Theo bà Bùi Phương Nga, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ năm học 2006-2007, chương trình Giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản chính thức được đưa vào chương trình học từ lớp 1. Chương trình sẽ góp phần giảm thiểu vấn đề nhức nhối trong lứa tuổi thanh niên, vị thành niên hiện nay, như: mang thai ngoài ý muốn, nhiễm HIV/AIDS…
Câu chuyện về bộ giáo trình giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản do Bộ Giáo dục-Đào tạo soạn thảo bắt đầu được nói đến từ những năm 1980, nhưng 20 năm sau mới hoàn thành. Theo Bộ giáo dục-Đào tạo, lý do của sự chậm chễ này là phải tiến hành thử nghiệm rồi mới thực hiện đại trà. Mặc dù đây là bước tiến rất lớn của ngành giáo dục trong việc dạy dỗ học sinh về vấn đề “nhạy cảm”, song nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại việc tổ chức thực hiện tại các trường học sẽ có nhiều khó khăn. Nhiều giáo viên khi được tập huấn về các bài giảng sinh sản ở người, hướng dẫn vệ sinh tuổi dậy thì còn tỏ ra ái ngại. Họ băn khoăn rằng, dạy cho các em những điều đó có phải “vẽ đường cho hươu chạy”. Còn các bậc phụ huynh không phải ai cũng nhất trí với việc giảng dạy môn học này. Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng, đến khi lớn trẻ sẽ tự biết… Những điều mà cả nhà trường và gia đình đang tránh né đã vô tình làm hại trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trung tâm Nghiên cứu về Giới và Gia đình cho rằng: “Chúng ta đã để muộn vấn đề này - một vấn đề đáng ra phải tiến hành từ lâu. Thanh niên, vị thành niên chính là thế hệ tương lai của đất nước, là lực lượng lao động chủ yếu, vậy mà chúng ta dường như không mấy chú ý chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên…”
Theo ông Lê Văn Cầu, đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, điểm yếu nhất của thanh niên bây giờ là thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, khi gặp khó khăn, họ không biết giải quyết ra sao và tìm sự trợ giúp ở đâu… Đây là hệ quả của sự tránh né không nên có.
Các kết quả điều tra cho biết, đa số thanh niên Việt Nam đều biết ít nhất một biện pháp tránh thai, nhưng có tới 80% số thanh niên lại không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Cứ 5 thanh niên Việt Nam độ tuổi 15- 24 thì có một người có quan hệ tình dục.
Một thực tế nữa là, 65% số ca mới lây nhiễm HIV ở Việt Nam lại rơi vào thanh niên độ tuổi 15-19… Những điều này đặt cả họ và bạn tình trước nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nguy hiểm nhất là HIV/AIDS… Đến lúc này, đã chậm 20 năm, trẻ vị thành niên, thanh niên Việt Nam đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi về giáo dục giới tính. Tuy nhiên theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu về Giới và Gia đình, muộn vẫn còn hơn không và mọi chuyện vẫn còn có cơ hội để sửa chữa.
Ông Ian Howie - đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho rằng: “Các cơ quan của Việt Nam nên giúp giới trẻ cảm thấy khoẻ mạnh, được cung cấp thông tin, giúp trẻ tự tin hơn nữa…”.
Để tăng cường sự hiểu biết về giới tính và chăm sóc sức khoẻ sinh sản, trẻ em - đặc biệt là trẻ vị thành niên cần được cha mẹ cảm thông và gần gũi, được thầy cô giáo chia sẻ và giúp đỡ. Tuy chương trình giáo dục giới tính đã bắt đầu dạy theo hệ chính khoá từ năm nay nhưng chừng đó là chưa đủ đối với lứa tuổi vị thành niên vốn rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương và bồng bột… Bộ sách giáo khoa vừa được phát hành mới chỉ là điểm khởi đầu cho một quá trình thay đổi nhận thức của cả thầy và trò, cả phụ huynh và học sinh trước một vấn đề vẫn bị né tránh lâu nay: Vấn đề giới tính và sức khoẻ sinh sản.
Theo VOV.