Đây là báo cáo khoa học từ dự án chương trình nghiên cứu phát triển giáo dục, được điều hành bởi Học viện Giáo dục và Phát triển Quốc gia về Trẻ em (Trước tuổi đến trường) - Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (2001)
Tác giả công trình:
Diane Trister Dodge và Cate Heroman.
Mọi bậc phụ huynh đều mong muốn con mình có mối quan hệ tốt với những người xung quanh: Bạn bè, sự hòa hợp và các mối quan tâm tới những người khác. Những người đầu tiên bé học cách tạo lập mối quan hệ với họ, chính là cha mẹ. Mối quan hệ mà cha và mẹ xây dựng với con sẽ giúp trẻ định hình nền tảng cơ sở để thiết lập những mối quan hệ khác, với những người khác trong cuộc sống của bé sau này.
Các nhà khoa học biết được những gì?
Bắt đầu tại thời điểm bé sinh ra, bé lập tức phát triển thứ mà các khoa học gia gọi là "sự hòa nhập xã hội". Điều này đơn giản nghĩa là: Bé lớn lên để yêu bạn.
Những cuộc nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng trẻ em sớm có định hình về sự hòa nhập xã hội mạnh mẽ và rõ nét với một số người rất quan trọng trong cuộc đời mình, thì dường như chắc chắn sẽ thành công hơn trong việc xây dựng mối quan hệ tốt với những người quanh mình khi trẻ lớn lên. Chúng có xu hướng tò mò hơn và học tập tại trường xuất sắc hơn. Chúng có mối quan hệ dễ chịu với những đứa trẻ khác, và có xu hướng trở thành con người vui vẻ, niềm nở. Sự tham gia gắn bó với những người thân gần gũi là điều chuẩn bị tốt cho một đứa trẻ tạo lập cuộc sống học tập sau này.
Dạy bé sự tin tưởng:
Bài học đầu tiên bé học về mối quan hệ với mọi người là có những người bé hoàn toàn có thể tin cậy tuyệt đối. Bạn sẽ dạy bé biết tin tưởng qua cách bạn phản ứng lại những yêu cầu và nhu cầu cần thiết của bé một cách có trách nhiệm:
Khi bé khóc vì đói, bạn cho bé ăn.
Nếu bé cảm thấy không thoải mái, bạn thay bỉm hay vỗ về bé vào lưng thật nhẹ nhàng, giúp bé giảm bớt những cơn tức thở khi bé có triệu chứng.
Khi bé muốn chơi, bạn ở bên cạnh và chơi với bé thật vui vẻ.
Khi bé mệt, cảm thấy không an tâm, căng thẳng, hay bé nhặng sị rối rít om sòm lên, bạn giúp bé giải tỏa căng thẳng, bực dọc và thiếp ngủ.
Một đứa trẻ biết cách tin tưởng người khác có thể khám phá và học được nhiều điều. Vì bé hiểu rằng: bé luôn được an toàn bởi lúc nào cũng có thể tìm tới bên bạn khi cần cảm giác bình yên.
Bạn không thể làm hư hỏng tính cách của trẻ mới sinh.
Một số người khá lo lắng, rằng họ có thể làm hư con mình nếu luôn phản ứng đáp lại ngay các nhu cầu của con mỗi khi bé muốn. Không nhất thiết phải lo lắng như vậy. Bạn không thể làm hư một đứa trẻ còn rất nhỏ bằng sự quan tâm chăm sóc, ân cần chu đáo hết mực của mình. Trẻ con cần những điều chúng cần, tại thời điểm nhu cầu của chúng xuất hiện. Và vì bạn ở bên bé đúng lúc, vì rằng bạn nhận ra những nhu cầu của con ngay, bé sẽ học được rằng bé có thể tin cậy nơi bố mẹ. Đó là cách bé học làm thế nào để tin cậy được vào người khác. Đây đồng thời là cách khiến bé biết cách làm sao để hình thành và phát triển nhu cầu hòa nhập xã hội. Và năm đầu tiên chính là năm quan trọng nhất cho việc xây dựng mối quan hệ ràng buộc này với con bạn.
Sự tham gia xã hội.
Bạn dạy bé về sự cho và nhận trong mối quan hệ với người khác bằng cách vui đùa, khôi hài. Các chuyên gia gọi đây là sự tham gia xã hội. Bé làm một cái gì đấy, và bạn đáp lại chúng. Bé làm lại, và bạn nhắc lại cả âm thanh lẫn hành động. Sự biến đổi này liên tục, và liên tục cho đến khi bé mệt nhoài, bé đưa mắt hay ngoảnh đi chỗ khác tìm các thứ khác thú vị hơn, hoặc nhắm mắt lại. Bạn cần hiểu rằng: Đấy là cách riêng của bé cố gắng cho bạn biết bé không còn hứng thú với trò chơi này lắm đâu. Đó là dấu hiệu đã tới lúc cần dừng lại một chút. Một thời gian sau đó (dài ngắn tùy theo mỗi trẻ), trẻ sẽ bắt đầu tự mình khơi mào trò chơi này khi ngồi bên bạn, muốn bạn tham gia chơi lại trò chơi mà với bé đã từng khá hứng thú.
Dưới đây là vài ví dụ trò chơi xã hội hiệu quả:
Bạn ôm bé, há miệng to, rộng và ngọ nguậy lưỡi của mình. Bé quan sát và sau đó bắt chước theo.
Con bạn nói: "dadada", bạn nhìn bé và lặp lại âm thanh giống vậy. Sau đó, đợi bé nhắc lại lần nữa.
Bạn che mắt lại, sau đó bỏ tay ra và nói thật sinh động "Ú òa" với sự ngạc nhiên lớn. Bé sẽ kêu ré lên vui vẻ. Bạn làm lại.
