Canxi tác động trực tiếp đến quá trình mọc răng của trẻ nhưng không phải cứ chậm mọc răng là thiếu khoáng chất này.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết thông thường trẻ mọc răng sau 6 tháng chào đời. Trẻ 12 tháng tuổi có khoảng 6 răng, đến 24 tháng có đủ 20 răng sữa. Tuy nhiên, thời gian mọc răng sữa ở mỗi bé khác biệt, chênh lệch thường không đến một năm. Trẻ 13 tháng tuổi không có răng trên cung hàm là mọc chậm mọc răng.
Nếu chế độ dinh dưỡng thiếu hụt canxi khiến mầm răng kém phát triển, không hoàn thiện cấu trúc giải phẫu răng. Sau này, trẻ lớn lên dễ sâu răng, hỏng răng, dễ gãy rụng. Thiếu canxi có thể là một trong những nguyên nhân chậm mọc răng. Tuy nhiên, tình trạng này còn có các nguyên nhân như sau:
Di truyền: Mọc răng chậm cũng có khả năng di truyền từ gia đình.
Quá trình mang thai: Trẻ sinh non, nhẹ cân, non tháng, suy dinh dưỡng bào thai... có thể mọc răng chậm hơn so với những bé chào đời đủ tháng. Chế độ dinh dưỡng, bảo vệ thai kỳ an toàn rất quan trọng. Thai phụ bổ sung dinh dưỡng đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khoang miệng nhiễm khuẩn: Một số trẻ viêm, tổn thương lợi, từ đó ảnh hưởng đến quá trình mọc răng. Phụ huynh lưu ý vệ sinh khoang miệng cho con đúng cách.
Bác sĩ kiểm tra răng miệng cho trẻ tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM: Ảnh: Tuệ Diễm
Mắc một số bệnh lý: Suy giáp, bệnh tuyến yên, chậm tăng trưởng, hội chứng Down... ảnh hưởng tốc độ mọc răng. Gia đình nên đưa trẻ đi khám, điều trị đúng cách.
Thiếu hụt vitamin D: Thiếu vi chất này dẫn đến canxi không được hấp thu để hình thành, xây dựng nên cấu trúc xương răng. Đây là loại vitamin ít có trong sữa mẹ, thực phẩm tự nhiên. Trẻ sơ sinh rất dễ thiếu hụt vitamin D. Để phòng ngừa, phụ huynh cung cấp đầy đủ vitamin D cho trẻ từ thuốc, thực phẩm, cho con tắm nắng.
Chế độ ăn không cân đối, đa dạng, đủ các chất dinh dưỡng: Trẻ ăn quá nhiều loại thịt có thể khiến cơ thể hấp thu phospho quá mức, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi. Hậu quả là mầm răng không đủ dưỡng chất, khỏe mạnh nên để mọc ra khỏi nướu.
Bác sĩ Trà Phương cho biết nhiều phụ huynh thấy con mọc răng trễ tự ý bổ sung canxi dạng thuốc uống hoặc thực phẩm chức năng. Điều này rất nguy hiểm, khiến nồng độ canxi trong cơ thể trẻ nhiều hơn mức bình thường, làm giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magie, phospho... Từ đó, bé có nguy cơ suy dinh dưỡng, sỏi thận. Mặt khác, trẻ thừa canxi có thể lùn.
Chiều cao trẻ tăng lên nhờ quá trình cốt hóa sụn đầu các xương, giúp xương dài ra. Khi xương chưa cốt hóa, trẻ có thể tiếp tục tăng trưởng cho đến 25 tuổi. Trẻ thừa canxi, khiến hàm lượng canxi trong máu tăng, đi vào xương nhiều, thúc đẩy quá nhanh cốt hóa sụn, xương bị khoáng hóa, cứng xương sớm hơn, dẫn đến hạn chế phát triển.
Để đề phòng, trẻ nên bổ sung canxi từ sữa, trứng, đậu, hải sản, rau xanh (cải xoăn, bắp cải, rau diếp...), tuyệt đối không sử dụng sữa thay nước lọc. Bé cần bữa ăn cân đối dinh dưỡng. Bổ sung canxi bằng thuốc hay thực phẩm chức năng là phương án sau cùng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
Tuệ Diễm (Vnexpress.net)