Trong một số thời điểm nhất định, sự ủng hộ của cha mẹ khiến con tự tin và dũng cảm đối mặt với những khó khăn.
Ủng hộ con cái nghĩa là gì? Đó không phải là sự bảo vệ hay bao che cho con mọi lỗi lầm, mà là sự tin tưởng và hỗ trợ vô điều kiện dành cho con cái.
Có câu chuyện kể rằng, một người nọ hỏi người mẹ rằng: "Sao con cô cứ ngồi thơ thẩn, ngơ ngác vậy. Đầu óc của nó có vấn đề gì à? Tốt nhất cô nên đưa nó tới bệnh viện để kiểm tra".
Người mẹ kiên quyết nói: "Con của tôi không bị làm sao cả. Nó chỉ đang quá tập trung mà thôi. Tương lai chắc chắn nó sẽ trở thành một vĩ nhân".
Ít ai biết được rằng, câu chuyện này chính là tuổi thơ của nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein.
Trên thực tế, có 3 thời điểm rất quan trọng mà con cái cần cha mẹ ủng hộ nhất, nếu không con có thể tự ti suốt đời.
Con cái rất cần cha mẹ ủng hộ. (Ảnh minh họa)
1. Khi người khác nói xấu con mình
Lòng tự trọng ban đầu của mỗi người đều giống nhau nhưng trong quá trình lớn lên, nếu một đứa trẻ luôn bị tổn thương, lòng tự trọng của chúng sẽ giảm sút.
Đối với một đứa trẻ, cha mẹ là chỗ dựa vững chãi và an toàn nhất, nếu cha mẹ không thể ủng hộ con, đứng về phía con trước những lời nói xấu của người khác, trẻ sẽ dần tự ti.
Khi một người bị tổn thương, theo bản năng họ sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ. Vì thế, cha mẹ nên có thái độ kiên quyết đứng về phía con mình: "Tôi không muốn mọi người dùng những lời lẽ không hay để nói về con tôi. Nó là một đứa trẻ rất ngoan". Sự khẳng định của cha mẹ sẽ bảo vệ lòng tự trọng của con cái.
2. Khi con cái mắc lỗi
Mặc dù cha mẹ cần ủng hộ và bảo vệ con mình nhưng trong trường hợp nếu trẻ mắc lỗi, thái độ của cha mẹ rất quan trọng.
Khi con cái mắc lỗi, nhiều cha mẹ không kìm chế được bản thân nên rất tức giận, la hét, mắng mỏ con rất thậm tệ. Tuy nhiên, có những bậc cha mẹ lại giữ được sự bình tĩnh, chuyện gì cũng đợi mọi thứ lắng xuống rồi mới cùng con giải quyết vấn đề. Bằng cách này, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tôn trọng lẫn nhau, hòa hợp và hạnh phúc.
Trong trường hợp trẻ làm sai, có lẽ trẻ cũng cảm thấy có lỗi và đau buồn. Nếu lúc này, cha mẹ hướng dẫn con suy nghĩ về hành động của mình, bình tĩnh giải thích, mọi chuyện sẽ được giải quyết trong êm đẹp.
Nhưng nếu trẻ cố tình làm sai, cha mẹ trước tiên phải để trẻ nhận ra lỗi của mình rồi mới trừng phạt. Về hình phạt cần phải phù hợp để trẻ nhớ và không mắc phải những sai lầm tương tự sau này.
3. Khi con có mâu thuẫn với bạn bè
Bảo Bảo là một cậu bé dễ thương nhưng cũng rất nghịch ngợm. Trong một lần gây gổ với các bạn cùng lớp, giáo viên đã mời cha của Bảo Bảo tới trường nói chuyện. Khi tới nơi, ông chưa hỏi han mọi chuyện đã đánh con trai mình trước mặt tất cả mọi người.
Hành động này khiến mọi người rất sốc, trẻ con dù có làm sai chuyện gì, người lớn cũng cần bình tĩnh giải quyết. Việc chỉ trích con, đánh con trước khi hiểu rõ nguyên nhân của người cha là sai lầm. Người cha đã làm 1 hành động khiến con mình xấu hổ trước mặt mọi người.
Khi trẻ mắc sai lầm hoặc xảy ra vấn đề nào đó, cha mẹ dù có yêu thương con cũng không thể bao che. Dù con có là người làm sai cũng không thể hành động như cha của Bảo Bảo.
Điều quan trọng nhất người cha cần làm là nói cho con biết chúng sai ở đâu, cách sửa chữa như thế nào. Muốn giáo dục con tốt thì phải hiểu rõ cả quá trình, nếu không phải lỗi của con, cha mẹ hãy đứng về phía con mình. Cha mẹ nên dạy con trở thành người dũng cảm, không sợ hãi trước quyền lực của bất kỳ ai, con cái mới học được cách không thỏa hiệp và tự bảo vệ mình.
Tóm lại, trong quá trình dạy dỗ con cái, cha mẹ trước tiên là người bảo vệ con, sau đó mới có quyền giáo dục. Khi có cha mẹ luôn là hậu phương ủng hộ mình, con cái mới tự tin khám phá thế giới.
Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ số