Giáo dục mầm non
   Đã đến lúc phải lo cho giáo dục mầm non
 
Trong buổi lễ giới thiệu và giao nhiệm vụ cho tân Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: “So với các bậc học khác, đến nay chúng ta chưa lo được nhiều cho giáo dục mầm non. Đây là một mảng còn yếu của giáo dục Việt Nam mà Bộ trưởng và toàn ngành cần cố gắng khắc phục trong thời gian ngắn nhất ”. Sau đó không lâu, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015” do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban Chỉ đạo và Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai làm Phó Trưởng ban Thường trực. Từ cấp quản lý cao nhất đã có những động thái thể hiện nỗ lực vượt bậc nhằm tạo bước phát triển đột phá cho bậc học này, thể hiện rõ tính chất ưu việt của chế độ ta. Sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên TTXVN và Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai về chủ đề nói trên:



* Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục mầm non đối với việc phát triển thể lực, nhân cách, trí tuệ của trẻ em ? Vị trí của bậc học này trong hệ thống giáo dục quốc gia? Những cơ sở khoa học và thực tiễn của Đề án “Phát triển Giáo dục Mầm non 2006 - 2015''?

Lứa tuổi mầm non có vị trí rất quan trọng trong suốt quá trình phát triển cuộc đời của mỗi con người. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học dưới góc độ sinh lý, tâm vận động, tâm lý xã hội... đã khẳng định sự phát triển của trẻ từ 0 - 6 tuổi là giai đoạn phát triển có tính quyết định để tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai. Những kết quả nghiên cứu về sự phát triển đặc biệt của não bộ trong những năm đầu tiên của cuộc đời, những nghiên cứu về ảnh hưởng và ích lợi của các dịch vụ GDMN có chất lượng đã khiến các Chính phủ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam ngày càng quan tâm phát triển GDMN.

Không có mô hình chung cho GDMN ở tất cả các nước. Tuy nhiên, vai trò của giáo dục ngày càng được coi trọng đối với mọi quốc gia. Đến nay có 160 nước và các tổ chức quốc tế đã cam kết coi GDMN là một mục tiêu quan trọng của giáo dục cho mọi người. Thụy Điển coi giai đoạn mầm non là “thời kỳ vàng của cuộc đời'' và thực hiện chính sách : trường mầm non là trường tự nguyện do chính quyền địa phương quản lý, trẻ 5 tuổi có thể theo học không mất tiền, 3 tiếng/ngày. Ở New Zealand, Chính phủ hỗ trợ cho các loại trường GDMN dựa trên kết quả họat động mà các cơ sở đó đã đạt được. Điều kiện được nhận hỗ trợ là cơ sở GDMN phải đáp ứng được các Chuẩn do Bộ Giáo dục đưa ra. Chính phủ hỗ trợ 50% chi phí hoạt động của các cơ sở GDMN không phân biệt cơ sở công lập hay tư thục. Phần còn lại do cha mẹ đóng góp. Các gia đình khó khăn về thu nhập hoặc có con ở tuổi mầm non bị khuyết tật có thể làm đơn xin miễn đóng góp. Luật hệ thống giáo dục quốc gia Indonesia đã công nhận GDMN là giai đoạn tiền đề cho hệ thống giáo dục cơ bản. Luật Giáo dục của Thái Lan nhấn mạnh gia đình và Chính phủ phải cùng chia sẻ trách nhiệm đối với GDMN nhằm thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Ở nước ta, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giáo dục mầm non, xác định nhiệm vụ GDMN là thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ ba tháng tuổi đến sáu tháng tuổi nhằm giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp một. Giáo dục mầm non có vị trí là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đề án Phát triển GDMN giai đoạn 2006-2015'' đã thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển giáo dục mầm non thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp thu các lý luận và kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới. Đề án cũng đã tổng kết, phân tích và đánh giá thực trạng giáo dục mầm non cả nước và mỗi vùng miền trong hơn 10 năm qua; trên cơ sở đó, đặt yêu cầu phát triển giáo dục mầm non trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. Đề án đã được đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành, các Sở Giáo dục và Đào tạo nên có tính khả thi cao.

* Xin Thứ trưởng cho biết mục tiêu, các nội dung và giải pháp chính của Đề án “Phát triển giáo dục mầm non 2006-2015'' ? Làm thế nào để đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện Đề án ?

Đề án có các mục tiêu cụ thể sau đây: Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non đủ về số lượng, được đào tạo để có 80% giáo viên đạt chuẩn tạo năm 2010 và 100% năm 2015; Củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp, bảo đảm nhu cầu gửi trẻ tại các nhà trẻ, nhóm trẻ từ 15% năm 2005 lên 20% năm 2010 và 30% năm 2015; Tăng tỷ lệ trẻ đến trường, lớp mẫu giáo lên 75% năm 2015; Nâng tỷ lệ các cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn quốc gia từ 9% năm 2005 lên 20% vào năm 2015.

