Đây là báo cáo khoa học từ dự án chương trình nghiên cứu phát triển giáo dục, được điều hành bởi Học viện Giáo dục và Phát triển Quốc gia về Trẻ em (Trước tuổi đến trường) - Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (2001)
Tác giả công trình:
Diane Trister Dodge và Cate Heroman.
Các nhà khoa học biết gì?
Các nhà khoa học nói rằng thời gian nhạy cảm của bộ não để xây dựng những mối liên hệ ngôn ngữ xảy ra trong suốt 5 năm đầu đời. Càng nghe được nhiều từ, bé sẽ càng sớm hiểu và học được từ ngữ và xây dựng vốn từ nhiều hơn. Trẻ em biết và sử dụng từ ngữ nhiều dường như sau này sẽ phát triển tốt khả năng đọc - hiểu ngôn từ khi bắt đầu vào lớp Một.
Những lĩnh vực và vấn đề nên nói với trẻ
Trẻ em học ngôn ngữ từ những người nói với chúng và lắng nghe chúng nói, chứ không phải từ việc xem TV. Nói thật nhiều. Nói to và miêu tả những gì bạn đang làm thành lời. Sử dụng nhiều từ ngữ cùng loại khác nhau khi bạn có thể cùng miêu tả về 1 thứ. Ví dụ: "Con chó này to - khổng lồ - lớn". Thừa nhận rằng nói "Đừng động vào nó!" hay "Dừng ngay lại!" sẽ chẳng thể dạy con bạn được gì nhiều. Thay vào đó, cố gắng sử dụng các từ tích cực hơn như: "Để mẹ đưa con những thứ chơi an toàn hơn nhé. Chúng ta có thể chơi với quả bóng đỏ này. Mẹ sẽ lăn nó tới con, và con lăn lại cho mẹ nhé!". "Hồ nước thật trong và không khí ở đây thật dễ chịu, phải không nào!"...
Một vài gia đình mà bố mẹ hay họ hàng thân nói 2 loại ngôn ngữ khác nhau. Cha mẹ thường băn khoăn rằng loại hình ngôn ngữ nào trong 2 ngôn ngữ đó nên dạy cho trẻ nhiều hơn. Các cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng các thành viên gia đình nên nói bất cứ ngôn ngữ nào mình thành thạo với trẻ. Trẻ cần phải được nghe ngôn ngữ nói thật tốt. Một đứa trẻ rất nhỏ có thể nghe 2 loại ngôn ngữ khác nhau từ lúc sinh, điều này khiến chúng học cả 2 ngôn ngữ một cách tự nhiên và hiệu quả.
Nói với con bạn
Có một phương pháp đặc biệt về nói, gọi là "ngôn ngữ nói trực tiếp với trẻ" (parentese). Đây là cách cha mẹ nói khi họ sử dụng ngôn ngữ đơn giản, đặt nhiều cách diễn đạt thể hiện qua khuôn mặt hay trong giọng nói, và nói chậm với một giọng ê a trầm bổng. Quan sát cách bé chú ý khi bạn nói với bé kiểu này ra sao!
Khi bạn nói với bé trong tất cả thời gian bên bé, bạn trao cho bé sự khởi đầu cho việc nói và nghe. Thậm chí nếu ban đầu bé không hiểu bạn đang nói gì, não bộ của bé đang tạo ra những kết nối ngôn ngữ. Hãy gần hơn với bé khi bạn nói để bé có thể nhìn thấy môi của bạn. Khi bé gừ gừ và bập bẹ, hãy thể hiện sự thích thú với bé! Điều này thường sẽ có tác dụng khiến bé được kích thích nói nhiều hơn. Chơi trò chơi "ú òa" hay trò "làm bánh, pha nước cam..." Những trò chơi này dạy bé cách đưa và nhận đồ của người khác, đồng thời nói chuyện với họ. Nói với bé cả ngày: khi bé ăn, khi bé tắm, khi bé thay bỉm. Nói về bất cứ điều gì bạn đang làm: "Này này, con đặt chân vào đây nhé! Con đưa tay ra để xỏ vào tay áo này!" hay "Chúng ta đang rửa tay đấy!" Nhớ rằng, việc nghe các âm thanh sẽ được ghi lên phần bộ não phụ trách ngôn ngữ, thậm chí trước khi bé học ý nghĩa của các từ ngữ đó.
