GS Văn Như Cương, Ủy viên Hội đồng giáo dục Quốc gia Việt Nam cho rằng, trẻ vào lớp 1 là giai đoạn chuyển cấp gặp nhiều khó khăn nhất trong các giai đoạn chuyển cấp khác.
Vì vậy, theo GS Cương, trước khi học chính thức, trẻ cần thêm thời gian khoảng từ 1 - 2 tháng để chuẩn bị làm quen với môi trường học đường.
Giai đoạn chuyển cấp khó khăn nhất
Hiện tượng trẻ mới vào lớp 1 sợ đến lớp, sợ phải học bài, theo Giáo sư thì nguyên nhân do đâu?
+ Tùy vào từng trường hợp cụ thể mới tìm ra được nguyên nhân chính xác khiến trẻ sợ trường. Tuy nhiên, xét về lôgic tâm lý thì một đứa trẻ sẽ sợ đến trường khi trường học không thực sự mang lại môi trường an toàn và thú vị cho chúng.
Do thay đổi môi trường đột ngột nên nhiều trẻ có những phản ứng sợ hãi về tâm lý và không muốn đến trường. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này?
+ Đây cũng là một vấn đề mà những nhà giáo dục nên suy nghĩ. Hiện nay có nhiều cấp học mà bất cứ học sinh nào cũng phải trải qua như từ mẫu giáo lên tiểu học, từ tiểu học lên trung học, từ trung học lên đại học. Trong những bước "chuyển cấp" này thì giai đoạn trẻ từ mẫu giáo lên lớp 1 là giai đoạn có nhiều thay đổi nhất. Còn từ cấp 1 lên cấp 2, từ cấp 2 lên cấp 3 hay từ cấp 3 lên đại học thì sự thay đổi môi trường học tập là không lớn.
Trẻ từ mẫu giáo chuyển lên lớp 1 thì sự thay đổi môi trường học tập diễn ra khá đột ngột về mọi mặt. Đây cũng là bước chuyển giao đặc biệt nhất. Đặc biệt là bởi lần đầu trong đời, trẻ phải làm quen với môi trường học đường. Nếu trẻ không có thời gian làm quen với những thay đổi lớn này mà phải bước vào học tập ngay thì sẽ rất dễ làm cho trẻ sốc về tâm lý. Trẻ sợ tiếng đập bảng của cô, sợ mỗi lần muốn đi vệ sinh, sợ bị cô phạt mà không biết mình sai chỗ nào... Tất cả những nỗi sợ này là do trẻ không có thời gian để được làm quen với nề nếp học tập mới. Trẻ mà sợ trường thì còn đâu tâm trí để học.
Tình trạng trẻ vào lớp 1 sợ hãi về tâm lý đặt ra vấn đề nào cho giáo dục tiểu học hiện nay thưa ông?
+ Theo tôi, để giải quyết vấn đề này rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý và các nhà tâm lý giáo dục. Cần phải có chính sách nào đó để trẻ vào lớp 1 có thời gian khoảng từ 1 - 2 tháng chuẩn bị làm quen với môi trường học đường. Thời gian đó không phải là học chữ mà là để trẻ quen với trường lớp, quen bạn bè, thầy cô và bắt đầu làm quen với nề nếp và tác phong học tập.
Trẻ cần được nghỉ buổi tối
GS Văn Như Cương
"Trẻ đi học cũng giống như người lớn đi làm, buổi tối về nhà, trẻ cần được nghỉ ngơi, nếu có học thì chỉ nên học những gì trẻ thích chứ không nên giao quá nhiều bài tập như hiện nay".
Mặc dù hiện nay đã có quy định cấm dạy chữ trước cho trẻ lớp 1 nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn cho con đi học. Thực tế cho thấy, học chữ trước thì mất đi sự mới mẻ của bài học, không học thì không thể bắt kịp các bạn cùng lớp. Sự lúng túng này nói lên điều gì, thưa Giáo sư?
+ Bất cập chính là thiếu sự chuẩn bị tâm thế cho trẻ bước vào lớp 1 từ phía nhà trường. Như tôi đã nói ở trên là nhà trường phải có thời gian từ 1 - 2 tháng để cho trẻ làm quen với môi trường học đường trước khi trẻ bước vào học chính thức. Có thể coi đây như lớp học bước đệm cho trẻ lớp 1. Muốn làm được điều này thì cần phải có chính sách thống nhất trên toàn quốc, chính sách đó phải có sự cố vấn của các nhà tâm lý giáo dục, bởi lớp học bước đệm này mang nặng yếu tố tâm lý hơn là những kiến thức trong sách giáo khoa. Khi có lớp học bước đệm này thì sẽ giải quyết được vấn đề trẻ học chữ trước lớp 1 hiện nay.
Một đứa trẻ 6 tuổi, sau một ngày học tập trên lớp, tối về vẫn phải viết cả trang chữ thì có phải là quá tải không?
+ Nếu tôi không nhầm thì ở bậc tiểu học, giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh. Việc một đứa trẻ 6 tuổi phải làm cả trang bài tập ở nhà như vậy thì quá tải là chắc chắn rồi.
Giờ nhắc đến giáo dục thì ở đâu cũng thấy quá tải. Trong một cuộc hội thảo về giáo dục mà tôi tham gia ở Pháp, vấn đề được đưa ra thảo luận và bàn cãi rất gay gắt là có nên tăng thời gian làm bài tập ở nhà từ 30 phút lên 45 phút cho học sinh cấp 2 hay không. Bài tập của học sinh cấp 2 ở Pháp chỉ là cầm bảng câu hỏi mà giáo viên giao rồi trả lời bằng miệng, chứ không phải viết lách như học sinh của mình. Chỉ 45 phút làm bài tập của học sinh cấp 2 đã khiến những nhà giáo dục của Pháp phải suy nghĩ như vậy thì một đứa trẻ 6 tuổi phải làm cả trang bài tập về nhà là hết sức phi lý. Từ cuộc hội thảo này thì mới thấy việc học của học sinh của Việt Nam thực sự là quá tải.
- Xin cảm ơn GS!
Theo giadinh.net.vn