Chiều 20/7, tại tỉnh Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GDĐT, lãnh đạo, chuyên viên 63 Sở GDĐT trong cả nước.
Nhiều chính sách gỡ khó cho giáo dục mầm non được ban hành; tỷ lệ huy động trẻ tăng ấn tượng
Báo cáo kết quả năm học 2022-2023, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT) cho biết: Năm học 2022-2023, Bộ GDĐT đã ban hành kịp thời các văn bản quy định chính sách và văn bản chỉ đạo đối với giáo dục mầm non. Trong đó, đã kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non.
Tích cực triển khai, thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định 105 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. 56 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết hội đồng nhân dân quy định chi tiết chính sách đối với giáo dục mầm non.
Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm học và các chuyên đề chuyên môn, đảm bảo an toàn cho trẻ. Các địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ”, thực hiện có hiệu quả việc xây dựng mô hình, điển hình tốt trong thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; việc triển khai chủ đề năm học “Xây dựng môi trường xanh, an toàn, thân thiện” có sức lan toả và mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong năm học, các điều kiện đảm bảo chất lượng ở bậc học mầm non chuyển biến tích cực. Số phòng học kiên cố tăng 1.430 phòng, phòng học tạm giảm 252 phòng; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư. Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp; đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm và triển khai hiệu quả (giảm 1.249 điểm trường lẻ). Số trường chuẩn quốc gia bậc mầm non tăng 2,3%.
Công tác phát triển đội ngũ được quan tâm, đặc biệt là công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn về trình độ đào tạo. Tỉ lệ giáo viên/lớp đạt 1.86, tăng 0.02% so với năm học trước; giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm 87.3%, tăng 10.6%; trên chuẩn đạt 65.1%, tăng 7.2%; giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo còn 12.7%, giảm 10.6%.
Tỉ lệ huy động trẻ trong năm tăng ấn tượng: Nhà trẻ đặt 32,1%, tăng 3,8%; mẫu giáo đạt 93,1%, tăng 3,7%. Cũng trong năm học, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lí và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được tăng cường và mạng lại hiệu quả thiết thực.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh báo cáo tại Hội nghị
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được được nhiều kết quả quan trọng, song giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác quy hoạch, đầu tư tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân; tỉ lệ huy động trẻ ở một số địa phương còn thấp. Còn có sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương và giữa các đối tượng. Vẫn còn các địa phương có tỉ lệ kiên cố hoá dưới 40%; còn các địa phương có tỉ lệ chưa đạt 1.5 giáo viên/lớp.
Năm học 2023-2024, định hướng chung của giáo dục mầm non là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí nhà nước về giáo dục mầm non; chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở; tăng cường quản lí, hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở khu công nghiệp và nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lí và nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tiếp tục phải giải bài toán thu hút, giữ chân giáo viên mầm non
Tại Hội nghị, đại diện các Sở GDĐT đã trao đổi, thảo luận xung quanh các nhiệm vụ của giáo dục mầm non từ kinh nghiệm thực tiễn địa phương; trong đó vấn đề được nhiều địa phương quan tâm là giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Dương tham luận tại Hội nghị
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Dương cho biết: Toàn tỉnh có 438 trường mầm non, trường mẫu giáo (118 trường công lập, 320 trường tư thục), 628 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục và 131 cơ sở nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ. Tổng số trẻ là 122.579 trẻ/4.721 nhóm-lớp.
Mặc dù tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên mầm non như giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng; tuy nhiên mức hỗ trợ và lương chi trả chưa đáp ứng được thù lao, công sức và sự vất vả của giáo viên nên việc thu hút nguồn nhân lực đầu vào đối với giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Sở GDĐT tỉnh Bình Dương kiến nghị: Nhà nước tiếp tục nghiên cứu cải tiến chế độ làm việc, chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo dục mầm non nhằm thu hút, khuyến khích học sinh học ngành sư phạm mầm non và thu hút nguồn nhân lực vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chế độ chính sách hỗ trợ trẻ là con công nhân, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ, … (ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp); có chế độ chính sách đối với con công nhân học trong các trường mầm non công lập.
