Mẹ bầu có thể ăn mì tôm trong quá trình thai kỳ và nó có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Trong thời kỳ mang thai, chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và bé. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, mì tôm là món ăn nhanh, tiện lợi và được nhiều người ưa chuộng, nhưng xét về mặt dinh dưỡng, mì tôm không phải là lựa chọn tốt nhất cho mẹ bầu.
Mì tôm chủ yếu bao gồm tinh bột và chất béo, trong khi hàm lượng chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất lại rất thấp. Đặc biệt, mì tôm chứa nhiều muối và chất bảo quản, không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Mì tôm không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, và mẹ bầu cần chế độ ăn đa dạng, giàu protein, vitamin và khoáng chất để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Hàm lượng muối cao trong mì tôm có thể gây ra hiện tượng tăng huyết áp, phù nề và các vấn đề liên quan đến thận. Chất bảo quản và phụ gia trong mì tôm cũng có thể gây hại cho sức khỏe, gây ra các vấn đề tiêu hóa, dị ứng và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, mì tôm chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể dẫn đến tình trạng tăng cân không kiểm soát và các vấn đề về tim mạch cho mẹ bầu.
Mẹ bầu không nên ăn mì tôm quá thường xuyên. Mỗi tuần chỉ nên ăn 1-2 lần để tránh việc dung nạp quá nhiều muối và chất bảo quản.
"Mẹ bầu có thể ăn mì tôm nhưng phải cải tiến cách nấu để đảm bảo dinh dưỡng" , PGS Nguyễn Thị Lâm nói và cho biết, cần hạn chế tần suất và số lượng mì tôm ăn vào cơ thể.
Nếu thèm ăn mì tôm, mẹ bầu nên kết hợp với các loại rau xanh, thịt, trứng để tăng cường đạm, chất xơ, dưỡng chất, không ăn gói mì tôm nguyên bản. Điều này giúp giảm bớt tác hại của mì tôm và cung cấp thêm dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra khi chế biền mỳ chỉ nên cho 1/3 gói gia vị để bớt vị mặn.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại mì tôm dành cho người ăn kiêng hoặc không chứa chất bảo quản. Mẹ bầu có thể lựa chọn những sản phẩm này để giảm thiểu tác hại.
Để có thai kỳ khoẻ mạnh, mẹ bầu nên ưu tiên các thực phẩm tươi sống, giàu dinh dưỡng và tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khi cần thiết. Việc ăn uống khoa học và cân đối sẽ giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển tốt và giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe trong tương lai.
Theo VTC News