Giáo dục mầm non
   Thầy giáo mầm non độc nhất tại Hà Tĩnh
 

Nghề giáo viên cấp tiểu học thôi vốn đã ít có sự lựa chọn của cánh đàn ông. Với giáo dục mầm non, dường như lại càng là "địa hạt" của phụ nữ. Vậy mà, ở Hà Tĩnh, lại có duy nhất một người đàn ông làm cái nghề "gõ đầu trẻ" mầm non. Đó là thầy giáo Lương Xuân Phong ở Trường mầm non thị trấn Đức Thọ! Niềm đam mê của "mì chính cánh" Trong số 4.363 cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục mầm non Hà Tĩnh, thầy Phong là người đàn ông "độc nhất vô nhị". Anh gắn bó với nghề đã 6 năm nay. Trước khi là giáo viên mầm non, thầy Phong đã một thời ở trong quân ngũ. Vì có năng khiếu văn nghệ, nên Phong được đơn vị cử đi đào tạo tại trường nghệ thuật quân đội. Giải ngũ năm 1995, Phong ôm đàn đi phục vụ phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, ở huyện Đức Thọ, cứ nơi nào có liên hoan văn nghệ quần chúng, cơ quan nào cần "văn nghệ, văn gừng" thậm chí cả đám cưới, đám hỏi của bạn bè nếu cần "món" này, đều có mặt Phong. Lang bạt kỳ hồ với cây đàn trên vai, cuối cùng chàng lãng tử đã "cắm chốt" tại Trường mầm non thị trấn Đức Yên. "Tôi cũng không biết duyên phận xui khiến hay là gì nữa. Năm 2000, tôi được cô Phượng mời về tập văn nghệ cho trường, rồi được cô ký hợp đồng" - Phong tâm sự. Cô Phượng hiệu trưởng thì tự hào: "Chính tôi phát hiện ra Phong và không ngần ngại ký hợp đồng với cậu ấy". Hợp đồng mà Phong được ký là vừa làm bảo vệ, vừa đảm bảo các tiết dạy nhạc trong chương trình cho các lớp mầm non, với mức lương 800.000 đồng/tháng.

Thầy Phong trong giờ giảng dạy.

Nhưng, nghe Phong kể, mới hay anh có niềm đam mê thật sự với công việc này chứ chẳng phải là "cực bất đắc dĩ" như ai đó dè bỉu. "Thật ra, tôi thích nghề dạy học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn nếu vì tiền, mỗi lần đánh đàn phục vụ đám cưới, tiền công 300.000 đồng đâu có ít. Tháng phục vụ dăm bảy đám cưới, thu nhập bằng 3 lần dạy mầm non ấy chứ" - Phong nhỏ nhẹ. Lại có người chưa hiểu gì về Phong thì ác ý: "Tay ấy hâm hấp. Đàn ông mèng ra cũng dạy cấp 2 hay cấp 3, ai đời lại đi dạy mầm non, phần việc của các bà, các cô?!". Lúc đầu nghe, Phong cũng buồn nhưng rồi công việc dạy học, tình cảm của học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, khiến Phong thấy được điều cao đẹp, nghĩa lý của người thầy dạy học mầm non. Anh vượt qua được mặc cảm và gắn bó với nghề này cũng vì vậy!

Vừa làm bảo vệ vừa... tự học

Cô Trần Thị Thuỳ Trang - giáo viên cùng trường nhận xét: "Dạy mầm non cần đến sự tận tụy, trái tim thương yêu trẻ và đặc biệt là năng khiếu ca hát, âm nhạc. Chính âm nhạc là phương tiện tuyệt vời dễ cuốn hút trẻ mà thầy Phong lại có được năng khiếu này".

