Thời gian làm việc thực tế quá nhiều, cường độ làm việc cao, giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe của giáo viên mầm non giảm sút rất nhanh.
Vừa qua, tại Diễn đàn người lao động năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội xem xét, đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trên cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Phạm Thị Phương Oanh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Thành Ngọ (quận Kiến An, Hải Phòng) cho rằng, việc xem xét, đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc, độc hại là hợp lý.
Cô và trò Trường mầm non Trần Thành Ngọ (Ảnh: NTCC)
Theo cô Oanh, mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện.
Thông qua bậc học mầm non, trẻ được chuẩn bị những kỹ năng để phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, kỹ năng xã hội, ngôn ngữ để chuẩn bị vào học lớp một.
Có được kết quả này của giáo dục mầm non không thể không nhắc đến vai trò của các giáo viên ngày đêm không quản khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ ươm mầm non của đất nước.
“Do đặc thù công việc, đội ngũ giáo viên mầm non cần phải có sức khỏe, thể chất tốt để không những chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, mà còn trông giữ, đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ khi ở trường.
Giáo viên mầm non phải tự làm đồ dùng, đồ chơi dạy học sáng tạo, vừa phải xây dựng Môi trường Giáo dục lớp theo từng chủ đề…
Thêm nữa, trước yêu cầu ngày càng cao của chất lượng nuôi dạy trẻ, giáo viên mầm non liên tục phải cập nhật công nghệ thông tin, ngoại ngữ… nhiều giáo viên sẽ khó đáp ứng được sự năng động, nhanh nhẹn cần có với giáo viên mầm non”, cô giáo Oanh chia sẻ.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Thành Ngọ, mỗi ngày giáo viên mầm non phải làm việc từ 10-11 giờ, bắt đầu từ 6h30 sáng cho đến 17h30 chiều.
Bên cạnh công việc chuyên môn như dạy trẻ phát triển các lĩnh vực về nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ, các kỹ năng tự nhiên và xã hội…, các cô còn đảm nhiệm các vai trò người mẹ, cho các cháu ăn, uống, vệ sinh cá nhân…
Do đó giáo viên mầm non có độ tuổi từ 50 trở lên, giáo viên mầm non sức khỏe giảm sút, không còn nhanh nhẹn, bị hạn chế khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy…
Hơn nữa, chương trình giáo dục mầm non không chỉ bó hẹp ở chăm trẻ mà thường xuyên thay đổi để đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi.
Đồng quan điểm với cô giáo Oanh, cô giáo Đỗ Thị Bích Nhuận – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Cúc (quận Lê Chân) cho biết, theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật Lao động (sửa đổi), từ ngày 1/1/2021 trở đi, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, 55 tuổi 4 tháng đối với nữ, sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt độ tuổi 62 đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Cách tính này khiến rất nhiều giáo viên mầm non lo lắng, bởi nếu nâng tuổi nghỉ hưu lên đến 60, liệu những giáo viên này có thể trụ được đến khi hưởng lương hưu hay không?
Xuất phát từ thực tế và khó khăn, cộng thêm áp lực nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, Chính phủ nên nghiên cứu, xem xét bổ sung nhóm giáo viên bậc học mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, để nhóm lao động này có thể nghỉ hưu sớm so với quy định.
Cán bộ, giáo viên mầm non tại Hải Phòng tha thiết mong muốn các Bộ, Ban ngành xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề độc hại, nặng nhọc (Ảnh: Lã Tiến)
“Chúng tôi mong muốn giáo viên mầm non được công nhận là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Nặng nhọc và độc hại trong nghề giáo viên mầm non được hiểu như thế nào?
Thứ nhất, về thời lượng công việc, giáo viên mầm non làm việc hơn 10 tiếng một ngày. Trong suốt thời gian này, giáo viên mầm non phải tập trung chú ý cao để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và bao quát tất cả trẻ trong lớp để đảm bảo an toàn và công bằng cho trẻ.
Giờ nghỉ trưa thì kết hợp với việc trông trẻ là công việc soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học và các công việc khác có liên quan đến giảng dạy.
Ở các lớp nhỏ trẻ còn quấy khóc, giáo viên không rời trẻ và phải làm những công việc trên vào thời gian ở nhà.
Thứ hai, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, giáo viên mầm non đang làm thêm nhiệm vụ của lao công như: dọn dẹp phòng ốc, vệ sinh đồ chơi, thực hiện tất cả các thao tác vệ sinh cho các cháu.
Chưa kể, mỗi khi có cháu nào bệnh đột xuất, phụ huynh chưa đón kịp thì cô giáo là người trực tiếp chăm sóc và theo dõi sức khỏe trẻ
Thứ ba, về áp lực công việc, giáo viên mầm non làm việc trong môi trường tiếng ồn nhiều, luôn luôn phải nói dẫn đến 100% giáo viên mầm non viêm thanh quản, viêm họng cấp mỗi khi trái gió trở trời.
Mặt khác, áp lực từ phía một số ít phụ huynh cũng làm cho tinh thần của các cô giáo tổn thương và tổn hại tinh thần.
Hiện tại định mức quy định và thời gian làm việc thực tế của giáo viên mầm non quá nhiều so với các ngành nghề khác (10 giờ/ngày).
Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe của giáo viên mầm non giảm sút rất nhanh.
Vì vậy, chúng tôi tha thiết mong muốn các Bộ, ban ngành xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề độc hại, nặng nhọc”, cô giáo Nhuận nói.
Nguồn https://giaoduc.net.vn/thuc-te-nghe-giao-vien-mam-non-dang-doc-hai-va-nang-nhoc-nhu-the-nao-post237134.gd