Giáo dục mầm non ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo có bước phát triển vững chắc về quy mô, bảo đảm các yêu cầu cơ bản về chất lượng, từng bước đạt ngang bằng tỷ lệ chung của toàn quốc. Từ năm 2006 đến 2010 đầu tư kinh phí để đào tạo và bồi dưỡng đạt trình độ chuẩn cho khoảng 3000 giáo viên; trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo các tiêu chí đạt chuẩn cho khoảng 2500 cơ sở giáo dục mầm non ở các vùng này; Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Phấn đấu để tỷ lệ trẻ em đạt chuẩn phát triển là 80% vào năm 2010 và 95% vào năm 2015, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các cơ sở giáo dục mầm non xuống dưới 12% vào năm 2010 và dưới 10% vào năm2015; Tăng tỷ lệ các bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi mầm non được cung cấp và áp dụng kiến thức, kỹ năng cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, đạt 70% vào năm 2010 và 90% vào năm 2015.

Nguồn vốn Đề án phát triển giáo dục mầm non gồm: Vốn từ ngân sách nhà nước bố trí trong chương trình mục tiêu quốc gia và dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách cùng các nguồn hợp pháp khác. Dự kiến tổng nguồn vốn hơn 5.100 tỷ đồng trong 10 năm 2006-1015.

* Có ý kiến cho rằng so với các bậc học khác, giáo dục mầm non hiện còn thiếu sự đầu tư thỏa đáng. Nhiều ý kiến băn khoăn là vì sao ở các bậc học cao hơn lại được đầu tư thành lập các trường công lập là chính, trong khi đó giáo dục mầm non lại “bị thả nổi” với số trường bán công, tư thực, dân lập do dân đóng góp là chính. Điều này có trái với quan điểm “dành những gì tốt nhất cho trẻ em'' hay không ?

Thực tế những năm qua, do điều kiện của đất nước, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp. Do đó, ngân sách nhà nước tập trung chủ yếu cho các bậc học khác để thực hiện các mục tiêu quốc gia như: Phổ cập giáo dục tiểu học (bắt đầu từ năm 1991 đến nay). Phổ cập giáo dục Trung học (từ năm 2004 đến nay) và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Giáo dục mầm non vừa qua được cho chưa phải là mục tiêu ưu tiên của Nhà nước. Kể từ khi có Quyết định số 161/2002/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, vị trí của Giáo dục mầm non được khẳng định trở lại và bắt đầu được các cấp lãnh đạo và nhân dân quan tâm hơn. Nhưng trên thực tế, do tập trung cho các bậc học khác nên cho tới nay, Đảng và Nhà nước chưa lo được nhiều cho giáo dục mầm non. Việc lo cho các bậc học khác tới nay chưa phải là đã đủ nhưng đã đến lúc lo cho giáo dục mầm non, mở đầu bằng việc phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015 và tổ chức thực hiện trên thực tế.

Khác với các bậc học khác, công lập là chủ yếu, giáo dục mầm non được cho là bậc học cần thực hiện xã hội hóa nhiều hơn. Trên thế giới, không một Chính phủ nào đủ sức lo cho cả một nền giáo dục. Mà chỉ lo được một phần mà thôi, còn lại chủ yếu là dân lo. Tuy vậy với nước ta, nhà nước lại chú ý phát triển công lập từ giáo dục tiểu học, Giáo dục trung học và Đại học. Gần đây, Luật Giáo dục đã bắt đầu mở rộng hơn cho giáo dục ngoài công lập cho các bậc học này. Giáo dục mầm non có gần 62,1% số trường, lớp là ngoài công lập thu hút 80% số trẻ độ tuổi nhà trẻ, 70% số trẻ mẫu giáo đến trường lớp. Thực hiện Đề án mới, giáo dục mầm non công lập sẽ được phá triển tại các vùng có nhiều khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo và công lập tự chủ hoàn toàn đối với một số thành phố. Vùng kinh tế phát triển, khuyến khích phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục; các vùng còn lại chủ yếu là mầm non dân lập.

Nếu chưa làm rõ được cơ chế Nhà nước hỗ trợ các trường dân lập như quy định tại Nghị định số 75/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục, chưa cải tiến việc phân bổ ngân sách hướng tới người học (tức trên mỗi trẻ không phân biệt công lập, ngoài công lập theo một cơ chế thích hợp), chưa làm chuyển biến nhận thức của cán bộ các cấp chính quyền và một bộ phận nhân dân về giáo dục mầm non mà chỉ xã hội hóa nhằm để dân lo, thì câu chuyện “dành những gì tốt nhất cho trẻ“ được nêu lên trước đây, thực tế trong 10 năm qua và trong tương lai gần, việc triển khai trong thực tế Nghị quyết 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ có lẽ vẫn chưa thực hiện được.

* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng !

Theo Báo Cần Thơ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Ngành mầm non TPHCM: Sơ kết HKI – 31 tập thể, 104 cá nhân được khen thưởng. (14/2)
 “Hậu tiêu cực”: Xin đừng đánh mất niềm tin! (8/2)
 Sáng kiến từ tình yêu thương trẻ (7/2)
 Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường mầm non giảm 4,8% (5/2)
 Sẽ không có bán công trong giáo dục mầm non (1/2)
 MNBC Quận Tân Bình - TPHCM: Vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng nhì (31/1)
 Đổi mới phương pháp dạy học Mới chỉ là "phong trào"? (29/1)
 Trẻ khuyết tật được can thiệp sớm tiến bộ đáng kể về nhận thức, ngôn ngữ (26/1)
 Quản lý các nhóm, lớp mầm non tư thục ở Hà Nội (23/1)
 Phát triển trường lớp mầm non TPHCM: Mừng mà lo. (18/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i