Vào ngày 20,21/8/2007, tại trường Đại Học Sư Phạm TPHCM sẽ diễn ra buổi hội thảo hữu nghị Việt_Nhật “An sinh xã hội và giáo dục trẻ khuyết tật”. Đây là hội thảo đã được tổ chức 10 năm (từ năm 1992 đến năm 2001) tại TPHCM và 5 năm (từ năm 2002 đến năm 2006) tại Hà Nội. Buổi hội thảo nhằm tập trung các vấn đề về nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật, phúc lợi xã hội, cùng các báo cáo thực tiễn.
Tham dự buổi hội thảo có bà Đặng Huỳnh Mai_Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo, ông Huỳnh Thanh Triều_Phó Hiệu trưởng trường Đại Học Sư Phạm TPHCM, bà Phạm Thị Tiết Hạnh_Phó ban chỉ đạo giáo dục khuyết tật TPHCM, ông Fujii Katsumi_ giáo sư Đại Học Nihon Fukushi đại diện ban tổ chức Hội thảo Hữu nghị Việt- Nhật, cùng các vị giáo sư đến từ các trường Đại học Nhật Bản, trường Đại Học Sư Phạm TPHCM, hiệu trưởng các trường khuyết tật trong thành phố và sinh viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt của hai nước…
|
|
Với mục tiêu: “Thông qua hoạt động thực tiễn chúng ta cùng mong muốn hòa bình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển nền giáo dục trẻ khuyết tật và an sinh xã hội”. Hội thảo lần thứ 16 năm nay sẽ tập trung thực hiện hoạt động Service Learning với tiêu chí “kết bạn với nhau để cùng học hỏi lẫn nhau thông qua các hoạt động thực tiễn với trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn về mặt xã hội”. Qua các hoạt động cụ thể như thăm viếng các trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi, các cơ sở, trường khuyết tật… những người tham gia Hội thảo như giáo viên, sinh viên hai phía Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau học hỏi và cùng đoàn kết bảo vệ quyền lợi cho trẻ khuyết tật.
Hoạt động Service Learning sẽ đóng một vai trò rất có ý nghĩa đối với các em khuyết tật. Góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về người khuyết tật, cũng như là tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật có đóng góp thiết thực vào cộng đồng để giúp cho trẻ trở thành công dân thực thụ của cộng đồng.
Trong buổi hội thảo, các đại biểu đến từ các trường khuyết tật đã đề xuất ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình dạy cho trẻ khuyết tật, các chế độ đối với học sinh, giáo viên, cũng như là đầu tư chi phí xây dựng cơ sở vật chất cho các cháu học tập một cách tốt nhất…
Với nội dung cùng các kiến nghị trên bà Đặng Huỳnh Mai đánh giá cao buổi Hội thảo.Và xem đây là một hoạt động góp phần thiết thực cho sự phát triển của đất nước.
Hồng Thái (mammon.com)