Chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ trước khi bước vào các lớp đầu cấp, nhất là các trẻ vừa bước qua bậc mầm non vào lớp 1 là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm, lo lắng.
Khi trẻ bắt đầu bước vào lớp 1 có nhiều vấn đề xảy ra và cần không ít thời gian để trẻ thích nghi. Nhiều trẻ vì ăn uống không hợp gây nôn ọe, nhiều trẻ ngại tiếp xúc với bạn mới, không theo kịp việc học nên sợ đến trường. "Khoảng thời gian đầu cho con vào lớp 1, tôi thật sự lo lắng, mệt mỏi. Nhiều lần, tôi phải cho con nghỉ học vài ngày vì trẻ không chịu đến trường" - chị B. Thủy (Thủ Đức) chia sẻ.
Khác biệt giữa mầm non và tiểu học
Phần lớn những phản ứng của trẻ khi bước vào lớp 1 là do thay đổi môi trường mới, cô giáo mới, cách học mới, bạn mới... khiến trẻ chưa kịp thời thích nghi, bỡ ngỡ. Cô Vương Thị Thùy Loan (giáo viên lớp 1, Trường Trần Quốc Toản, quận Gò Vấp), cho biết: "Về tâm lý, các trẻ mầm non khi vào lớp 1 thường có những phản ứng như bỡ ngỡ, rụt rè... vì phải đối diện với môi trường học hoàn toàn mới. Ở bậc mầm non các em chơi nhiều hơn học, khi vào lớp 1 thì ngược lại, học nhiều hơn chơi. Do đó trong một tiết học ở lớp 1, bắt các em ngồi im lặng, lắng nghe cô giảng bài là việc làm không dễ. Đặc biệt, sự tiếp thu giữa các trẻ trong một lớp không đồng đều. Có em thì đã biết chữ rồi, có em chẳng biết gì cả". Bên cạnh đó, việc lần đầu làm quen với nhiều môn học khiến cho trẻ phân tâm trong việc học bài, làm bài (nhất là môn tập viết vì đôi tay chưa khéo léo, còn lóng ngóng, vụng về); chưa quen ghi nhớ lời của giáo viên cũng như thiết lập mối quan hệ với bạn bè, thầy cô... cũng là những trường hợp phổ biến ở trẻ vào lớp 1, cô Phạm Thị Hồng Thảo (giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Hanh Thông, Gò Vấp) cho biết thêm.
Theo thầy Nguyễn Xuân Hùng, giảng viên tâm lý Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, thì ngoài sự khác nhau về môi trường học, chức năng của giáo viên giữa hai bậc học này cũng không giống nhau. "Trong khi mối quan hệ giữa giáo viên và trẻ ở bậc mầm non vô cùng gần gũi, mang đậm tình "mẹ-con" thì mối quan hệ này ở lớp 1 có giới hạn nhất định. Vì ở lớp 1, giáo viên có nhiệm vụ cung cấp cho trẻ các kiến thức khoa học và đánh giá trẻ dựa vào thành tích học tập là chủ yếu" - thầy Hùng khẳng định.
Cần chuẩn bị những gì cho trẻ
"Thời gian đầu khi cháu vào lớp 1, gia đình tôi dành hết thời gian để hỏi han, trò chuyện, chăm sóc mỗi khi đón cháu về nhà. Có lẽ nhờ vậy mà cháu nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới" - chị Nga (Bình Thạnh) tâm sự.
Mặt khác, giáo viên có vai trò quan trọng bậc nhất trong buổi đầu trẻ vào lớp 1. Trẻ có ấn tượng tốt đẹp, tâm lý thoải mái, hòa nhập... hay không, tất cả là do phương pháp sư phạm, giáo dục của giáo viên. "Giáo viên không gây áp lực đối với trẻ, có thái độ nhẹ nhàng, ân cần đối với trẻ. Lớp học nên trang trí những hình ảnh vui tươi và gần gũi đối với trẻ, tạo cho trẻ tâm lý mỗi ngày đến trường là một niềm vui..." - cô Loan tâm đắc. Ngoài ra, một lời khen, khuyến khích trẻ đúng lúc có tác dụng tích cực, giúp trẻ tự tin hơn khi đến trường. "Không vội chê trách, la mắng mà hãy nhắc nhở trẻ và khuyên trẻ cố gắng thực hiện nội quy. Cần có những lời động viên, khen thưởng các trẻ trong quá trình học, tổ chức các trò chơi học tập để thu hút trẻ cùng tham gia" - cô Thảo chia sẻ.
Cần sự chuẩn bị toàn diện từ trường mầm non, gia đình và trường tiểu học mới có thể giúp trẻ có một tâm thế tốt khi bước vào các lớp đầu cấp là ý kiến của thầy Hùng. Thầy giải thích thêm, ngoài công tác chuyên môn, các trường mầm non có thể tổ chức mời giáo viên và hiệu trưởng các trường tiểu học đến nói chuyện với các bậc phụ huynh để họ có thể chuẩn bị cho con mình sẵn sàng với những thay đổi mới. Bên cạnh đó, giáo viên tiểu học cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đặc điểm tâm sinh lý khi trẻ vào lớp 1 để có giải pháp sư phạm phù hợp giúp các em hòa nhập vào một môi trường mới dễ dàng. Đặc biệt, về phía gia đình nên có sự chuẩn bị trước tâm lý sẵn sàng đi học cho các em. Chẳng hạn như tham gia các lớp học ngắn chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 để trẻ có thể làm quen với môi trường mới, học được các kỹ năng cần thiết...
Theo phapluat.vn