Sau khi tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch tuyển dụng giáo viên mầm non năm 2023, đã có nhiều luồng ý kiến tranh luận, lo lắng về sự minh bạch trong tuyển dụng.
Tâm tư của giáo viên hợp đồng, nhiều năm cống hiến
Ngày 7/7/2023, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ký ban hành Kế hoạch số 2543/KH-UBND về việc tuyển dụng giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Trong đó, có 808 chỉ tiêu giáo viên hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và 8 chỉ tiêu hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Sau khi UBND tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch trên, nhiều giáo viên mầm non hợp đồng ở tỉnh này, đã có thâm niên công tác và được đóng BHXH từ 5 năm trở lên tỏ ra hết sức lo lắng.
Nguyên nhân bởi kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ không đề cập đến việc tuyển dụng đặc cách đối với những giáo viên trên theo Văn bản 5378 của Bộ Nội vụ. Trong khi họ đã cống hiến từ 5 năm đến hơn 10 năm cho ngành Giáo dục ở những địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế với đồng lương “còm cõi”.
Nhiều giáo viên còn lo ngại về tình trạng “cò” chạy biên chế đang được bàn tán xôn xao tại địa phương này, mỗi suất từ 200 - 250 triệu đồng.
Một giáo viên mầm non hợp đồng, có thâm niên hơn 10 năm ở TP Việt Trì (xin được giấu tên) chia sẻ: “Câu chuyện chạy biên chế đang được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội và ngay cả với nhóm giáo viên hợp đồng như chúng tôi. Họ càng bàn tán thì chúng tôi càng lo lắng. Lo vì không có tiền, không có mối quan hệ. Nhưng quan trọng hơn nếu chuyện đó có thật thì cơ hội cho những giáo viên hợp đồng lâu năm như chúng tôi ngày càng bị thu hẹp.
Lương giáo viên mầm non hợp đồng rất thấp, dao động ở khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Với tôi, dạy hợp đồng ở thành phố nên được hỗ trợ thêm. Nhưng nay đã công tác hơn 10 năm mà lương chưa đến 5 triệu đồng/tháng.
Đấy là mức lương đã tăng mới đây còn trước đó chỉ được khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Những giáo viên hợp đồng như chúng tôi đã dành cả thanh xuân để cống hiến cho ngành Giáo dục, cho xã hội và tôi cũng mong sự cống hiến này được ghi nhận bằng những chế độ thiết thực, đặc biệt là việc tuyển dụng đặc cách”.
Cùng là giáo viên mầm non hợp đồng, một trường hợp tại huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) chia sẻ, làm giáo viên mầm non hợp đồng từ năm 2014, nhưng phải đến năm 2017 mới được đóng BHXH.
“Ở tỉnh Phú Thọ, không chỉ riêng cá nhân tôi mà nhiều địa phương khác cũng xảy ra tình trạng giáo viên làm hợp đồng nhiều năm nhưng đến năm 2017 mới được đóng BHXH. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của giáo viên sau này.
Lương giáo viên hợp đồng rất thấp nếu không có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng đặc cách thì không biết đến khi nào mới được vào biên chế”, cô giáo này nói.
Trước những lo lắng của giáo viên, ngày 19/7, Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 3820 gửi UBND tỉnh Phú Thọ nêu rõ: Để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 5378/ BNV-CCVC ngày 5/11/2019 về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ 2015 trở về trước.
Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ báo cáo tình hình thực hiện Công văn 5378/BNV-CCVC, trong đó, báo cáo về số lượng giáo viên hợp đồng từ năm 2015 trở về trước đã được tuyển dụng; vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập tại thời điểm năm 2019 khi đã tuyển dụng đặc cách theo Công văn số 5378…
Trường hợp UBND tỉnh Phú Thọ không triển khai việc xét tuyển theo hướng dẫn tại Công văn 5378/BNV-CCVC, đề nghị báo cáo rõ lý do, nguyên nhân.
Trường Mầm non Phú Nham, huyện Phù Ninh (Phú Thọ).
Giáo viên cảnh giác, tránh bị lừa đảo
Trả lời Báo GD&TĐ về công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, ngày 21/7, lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, công tác tuyển dụng giáo viên mầm non năm nay được UBND tỉnh Phú Thọ giao cho Sở Nội vụ chủ trì. Sở GD&ĐT chỉ là cơ quan phối hợp. Hiện nay, mới ban hành kế hoạch tuyển dụng.
Về vấn đề tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên mầm non hợp đồng có đóng BHXH từ 5 năm trở lên, theo luật và các thông tư, nghị định của Chính phủ thì không có đặc cách đối với đối tượng hợp đồng lâu năm này.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh để xin ý kiến Bộ Nội vụ. Nếu được đồng ý chắc chắn địa phương sẽ nghiên cứu, thực hiện.
“Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có hơn 2.000 giáo viên mầm non hợp đồng, trong đó có khoảng hơn 1.000 giáo viên mầm non hợp đồng từ 5 năm trở lên. Nếu có xem xét tuyển dụng đặc cách thì vẫn phải tổ chức thi để lấy điểm từ cao xuống thấp vì chỉ tiêu tuyển dụng năm nay chỉ khoảng hơn 800”, lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết thêm.
Ông Lê Tiến Hưng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phú Thọ - cho hay: “Sau khi nhận được văn bản của Bộ Nội vụ với 4 nội dung yêu cầu, chúng tôi đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thành, thị tiến hành rà soát theo quy định”.
Thứ nhất là rà soát lại tất cả các đối tượng giáo viên hợp đồng theo văn bản của Bộ Nội vụ là những giáo viên đã có hợp đồng và đóng BHXH bắt buộc từ năm 2015 trở về trước.
Thứ hai, Bộ Nội vụ yêu cầu rà soát lại số hợp đồng đến thời điểm năm 2019, Sở Nội vụ Phú Thọ sẽ tổ chức cuộc họp gồm các phòng chuyên môn của Sở cùng với Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND, Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị để trao đổi các nội dung liên quan đến văn bản của Bộ Nội vụ.
Sau khi thống nhất được với Sở GD&ĐT cùng với các huyện, thành, thị, Sở Nội vụ Phú Thọ sẽ báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Nội vụ theo yêu cầu.
Trước những lo lắng của giáo viên có thể xảy ra tiêu cực trong quá trình tuyển dụng, ông Lê Tiến Hưng khẳng định, trước đây việc tuyển dụng giáo viên sẽ theo phân cấp nhưng năm nay tỉnh quyết định tập trung đầu mối để tuyển dụng với cơ quan thường trực là Sở Nội vụ. Về việc này chúng tôi sẽ thực hiện hết sức công khai, minh bạch.
“Về thông tin yêu cầu chi tiền để chạy viên chức, các giáo viên, thí sinh cần phải hết sức thận trọng. Mong các cơ quan thông tin báo chí tuyên truyền đến người dân, các thầy, cô giáo hiểu rõ để tránh bị lừa đảo, mất tiền oan”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phú Thọ nói.
Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 4.383 giáo viên mầm non biên chế, đạt tỷ lệ 1,38 giáo viên/lớp. Trong khi quy định của Bộ GD&ĐT là đảm bảo tỷ lệ 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo và 2,5 giáo viên/nhóm trẻ, tức là 7.154 giáo viên. Như vậy, Phú Thọ đang thiếu hơn 2.700 giáo viên ở bậc học này.
|
Nguồn https://giaoducthoidai.vn/lo-lang-ve-su-minh-bach-trong-tuyen-dung-giao-vien-mam-non-o-phu-tho-post647979.html