Năm 2007, số lượng học sinh ngoài công lập ở bậc học mầm non tăng gấp nhiều lần năm 2001, trong đó, có 88 nhóm trẻ gia đình; 7 trường mẫu giáo bán công, dân lập, tư thục... Số học sinh mầm non ngoài công lập chiếm tỷ lệ đáng kể. Thế nhưng, những con số “đáng phấn khởi” chỉ tập trung ở các quận trung tâm thành phố. Những quận, huyện còn lại gặp không ít khó khăn...
Xã hội hóa bậc học mầm non: hiệu quả thấy rõ...Trường Mầm non Tư thục Thanh Xuân, quận Ninh Kiều được thành lập năm 1997, có 3 phòng học với 75 học sinh đầu tiên. Đến năm học 2006-2007, trường có 800 cháu học ở 21 lớp (6 lớp nhà trẻ, 15 lớp mẫu giáo). Sau 10 năm thành lập, Trường Mầm non Tư thục Thanh Xuân phát triển rất nhanh. Từ 3 phòng học được xây dựng đầu tiên, hiện nay toàn trường có 21 phòng học, phòng năng khiếu, phòng vi tính, hồ bơi... Đi đôi với sự phát triển số lượng học sinh, đội ngũ cán bộ giáo viên cũng không ngừng tăng về số lượng và nâng cao chất lượng. Hiện nay, trường có 70 cán bộ giáo viên vững vàng về chuyên môn nên hàng năm chất lượng học sinh được nâng lên, việc chăm sóc trẻ luôn đạt trên mức khá. Cô Lê Thị Kim Em, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tư thục Thanh Xuân, cho biết: “Hàng năm, nhu cầu của phụ huynh quá lớn nên trường phải tuyển đầu vào. Năm học vừa qua, trường xây thêm một phòng học làm phòng thư viện nhưng do phụ huynh yêu cầu mở thêm lớp, trường đành phải dùng phòng thư viện để tuyển thêm một lớp 3 tuổi”. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, có con từng học tại Trường Mầm non Tư thục Thanh Xuân, nay đã vào lớp 1 nói: “Lúc 3 tuổi, con tôi biếng ăn có nguy cơ suy dinh dưỡng nhưng khi đưa vào Trường Mầm non Tư thục Thanh Xuân học, được chăm sóc chu đáo, con tôi đã tăng ký theo từng năm học. Vì thế, tôi thường giới thiệu người quen cho con vào đây học”.
|
Trong một lớp học của Trường Mầm non Tư thục Thanh Xuân. |
Theo bà Lê Thị Thảnh, Trưởng Phòng Giáo dục quận Ninh Kiều: Toàn quận hiện có 6 trường mầm non tư thục và nhiều nhóm trẻ gia đình hoạt động có hiệu quả, thu hút được nhiều phụ huynh, như: Mầm non tư thục Sao Mai, Mầm non Tư thục Thanh Xuân... và những trường này đã giảm bớt gánh nặng về kinh phí cho ngành giáo dục. Đơn cử như từ khi thành lập đến nay, Trường Mầm non Tư thục Thanh Xuân tự cân đối nguồn thu mở rộng trường lớp, đầu tư trang thiết bị và ngày càng phát triển, có uy tín.
Theo sự phát triển của thành phố nói riêng và xã hội nói chung, khi mà ngày càng có nhiều gia đình trẻ, trong đó vợ, chồng đều đi làm thì nhu cầu trường mầm non ngoài công lập ngày càng tăng, trong khi hệ thống các trường công lập không thể đáp ứng đủ. Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó trưởng Phòng Giáo dục quận Bình Thủy, nhận định: “Hầu hết trường mầm non, mẫu giáo của quận Bình Thủy đều rất nhỏ hẹp, không thể đáp ứng nhu cầu gởi con theo học của CBVC chứ chưa nói quận là địa phương có nhiều gia đình công nhân. Hệ thống giáo dục ngoài công lập đã góp phần lớn trong việc giải quyết nhu cầu và nâng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp”. Được biết hiện xung quanh khu công nghiệp Trà Nóc có hơn 11 nhóm trẻ gia đình hoạt động nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Sự ra đời và hoạt động của các trường mầm non, mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ gia đình là một tất yếu khách quan và cũng là mot khía cạnh lớn trong xã hội hóa giáo dục, mấy năm qua đã cơ bản chứng tỏ hiệu quả... Tuy nhiên còn nhiều vấn đề diễn ra trên thực tế cần phải bàn.