"Thầy Phong có tâm hồn yêu trẻ, có trái tim nhạy cảm, là người tài hoa, đàn hay, múa dẻo, hát ngọt. Thật may mắn khi trường chúng tôi có được người thầy giáo hi hữu như vậy. Hình như đó là chàng trai sinh ra để dạy... mầm non". Cô Nguyễn Thị Phượng
(Hiệu trưởng trường MN thị trấn Đức Thọ)
Thật ra không phải thế. Phong đã mày mò, tự học, tự bồi dưỡng. "Lúc đầu, tôi nhận làm bảo vệ cho trường là để tự học, để có thời gian đi dự giờ đồng nghiệp và tìm hiểu tâm lý trẻ" - Phong nói. Chưa được đào tạo chính quy, Phong đã tham gia các lớp tại chức. Ban đêm, Phong đọc sách vở, tài liệu, nhất là những tài liệu liên quan đến đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Rảnh rỗi, anh lại lấy hộp xốp, vỏ bia làm những đồ dùng dạy học, tranh thủ vẽ tranh minh hoạ cho giờ giảng. Từ ngày Trường mầm non thị trấn Đức Thọ có Phong, không khí lớp học như vui tươi, sinh động hẳn lên. Học sinh không chỉ được học hát, mà còn được học đàn. Các hội thi "Bé khoẻ, bé ngoan", "Người công dân tí hon" có thêm bàn tay tài hoa của Phong thiết kế, tổ chức vẽ vời, tỉa tót càng thu hút được sự ham thích của các cháu. Việc làm hàng ngày của thầy Phong không chỉ đỡ vất vả rất nhiều cho các cô giáo, mà chất lượng dạy và học của trường cũng được nâng lên rõ rệt. Với tấm lòng yêu trẻ đặc biệt và sự tận tụy với nghề, Phong đã được vào biên chế. Năm 2002, Trường mầm non thị trấn Đức Thọ là một trong 20 cơ sở giáo dục mầm non cả nước được Bộ GD&ĐT chọn thí điểm chương trình Kismart (Bé học vui - Dự án Vụ GDMN chủ trì, hãng IBM tài trợ). Được Ban giám hiệu tín nhiệm, thầy giáo Phong lại lặn lội vào Huế tiếp thu chương trình để về triển khai cho giáo viên và học sinh. Không dừng lại ở đó, Phong lại tự học thêm tin học. Cùng đồng nghiệp, Phong đã rút ra được nhiều bài học khi tiến hành chương trình thí điểm, như thiết kế lại phòng học, đảm bảo an toàn cho trẻ khi học trên máy. Phong cũng đã kể với chúng tôi rất say sưa về ước nguyện làm sao đưa chương trình này đến với con em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. "Qua 5 năm thực hiện, tôi đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm. Nếu cơ sở giáo dục nào cần đến tư vấn, tôi sẵn lòng" - Giáo viên nam duy nhất trong nghề giáo dục mầm non ở Hà Tĩnh khẳng định, với niềm nhiệt huyết.

Theo Giadinh.net

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


mn_smc

Thầy giáo mầm non - những người đáng trân trọng.
Ngày gửi: 10/31/2008 8:20:17 AM

Thật ra mình cũng không ngạc nhiên lắm, bởi vì nơi mình công tác có rất nhiều các thầy mầm non, tuy nhiên các thầy chủ yếu là giáo viên tiểu học chuyển dạy mầm non, vì những nơi hẻo lánh, đường giao thông đi lại khó khăn chỉ có các thầy mới có thể tới nơi được. Hiện nay địa phương mình có rất nhiều các thầy đang đảm nhiệm Hiệu trưởng, các thầy làm việc rất tốt, mình rất khâm phục. Việc làm thầy giáo mầm non là điều đáng trân trọng, mình mong rằng có nhiều thầy thì sẽ có nhiều đồng nghiệp chia sẻ khó khăn vất vả với chị em phụ nữ chúng mình. Chúc thầy Phong và các Thầy đang và sẽ là GVMN thành đạt và thành công trong công việc.


guest
Đừng làm cho những người làm thầy cô thấy tủi hơn nữa...
Ngày gửi: 10/31/2008 10:45:23 AM