Nói với đứa con mới biết đi, mới học nói của bạn.
Bạn không cần phải có một vốn từ vựng rộng khi bạn nói chuyện với con. Tất cả những từ ngữ bạn phát ra đều là mới mẻ với bé. Bé học những từ mới khi bé nghe bạn kể chuyện, nghe bạn đọc sách to, và khi bạn chơi với bé. Và những đứa trẻ chập chững biết đi vô cùng thích thú lặp đi lặp lại các từ ngữ mới.
Con bạn sẽ có thể bắt đầu nói 1 tiếng đơn hoặc 1 cụm từ ngữ, giống như: "cá" hay "con cá". Bạn có thể trợ giúp bằng cách đưa ra từ ngữ cho bé sử dụng: "Đây là 1 con chó to", "con có muốn 1 cái cốc không? Cốc của con đây. Mẹ sẽ rót một ít nước táo cho con nhé. Thật tuyệt phải không nào!"
Cung cấp các từ mà bé cần khi bé cố gắng nói với bạn về cảm giác của bé. Nếu bé giận dữ, nói để bé hiểu, thậm chí nếu bạn không thể làm những điều bé muốn. "Mẹ biết con đang rất tức giận, vì con muốn được cưỡi con ngựa gỗ đó lâu hơn, nhưng chúng ta cần phải đi. Hôm khác chúng ta có thể sẽ quay lại đây mà". Nói về cảm giác giúp cho trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc của mình.
Nói với trẻ mẫu giáo.
Nói và lắng nghe trẻ càng nhiều càng tốt. Nghĩ về những cách khác nhau để điễn dạt cùng một thứ. Ví dụ, khi nói về một ngày mưa, sử dụng nhiều từ tượng thanh và tượng hình, những từ ngữ gợi tả: mưa, u ám, ảm đạm, đầy mây... điều này giúp bé xây dựng vốn từ vựng một cách có hệ thống.
Chỉ cho bé biết rằng làm thế nào để trở thành một người lắng nghe tốt trong suốt những cuộc hội thoại bằng cách bạn hãy lắng nghe và khi cần, nhắc lại nội dung bạn nghe từ bé. Miêu tả điều bạn thấy và hỏi các câu hỏi khiến bé phải sử dụng từ ngữ để nói với bạn.
Dưới đây là vài ví dụ:
- Con nhìn những quả cam trên cây này xem. Chúng ta có nên hái chúng không nhỉ? Nên đặt những quả cam này vào đâu bây giờ?
- Mẹ thắc mắc khi nào chị con sẽ tan trường và về nhà. Chúng ta sẽ đợi chị con ở cổng nhé!
- Hôm nay con vẽ nhiều tranh đẹp quá! Nói cho mẹ biết con vẽ những gì nào?
Dạy con bạn những từ ngữ phù hợp với trẻ nhỏ và những câu nói vui nhộn. Trẻ mẫu giáo thích chơi với từ ngữ và nhịp điệu. Trẻ có thể chơi với ngôn ngữ sẽ phát triển các kỹ năng chúng cần cho việc học đọc, học viết. Ví dụ: Thay đổi từ ngữ với những bài hát gần gũi, sau đó thay tên các nhân vật bằng tên của con bạn.
Nhắc lại bài hát, và sử dụng thay tên lần lượt các thành viên trong gia đình. "Chúc mừng sinh nhật của Minh, chúc mừng sinh nhật đáng yêu, mừng ngày bé Minh sinh ra đời..."
Ghi nhớ:
Để học ngôn ngữ, con bạn cần phải được nghe tốt và rõ ràng. Hãy hỏi bác sĩ để kiểm tra tai cho con và chắc chắn không có ảnh hưởng xấu nào cho khả năng thính lực của bé.
Nhiều ảnh hưởng tiêu cực, cũng như bệnh nhiễm trùng tai có thể là nguyên nhân gây ra trở ngại cho quá trình học ngôn ngữ.
Hãy ngay lập tức tìm đến sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa nếu:
- Con bạn không quay về hướng có giọng nói gọi bé, hoặc quá 6 tháng không bập bẹ.
- Con bạn không nói bất cứ từ nào khi đã 2 tuổi.
Ngọc Mai mamnon.com