Còn đó bất cậpỞ các huyện vùng ven, tình hình xã hội hóa các trường mầm non chỉ tiến hành tốt ở các quận trung tâm như Ninh Kiều, Bình Thủy. Ở các quận, huyện này chuyện “xã hội hóa” dường như chỉ xuất hiện trong phát biểu tại các hội nghị, trong các văn bản báo cáo. Thực tế không đến nỗi “bi đát” nhưng cũng làm những người có trách nhiệm phải quan tâm: đơn cử Trường Mầm non Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ chỉ thu nhận tối đa có 380 cháu - trong đó có 120 cháu bán trú - điểm chính có 3 phòng học bán kiên cố dành cho 200 cháu. Số còn lại phải học nhờ nhà dân ở 7 điểm lẻ. Điểm chính của Trường Mẫu giáo Nhơn Ái, huyện Phong Điền diện tích chỉ khoảng 300 m2 , phòng học bằng cây tôn nhưng trên 200 cháu theo học... Cô Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Xuân, tâm sự: “Để đảm bảo bù lấp phần nào kinh phí với thu chi, các khoản thu của trường đối với học sinh một buổi chỉ trên dưới 100.000 đồng/1 năm học nhưng mỗi năm chỉ thu được khoảng 50%. Nếu đòi đóng học phí nhiều, phụ huynh lại cho con nghỉ học”. Có thể nói, hầu hết các trường mầm non vùng ven đều rơi vào tình trạng không thể thu đủ tiền học phí và xây dựng, dù rằng khoản tiền này rất thấp so với các điểm trường ở các quận trung tâm thành phố. Nguyên nhân chỉ vì cuộc sống nông thôn còn nhiều khó khăn, khả năng đóng góp của các bậc phụ huynh có hạn, nhiều người cho rằng phải đóng tiền để con em học trong những trường lớp ọp - ẹp là không thỏa đáng.
Vùng ven lại càng có rất ít khả năng thu hút được nhà đầu tư. Việc mở trường tư thục như trường: Mầm non Thanh Xuân, Sao Mai, Phan Đình Phùng ở quận Ninh Kiều sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư giáo dục, dù họ có nhiệt tâm đến mấy. Hiện tại, với khoản thu ít ỏi của các trường công lập mà còn khó thu thì việc mỗi tháng phụ huynh phải bỏ ra mấy trăm ngàn đồng để con em học bán trú mầm non là điều khó. Ngay cả việc học hay không học mẫu giáo vẫn có thể vào học lớp 1 khiến nhiều phụ huynh chọn giải pháp cho con không học mẫu giáo, vừa đỡ tốn kém tiền bạc vừa đỡ mất thời gian đưa đón...
Hướng mở nào?Thành phố Cần Thơ phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ trẻ em ngoài công lập trong các nhà trẻ đạt 70%, mẫu giáo đạt 80%. Bà Lê Thị Thảnh, Trưởng phòng Giáo dục quận Ninh Kiều nói rằng ngành giáo dục quận đang từng bước thực hiện xã hội hóa bằng hình thức cuốn chiếu và phấn đấu đến năm 2010 sẽ thực hiện được chỉ tiêu. Tuy nhiên, bà Thảnh cũng thừa nhận rằng nếu như quận Ninh Kiều có nhiều thuận lợi để thực hiện xã hội hóa vì đáp ứng được nhu cầu của người dân thì ở các quận, huyện vùng ven vẫn là bài toán nan giải. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục Cờ Đỏ, thừa nhận: “Huyện đang từng bước thực hiện xã hội hóa ở những điểm thuận lợi. Tuy nhiên, đến năm 2010 chắc chỉ thực hiện được khoảng 30% số trường trong huyện mà thôi”.
Hầu hết cán bộ quản lý ở các huyện vùng ven đều cho rằng để thực hiện được xã hội hóa giáo dục bậc học mầm non ở các vùng ven thì trước tiên phải đầu tư cơ sở vật chất thật tốt cho các điểm trường công lập. Khi trường lớp khang trang thì việc yêu cầu phụ huynh cùng đóng góp để chăm lo cho trẻ sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng cần tham mưu với thành phố những chính sách ưu đãi cần thiết về đất, về thuế... để thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần tăng cường tuyên truyền trong phụ huynh về chương trình sách giáo khoa mới rất cần cho trẻ học mẫu giáo trước khi vào lớp 1, vận động và tạo điều kiện để tư nhân mở trường.