Khi trẻ mắc chân tay miệng, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, không đi học hoặc đến nơi đông người để làm giảm bớt sự lây lan.
Chân tay miệng ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người có thể phát triển thành dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra.
Nguyên nhân gây bệnh do hai nhóm tác nhân là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối...
Bệnh này xảy ra quanh năm nhưng phổ biến vào thời điểm giao mùa (từ tháng 3 - tháng 5 và từ tháng 9 - tháng 12) và thường ở những trẻ dưới 5 tuổi. Ban đầu khi mới mắc bệnh, trẻ có thể sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn. Sau sốt khoảng 1-2 ngày trẻ bắt đầu đau miệng, nổi ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khoang miệng...
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị chân tay miệng phải làm sao?
Đối với bệnh chân tay miệng ở trẻ em, không có phương pháp đặc trị nào. Cách điều trị bệnh tại nhà hữu hiệu nhất là chăm sóc cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị tay chân miệng thật tốt. Để giảm bớt các triệu chứng bệnh chân tay miệng ở trẻ, cha mẹ cần:
- Uống nhiều chất lỏng để tránh mất nước, lý tưởng là nước hoặc sữa.
- Đối với trẻ lớn tuổi hơn, cha mẹ cần cho con ăn nhiều thức ăn mềm như cháo, canh, soup, để bé không có cảm giác khó chịu khi ăn và nhai nuốt.
- Dùng loại thuốc giảm đau và hạ sốt, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen, để giảm đau họng và sốt, không nên dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi.
- Dùng nước ấm để súc miệng cho trẻ để giúp giảm khó chịu do loét miệng. Trong một số trường hợp, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng gel bôi miệng, nước súc miệng hoặc thuốc xịt trị loét miệng cho trẻ.
- Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, không đi học hoặc đến nơi đông người để làm giảm bớt sự lây lan.
- Khi trẻ có những triệu chứng trở nặng hơn, cha mẹ cần cho con đi khám bác sĩ. Các triệu chứng nặng như:
+ Trẻ không ăn/uống bất kỳ thứ gì, bé có các dấu hiệu bị mất nước, chẳng hạn như không phản ứng, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu, hoặc tay và chân lạnh.
+ Bé bị mất ý thức, co giật, suy nhược.
+ Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt từ 38 độ C trở lên hoặc từ 3 đến 6 tháng tuổi bị sốt từ 39 độ C trở lên.
+ Da bé trở nên rất đau, đỏ, sưng và nóng, hoặc chảy mủ.
+ Các triệu chứng ngày càng nặng hơn hoặc không được cải thiện sau 7 đến 10 ngày.
Khi trẻ bị chân tay miệng cần kiêng gì?
- Tránh các loại nước ép trái cây có nhiều axit như nước cam. Chúng có thể gây kích ứng các vết loét miệng.
- Trẻ bị tay chân miệng nên kiêng những thực phẩm chua, cay, mặn, nóng để ngăn ngừa tình trạng khó kích ứng niêm mạc miệng.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với nhiều người nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.
- Cố gắng chú ý để con không làm vỡ các nốt phồng rộp.
- Không nên cho trẻ đến những nơi nhiều khói bụi, thiếu vệ sinh sạch sẽ.
- Kiêng ép con ăn quá nhiều bởi lúc này bé đang mệt và khẩu vị cũng theo đó mà bị ảnh hưởng.
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Trong thời điểm trẻ bị chân tay miệng nhẹ, nếu không được phát hiện và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể chuyển biến nặng với những biến chứng nguy hiểm như chứng viêm não, biến chứng vào tim, phổi...
Tuy nhiên qua quá trình chữa trị, tôi rất ít gặp trẻ bị chân tay miệng thể nặng, những trường hợp nặng đã được thông tin rất ít, đa số trẻ bị chân tay miệng thể nhẹ có thể tự khỏi nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Hãy bình tĩnh xử trí khi con bị chân tay miệng, chăm sóc trẻ cẩn thận tại nhà".
Theo Afamily.vn
Theo Tổ Quốc