Chia sẻ về thực trạng, khó khăn và giải pháp trong quản lý các cơ cở giáo dục mầm non độc lập, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho hay: Toàn thành phố Hà Nội hiện có 2.557 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Khó khăn là số cơ sở giáo dục mầm non độc lập phát triển nhanh, không theo quy hoạch, nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc không ổn đinh. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều cơ sở phải dừng hoạt động. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 và tỉ lệ tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên còn thấp.
Bà Trần Lưu Hoa, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội tham luận tại Hội nghị
Bên cạnh thông tin về các giải pháp quản lý cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã được thành phố Hà Nội thực hiện trong thời gian qua, bà Trần Lưu Hoa kiến nghị Bộ GDĐT bổ sung quy trình, thủ tục chuyển đổi chủ nhóm trẻ, chuyển đổi địa điểm tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đồng thời tiếp tục có giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non, bởi hiện nay giáo viên mầm non khó khăn về mọi mặt nên thu hút vào ngành rất khó.
Từ chia sẻ về thiếu đội ngũ giáo viên bậc mầm non tại địa phương, bà Huỳnh Thị Thu Vân, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GDĐT Kon Tum đề nghị: Bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học trong đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục tỉnh Kon Tum theo dự thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lí, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.
Đề xuất với Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên hằng năm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ban hành quy định cụ thể thực hiện tinh giản biên chế của ngành Giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỉ lệ chung vì giáo dục có đặc thù riêng, cũng là kiến nghị của đại diện Sở GDĐT tỉnh Thanh Hoá.
Đại diện Sở GDĐT Gia Lai đề nghị cần có chính sách cử tuyển đào tạo giáo viên mầm non đối với con em người dân tộc thiểu số địa phương nhằm tạo nguồn cho địa phương đáp ứng đủ định mức giáo viên theo quy định cho những năm tới, đặc biệt đối với cơ sở giáo dục mầm non công lập tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Với khẳng định “Giáo viên mầm non vất vả nhất nhưng nỗ lực nhất”, đại diện Sở GDĐT Bình Phước mong muốn sẽ có các chính sách, giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay.
Đẩy mạnh giáo dục mầm non là trọng tâm điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Nhìn lại môt năm học, điều đáng ghi nhận nhất là giáo dục mầm non đã được phục hồi một cách bình thường sau đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
“Trong quá trình ứng phó với dịch, giáo dục mầm non chịu nhiều thách thức, tác động nhất; sự tác động đến cả cơ sở, giáo viên, học sinh, chất lượng. Số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều nhất là ở mầm non. Cho nên đáng mừng nhất là đưa được hoạt động trở lại bình thường, không những thế tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn nhích lên”, Bộ trưởng nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng, một số các chỉ số khác của giáo dục mầm non đều có khởi sắc, từ quy hoạch, đến chuyển đổi số, sắp xếp mạng lưới… Trong đó, đáng chú ý xã hội đã quan tâm tới giáo dục mầm non nhiều hơn; đã manh nha, khởi động được một số chính sách mới tốt hơn cho giáo dục mầm non.
Nhìn nhận những khởi sắc, song theo Bộ trưởng tựu chung lại giáo dục mầm non vẫn còn nguyên thách thức, với từ khoá chính là “thiếu”: thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhiều thứ… Và phân tích vì sao dẫn tới những cái thiếu này, Bộ trưởng cho rằng “có lẽ là thiếu vĩ mô, thiếu sự quan tâm đầy đủ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực”.