Nên đưa những bài viết về giáo duc MN lên những trang web, báo mang tính xã hội và phổ biến chứ quanh quẩn những trang web về giáo dục, đọc giả là giáo viên, người giáo dục thì chỉ cảm thấy buồn tủi cho cái nghề mà chẳng làm được gì.



guest

thư cám ơn!
Ngày gửi: 11/1/2008 4:01:07 PM

Tôi rất cảm phục thầy. Hãy làm theo những gì mình muốn.


guest
Cảm ơn thầy!
Ngày gửi: 11/6/2008 11:48:27 AM


Hiện em đang học năm thứ 3 chuyên ngành Mầm Non tại Trường Đại Học Tây Bắc. Em thấy cảm phục thầy. Nhiều khi em cũng cảm thấy chán nản vời nghề "Cô nuôi dạy trẻ" nhưng khi đọc bài viết về thầy thì em tự tin với nghành mà mình đang học hơn, nghề mà không được mọi người đánh giá và coi trọng như những nghề khác. "Trẻ em như tờ giấy trắng" chính vì thế cần những người yêu nghề và tận tình như thầy. Chúc thầy luôn yêu nghề và yêu trẻ những Mầm non tương lai của Đất Nước



guest

Người thầy
Ngày gửi: 11/13/2008 9:38:02 PM

Tôi thấy rất khâm phục thầy quả là một người có tấm lòng yêu trẻ thơ thì mới có thể theo nghề này được. Chuẩn bị đến ngày nhà giáo Việt Nam xin chúc thầy sức khỏe, hạnh phúc, hãy vì những mầm non thân yêu thầy nhé!


guest
Người thầy đáng kính.
Ngày gửi: 12/6/2008 8:51:28 AM


Em cũng là một giáo viên Mầm Non, em thực sự thấy nghề Mầm Non rất vất vả. Nhiều khi em cảm thấy chán nản và muốn bỏ nghề để đi tìm một nghề khác có lương cao hơn. Nhưng khi đọc bài viết` về thầy em thấy rất đáng khâm phục. Em tự hào về nghề của mình đang làm. Cho dù mọi người có nghĩ gì thì cô giáo Mầm Non vẫn là những người đặt nền móng đầu tiên cho những mầm non của đất nước.



guest

Tin vui đến với mầm non.
Ngày gửi: 12/12/2008 2:34:36 PM

Cảm ơn bạn Phong bạn đã chọn cho mình một cái nghề mà hầu như nam giới có lẽ không chọn. Bạn nhóm ngọn lửa tinh thần đến với chúng mình đó, chỉ vậy thôi chúng mình đã thấy càng tin rằng nghề mình chọn là không lầm. Vì xã hội "người ta đi đông đi tây, kiếm về bạc triệu ngày ngày hả hê. Riêng tôi chọn nghề giáo viên, lại là mẫu giáo lắm phiền nhiều lo...."song các bạn có cùng tình yêu đó chúng ta hãy thổi lên ngọn lửa rực hồng để nghề ta mãi mãi tươi vui !


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Mẫu giáo có nguy cơ đóng cửa vì… tăng giá ăn (29/10)
 Nhiều giáo viên mầm non ở Sơn Dương, Tuyên Quang: Bị chồng “hành” vì... lương!? (28/10)
 Chỗ học cho trẻ mầm non Hà Nội: "Liệu cơm gắp mắm" (25/10)
 “Mái Nhà Xanh” trong trường mầm non (25/10)
 Giáo viên mầm non vật lộn với áp lực (23/10)
 Quá tải tại các Trường mầm non ở Hà Nội: Thiếu quỹ đất xây trường (23/10)
 Trường tư thục “hút” hết cô giáo trường công lập (22/10)
 Hà Nội: Nhiều trường mầm non quá tải gấp 2 - 3 lần (21/10)
 Ngày 20/10 viết về “Người Mẹ thứ hai”. (21/10)
 Họp giao ban lãnh đạo Phòng GD-ĐT (20/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i