, cho đến nay, GDMN là bậc học duy nhất chưa có kiểm định chất lượng giáo dục nên việc các trường không đảm bảo chất lượng vẫn tồn tại cũng là một thực tế cần được xem xét và tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.
Chưa thể phổ cập GDMN
|
Cô và trò trong giờ học |
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đưa ra một bài toán. Hiện nay chi phí cho giáo dục tiểu học chiếm tỷ lệ cao nhất 27% (trong tổng đầu tư cho giáo dục), thứ đến là THCS 23,5%, ĐH chiếm 15% và thấp nhất là GDMN với 4,5%. Phó thủ tướng khẳng định, nếu đầu tư cho GDMN lên 15% thì sẽ phải đóng cửa tất cả các trường THCS, nếu đầu tư lên 20% thì phải đóng cửa tất cả các trường ĐH và THCS. Do vậy, hiện tại chưa thể phổ cập giáo dục mầm non. Phó thủ tướng cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào tiền ít nhưng vẫn đạt được hiệu quả? Đó là GDMN sẽ dành ưu tiên hàng đầu để thu hút trẻ 5 tuổi đến trường.
Vùng nghèo sẽ học công lập, vùng có điều kiện sẽ tùy vào tình hình kinh tế của địa phương để phát triển. Một mô hình mà theo lãnh đạo ngành giáo dục cho biết rất đáng học tập đó là mô hình ở huyện Simacai tỉnh Lào Cai. Đây là một huyện miền núi của Lào Cai nhưng đã huy động được 100% trẻ mẫu giáo đến lớp là người dân tộc H’Mông. Tuy trẻ đi học không phải đóng học phí nhưng nếu phải đóng cha mẹ cũng không có điều kiện đóng tiền cho trẻ. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, hội phụ huynh đã có sáng kiến đeo thẻ cho trẻ sau mỗi ngày học để phân công các mẹ hôm sau đến lượt nấu ăn cho trẻ vì cha mẹ của trẻ biết tiếng Việt ít.
Trước năm học mới, Bộ GD&ĐT sẽ có công văn gửi các tỉnh, tỉnh nào có đầu tư cho GDMN dưới 10% cần phải xem xét lại. Hiện có 14 tỉnh có đầu tư cho GDMN dưới 10%.
( Theo Báo Giáo Dục )