Bạn lắc chùm chìa khóa và bé chụp lấy chúng. Bạn khuyến khích bé về niềm vui sở thích khám phá thế giới xung quanh.
Bé cảm thấy vui mừng với một quả bóng đỏ tươi. Bé lăn quả bóng tới trước mặt bạn. Bạn lăn bóng trả lại cho bé. Trò chơi tiếp tục diễn ra trong một khoảng thời gian.
Khi bé trường thành và phát triển thêm nhiều kỹ năng mới, bé sẽ thường xuyên muốn bạn chơi cùng với bé. Chơi cùng nhau là cách bé học cách cho - nhận liên quan tới mọi người xung quanh. Hãy cố gắng mỗi ngày dành thời gian bên cạnh bé làm những điều tương tự như sau:
Chơi trò chơi "giả vờ": Giả vờ bố mẹ đưa con đi picnic, giả vờ con tập làm cô giáo, giả vờ con đưa bạn búp bê bị ốm tới bác sĩ, giả vờ con làm chú lính cứu hỏa...
Để bé giúp bạn những việc lặt vặt: chuẩn bị bữa tối, sắp xếp quần áo đã được giặt là xong.
Đi dạo bộ, sưu tập những chiếc lá, đếm những xe máy hay ô tô trên đường, xem màu xe nào con thích nhất.
Đọc sách cùng nhau, cùng kể hoặc sáng tác những câu chuyện.
Nói về những thứ mà bạn và bé đã làm trong suốt ngày hôm đó.
Thăm các sân chơi và chơi cùng bé trong các khu vực: cầu trượt, hố cát...
Tạo ra cũng như chụp các bức tranh, bức ảnh về các thành viên trong gia đình. Trao đổi về tranh/ ảnh đó.
hơi các trò chơi domino liên quan tới bảng hình ảnh.
Dạy bé sự đồng cảm:
Sự đồng cảm nghĩa là hiểu và quan tâm tới những người xung quanh đang nghĩ và cảm nhận như thế nào. Bạn bắt đầu dạy bé sự đồng cảm với người khác khi bạn đáp lại các nhu cầu của bé đúng lúc, đúng nơi, một cách đầy yêu thương ngay từ thời điểm bé chào đời. Sự đồng cảm với bé khi bé không vui, bạn có thể sẽ thấy bé làm gì đó với bạn. Bé có thể vượt qua và vỗ về lại bạn khi bé thấy rằng bạn buồn phiền, hoặc đưa bạn một thứ đồ chơi với bé rất yêu thích, hay bé sẽ đưa bạn một cái gối...
Bạn có thể dạy bé làm thế nào để nhận ra cảm giác của người khác, để quan tâm phù hợp tới những suy nghĩ của họ. Ví dụ: Khi bạn bé buồn, bạn nói: "Nhìn mặt bạn Tuấn xem. Hình như bạn ấy đang không vui. Chúng ta cùng tìm hiểu vì sao bạn ấy không vui nhé!".
Giúp bé học cách kết bạn:
Thậm chí ngay khi con bạn còn rất nhỏ, bạn có thể nhìn ra các dấu hiệu để bé tập kết bạn. Bé có thể bắt chước hành động của vài đứa trẻ khác làm với bé khi chúng muốn có sự tham gia của bé vào trò chơi với chúng. Bé có thể đưa cho bạn mình một đồ chơi, ý nói: "Tớ thích chơi với cậu đấy, chúng mình chơi cùng nhau nhé!". Khuyến khích những hành vi tích cực này. Sắp xếp thời gian cho bé chơi với các bạn cùng lứa tuổi. Cố gắng cung cấp thật nhiều đồ chơi và chất liệu chơi, nhờ vậy việc chia sẻ sẽ không vấp phải khó khăn, và bé không gặp vấn đề gì trong việc đề nghị người khác chơi chung. Điều này góp phần lớn vào sự kết bạn thành công của trẻ nhỏ.
Sau đó, sẽ tới lúc con bạn chuẩn bị tới trường. Hãy chuẩn bị toàn diện cả về sức khỏe và tâm lý cho bé: đưa bé đi khám sức khỏe, gọi tới các trường mầm non, nhà trẻ... con bạn sẽ vui hơn nhiều nếu bé biết cách kết bạn ở trường. Và mọi kỹ năng xã hội bạn dạy bé là những gì bé đã có sẵn để tiến hành kết bạn khi ở trường. Những năm tháng tại trường mầm non là khoảng thời gian vô cùng quan trọng để học cách kết nối với bạn bè, chia sẻ và đồng cảm...
Nếu trẻ không đáp lại hy vọng mong chờ của bạn.
Vài đứa trẻ, vì có vấn đề về khuyết tật cơ thể hay những nhu cầu đặc biệt, mà chúng không thể có những hành vi, cách hành động, suy nghĩ, phản ứng khiến cha mẹ vui lòng, hay đúng theo những gì cha mẹ muốn. Chúng có thể gặp nhiều khó khăn trên con đường hình thành nhân cách cá nhân. Chúng có thể không muốn gặp người khác, không muốn nghe người khác nói... Nếu điều này xảy ra với con bạn, đừng đổ lỗi cho bản thân hay trẻ. Có thể vấn đề là phải nhận dạng những khó khăn thật sự đang diễn ra. Nếu bạn linh cảm có điều gì đó không đúng, hãy lập một danh sách các điều khiến bạn lo lắng. Mang danh sách đó theo bạn đến trao đổi với bác sĩ, chuyên gia. Hỏi những câu hỏi tỉ mỉ cho tới khi bạn có câu trả lời thỏa đáng. Sự can thiệp của các chuyên gia trong trường hợp này càng sớm càng tốt.
Ngọc Mai mamnon.com