Trẻ sợ đi học có thể do nhút nhát, hay do môi trường và tâm lý thay đổi. Bạn đừng đe dọa hay ép buộc khi con không muốn đến trường, hãy kiên nhẫn trò chuyện, giải thích và hướng dẫn cho trẻ.
Trẻ thường chờ đón ngày khai trường với một tâm trạng háo hức, xốn xang khi mình chuẩn bị trở thành một học sinh, nghĩa là đã lớn. Việc được cha mẹ chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở, quần áo cho buổi đầu đi học khiến trẻ càng mong muốn đến trường.
Nhưng việc đi học ở trường phổ thông không còn giống với những ngày tháng ở lớp mẫu giáo. Các em phải ngồi hàng giờ trong lớp, không được nói chuyện riêng, tuân thủ theo những quy định trong giờ học, phải chú ý xem thày cô đọc gì, nói gì, viết gì, phải làm theo đúng lời thày cô yêu cầu, phải lĩnh hội những điều không phải lúc nào cũng thích thú.
Công việc học tập đòi hỏi trẻ có trách nhiệm và nghĩa vụ nhất định. Sau một thời gian, trẻ nhận thấy nhiều điều đã khác xa với sự tưởng tượng nên bắt đầu có những biểu hiện chán nản, thờ ơ không muốn đến trường, lẩn tránh việc học, việc làm bài tập về nhà... Mặt khác, việc cha mẹ kỳ vọng quá cao cũng tạo thành một căn bệnh tâm lý tương đối nghiêm trọng: bệnh sợ học.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh này là trẻ sợ đi học, thậm chí công khai cự tuyệt đến trường. Trong thời gian có biểu hiện chán học, nếu cha mẹ ép buộc, tâm lý trẻ càng nặng nề; còn nếu cha mẹ có ý tạm thời không bắt đi học, trẻ lập tức cảm thấy thoải mái. Các biểu hiện tâm thần bất định, lo sợ không yên, lo âu, thậm chí đổ bệnh... cũng có thể xuất hiện ở trẻ chán học.
Bệnh sợ học có thể do nguyên nhân nội tại: Trẻ có tính nhát, cẩn thận, nhạy cảm, đa nghi, đặc biệt là giữ thể diện, không chịu được sự phê bình của người khác như thầy cô, cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có nguyên nhân khách quan: sự thay đổi về vị trí môi trường học tập so với môi trường mẫu giáo; cha mẹ và giáo viên kỳ vọng quá cao, vượt quá khả năng, khiến tâm lý trẻ mất thăng bằng.
Khi thấy con chán học, bạn nên bình tĩnh tìm nguyên nhân. Cần trò chuyện với các em, chú ý hướng dẫn chỉ bảo, không dùng phương pháp đe dọa đơn thuần để ép, tránh làm tổn thương trẻ. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, cha mẹ và thầy giáo cần trao đổi để hiểu trẻ và cùng lập kế hoạch giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thứ nhất, cần giúp đỡ trẻ khắc phục tâm lý sợ sệt; động viên giúp đỡ trẻ trong quá trình học cũng như khi chơi với bạn bè. Để trẻ dần quen với môi trường. Mỗi ngày khi trẻ có tiến bộ, nên kịp thời biểu dương và cổ vũ.
Thứ hai, nhanh chóng có biện pháp để trẻ trở lại trường học. Giả dụ trẻ không muốn đi học, cha mẹ không nên nóng ruột, cần thông qua trường học phối hợp với giáo viên sau đó kiên nhẫn chờ đợi để giúp trẻ làm mất đi hoặc làm giảm căn bệnh tâm lý này.
Như vậy, hơn ai hết, cha mẹ và các thầy cô giáo là những người có vai trò rất quan trọng giúp đỡ trẻ vượt qua khó khăn này. Khi ở trường, thầy cô cần giúp trẻ nhanh chóng thích ứng với hoạt động mới, để trẻ đón nhận lớp học, trường học, bạn bè tuy mới nhưng không hề xa lạ. Đặc biệt, các thầy cô luôn chú ý đến những biểu hiện khác thường của trẻ để giúp trẻ không xa lánh và đứng ngoài tập thể.
Khi về nhà, bố mẹ cần tạo cho trẻ một không gian riêng, một khoảng thời gian nhất định để học bài và làm bài. Cha mẹ cần quan tâm và tôn trọng yêu cầu này của trẻ.
Theo vnexpress.net