Từ phân tích này, Bộ trưởng khẳng định: Cần thống nhất điều chỉnh về tư tưởng đối với giáo dục mầm non trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Những người làm giáo dục mầm non cần kiến nghị nhiều hơn nữa, tham mưu nhiều hơn nữa để khối giáo dục mầm non được quan tâm hơn. Với Bộ GDĐT, thời gian tới cần đẩy mạnh chỉ đạo, quan tâm tới sự phát triển của giáo dục mầm non trên mọi phương diện. “Và chúng ta sẽ cho đó là trọng tâm trong điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô”, Bộ trưởng nêu rõ.
“Chúng ra đã có nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục mầm non rồi nhưng phải cả xã hội cùng nhận thức”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng đề cập tới ứng xử hiện nay với bậc học mầm non - khi đây là bậc học hình thành nhân cách, tinh thần, tình cảm của mỗi con người - nhưng lại là bậc học có tỷ lệ kiên cố trường lớp thấp nhất, đời sống giáo viên thấp nhất. Lẽ ra đây phải là bậc học được quan tâm đầu tư nhất nhưng lại đang đẩy mạnh xã hội hoá nhất.
“Không thể dùng xã hội hoá để thay cho nhà nước đầu tư đối với bậc học mầm non. Cần phải cả hai để tăng cường phát triển giáo dục mầm non mới là sự quan tâm đúng”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ: Tự chúng ta phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc việc này. Thời gian tới cần tăng cường chính sách, tăng cường đầu tư nguồn lực. Kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa cho bậc học mầm non.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu kết luận Hội nghị
Trao đổi về chương trình giáo dục mầm non mới đang chuẩn bị bắt tay thí điểm, Bộ trưởng nêu quan điểm: Khó khăn hiện nay là từ “thiếu” thì cố gắng khi triển khai chương trình mới phải là từ “đủ”; rút kinh nghiệm từ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới về việc chuẩn bị các nguồn lực, thông suốt từ xã hội, chia sẻ của phụ huynh, thử nghiệm, nhân rộng, rút kinh nghiệm thận trọng.
“Trong giáo dục không được phép sai lầm, đối với lớp nhỏ càng thận trọng hơn nữa vì các cháu không tự điều chỉnh được. Cần chuẩn bị về chính sách, điều kiện triển khai đủ về nguồn lực, đội ngũ, các phương diện và cần đủ sự quan tâm mà chúng ta cần thuyết phục, kiên trì thuyết phục”, Bộ trưởng nói.
Từ trao đổi của các địa phương tại Hội nghị, Bộ trưởng cho rằng đã phần nào yên tâm hơn về kiểm soát với hệ thống ngoài công lập, nhóm trẻ. Theo đó, những nơi có kinh nghiệm cần chia sẻ rộng rãi cho các địa phương trên tinh thần tăng cường hỗ trợ, quản lý, giám sát hệ thống cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là nhóm trẻ, để có môi trường trường an toàn cho các cháu, tránh việc ngược đãi, bạo lực, mất an toàn của trẻ.
“Chúng ta không mong gì hơn các cháu an toàn, các cô an tâm, cha mẹ được an lòng. Làm được 3 điều đó là giáo dục mầm non thành công”, Bộ trưởng chia sẻ.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh một số nhiệm vụ các Sở GDĐT cần tập trung trong năm học mới thuộc lĩnh vực giáo dục mầm non. Đó là công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục với UBND cấp huyện, xã trong quản lý giáo dục mầm non cần được làm tốt hơn. Tiếp tục tham mưu địa phương trong việc ban hành và thực hiện chính sách theo Nghị định 105 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Tiếp tục thực hiện tốt an toàn cho trẻ, một số mô hình đã làm tốt cố gắng nhân rộng, đi vào chiều sâu như mô hình xây dựng môi trường xanh an toàn, thân thiện, mô hình trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Tiếp tục tham mưu về sắp xếp hệ thống mạng lưới trường lớp, tránh việc dồn ép cơ học. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục mầm non…
Trung tâm Truyền thông và Sự kiện
Nguồn https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8659