Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa đang thiếu gần 7 nghìn giáo viên các cấp. Nguyên nhân chính được lý giải do Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ.
Theo UBND huyện Ngọc Lặc, năm học vừa qua toàn huyện có hơn 30 nghìn học sinh theo học ở hơn 1.000 lớp học tại 75 trường học từ mầm non đến THCS. So với quy định, còn thiếu hơn 200 giáo viên.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, huyện Ngọc Lặc đưa ra nhiều phương án như tuyển mới, ưu tiên chuyển số giáo viên đang dạy hợp đồng vào ngạch viên chức theo chỉ tiêu được phân bổ, rà soát cơ cấu đội ngũ, định mức công việc của giáo viên, phát huy tinh thần xung kích, tự nguyện kết hợp với điều động, luân chuyển giáo viên về vùng sâu, vùng xa công tác.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động phụ huynh có con học tiểu học, mầm non tại 30 khu lẻ về các điểm trường chính học tập, động viên giáo viên dạy tăng tiết, phân công giáo viên dạy liên trường... Đó là những giải pháp tình thế chung của các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trước tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng.
Thanh Hóa là tỉnh thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước
Theo lý giải của Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức tại buổi chất vấn kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII vừa qua, hiện toàn tỉnh đang thiếu 6.884 giáo viên. Trong đó, tiếng Anh thiếu 277 người, Tin học thiếu 680 người, Âm nhạc thiếu 12 người và Mỹ thuật thiếu 209 biên chế.
"So với định mức quy định của Bộ GD&ĐT giao, ngành GD&ĐT Thanh Hóa còn thiếu tới 10.256 giáo viên. Trong đó, tiếng Anh thiếu 353 người, Tin học thiếu 690 người, Âm nhạc thiếu 72 người và Mỹ thuật thiếu 277 biên chế.
Người đứng đầu ngành giáo dục Thanh Hóa cho rằng, do Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ. Đồng thời, hàng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.
Những năm trước đây, Thanh Hóa không thực hiện tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho số giáo viên nghỉ hưu. Hiện nay, đã có cơ chế tuyển giáo viên nhưng một số huyện, thị, thành phố chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao. Hoặc, phải cân đối bù trừ trong việc thừa, thiếu giáo viên giữa các cấp học. Đối với giáo viên bậc THCS đang cơ bản thừa, còn giáo viên các bậc Tiểu học và Mầm non lại cơ bản thiếu so với biên chế tỉnh giao.
Để khắc phục việc thiếu giáo viên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ trong việc hướng dẫn các huyện thị, thành phố thực hiện tuyển dụng giáo viên kịp thời hết chỉ tiêu biên chế được giao. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: giáo viên Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp tiểu học); giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp THCS); giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật (THPT).
Trong trường hợp chưa kịp tuyển dụng giáo viên thì thực hiện hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường, giáo viên đã nghỉ hưu, còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề. Bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy liên cấp, dạy tăng tiết nhằm đảm bảo có đủ giáo viên dạy học theo chương trình mới.
Nguồn https://giadinh.suckhoedoisong.vn/vi-sao-thanh-hoa-thieu-giao-vien-tram-trong-truoc-them-nam-hoc-moi-17223072308352796.htm