Dưới đây là một số lời khuyên giúp phụ huynh ứng phó nếu con nói tục, chửi bậy.
Trẻ cần biết rằng chửi thề là cách thể hiện cảm xúc thô lỗ. (Ảnh: ITN).
Theo một cuộc khảo sát, 86% cha mẹ đồng ý rằng trẻ em từ 2 đến 12 tuổi ngày nay nói tục, chửi bậy nhiều hơn so với khi họ còn nhỏ.
Chửi thề là cách thể hiện cảm xúc thô lỗ. Tệ nhất là nó thực sự cản trở khả năng mô tả những trải nghiệm cảm xúc của một người. Vì vậy, cho dù một đứa trẻ nghe thấy những điều không hay từ người lớn, ở trường hay trên TV, điều quan trọng là cha mẹ cần giúp trẻ hiểu tác hại của chúng.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp phụ huynh ứng phó nếu con nói tục, chửi bậy:
Tránh phản ứng thái quá
Cho dù con bạn ở độ tuổi nào, hãy giải quyết vấn đề đó ngay lập tức với thái độ bình tĩnh. Đối với trẻ từ 6 tuổi trở xuống, hãy bắt đầu bằng lời nhắc đơn giản như: "Con không bao giờ được phép chửi thề".
Đối với những trẻ lớn hơn, có khả năng suy nghĩ trừu tượng hơn, bạn nên giải thích tại sao chửi thề là không được phép. Mục tiêu của bạn là đảm bảo giúp con bày tỏ cảm xúc, trò chuyện và thể hiện bản thân một cách tốt nhất.
Nếu con đã quen miệng với 1 hoặc 2 câu nói tục, bạn cần đưa ra những quy định để dạy dỗ bé. Bạn cần bình tĩnh, cố gắng đừng trở nên bực bội hoặc tức điên lên vì bé sẽ nghĩ rằng mình có khả năng làm bố mẹ chú ý.
Chỉnh đốn ngay từ khi trẻ bắt đầu chửi thề
Một số cha mẹ tin rằng việc chú ý đến những lời nói không phù hợp của trẻ sẽ chỉ khuyến khích hành vi đó nên họ chọn cách phớt lờ. Nhưng làm sao con biết được rằng chửi thề là hành vi xấu nếu bạn không dạy con?
Hãy hỏi con trước xem bé có hiểu từ mà bé sử dụng hay không. Nếu câu trả lời là "không", hãy giải thích rằng từ đó mang tính xúc phạm, ảnh hưởng đến người khác và điều đó không được chấp nhận.
Nếu con hiểu được từ đó, hãy kể cho con một câu chuyện để con hiểu vì sao mình không được phép dùng từ đó.
Đừng bị cám dỗ bởi sự nổi tiếng trên mạng xã hội
Có khi, một đoạn video quay cảnh đứa trẻ chửi thề là lý do khiến con bị thu hút và nghĩ rằng hành vi này thật ngầu. Điều này vô cùng nguy hiểm. Tốt nhất cha mẹ nên hạn chế nội dung con tiếp cận trên nền tảng mạng xã hội.
Hãy trung thực
Khi bạn khiển trách con, con có thể vặn lại: "Nhưng con đã nghe bố/mẹ nói rồi mà". Trong tình huống này, bạn nên chống lại sự thôi thúc phủ nhận hoặc biện minh cho lời chửi thề của chính bạn.
Thay vào đó, hãy thừa nhận rằng bạn cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát những gì mình nói. Bằng cách đó, bạn sẽ không tạo ra một tiêu chuẩn kép - và bạn sẽ nhận được thêm lợi ích là khiến con cảm thấy như đang đối mặt với một vấn đề của người lớn.
Tìm từ mới
Hãy ngồi xuống cùng con và suy nghĩ những từ hoặc cụm từ mới, không mang tính xúc phạm để nói khi con cảm thấy thất vọng, khó chịu hoặc tức giận.
Khuyến khích con sử dụng những từ khác để mô tả cảm giác của mình. Điều này có thể mở rộng vốn từ vựng của con và giúp biến khoảnh khắc tồi tệ thành khoảnh khắc gắn kết.
Tạo hậu quả
Nếu những cách trên không có tác dụng hoặc nếu con đã có thói quen chửi thề, bạn cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để cho con thấy hành vi này là không phù hợp.
Nói với con rằng mỗi lần con chửi thề ở nhà, bạn sẽ thu hồi 20 nghìn từ tiền tiêu vặt của con hoặc giao cho con làm thêm việc nhà.
Tìm kiếm niềm vui mới
Nếu cả gia đình cần thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ thì những hoạt động nhóm có thể là cách thú vị và hiệu quả để loại bỏ những lời chửi rủa. Hãy dành thời gian cho một hoạt động vui vẻ, chẳng hạn như một buổi tối xem phim cùng nhau.
Quan tâm con nhiều hơn
Để giúp con tránh khỏi những chuyện tức giận hay bức bối, cha mẹ cần thể hiện sự ân cần với con.
Hãy nói chuyện một cách dịu dàng, giải thích cho con hiểu rằng nói tục, chửi bậy sẽ làm tổn thương người khác. Trẻ nhỏ thường sẵn sàng làm những điều được bố mẹ tán dương. Khi nhận được sự ân cần và khen ngợi, trẻ sẽ nỗ lực không chửi bậy nữa.
Theo Giáo dục và thời đại
Theo today.com