Xã hội
   Sân chơi lập trình robot ở vùng khó
 

Lập trình robot đã xuất hiện nhiều năm nay ở các địa bàn thuận lợi, song ở Điện Biên thì đây vẫn là “thế giới” mới mẻ với nhiều người.

 

Cậu bé Trần Anh Khôi say sưa tháo lắp robot

Một lớp học bài bản lần đầu tiên vừa được tổ chức đã mở ra sân chơi thực hành đầy thú vị cho trẻ vùng khó.

Trẻ hào hứng đến lớp

Vô tình đọc được thông tin về một lớp học lập trình robot trên mạng xã hội, chị Nguyễn Vân Anh (tổ 4, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ) liền nghĩ ngay đến cậu con trai - Lò Đức Anh, năm nay 12 tuổi. Cậu bé đam mê các trò chơi công nghệ, rubik từ nhỏ.

Nhiều lần thấy con tự mò mẫm trên chiếc máy tính cũ ở nhà, chị cũng tính cho đi học để có môi trường tiếp cận bài bản. Song ở địa phương chưa có cơ sở nào tổ chức. “Đầu tháng 6 vừa qua, thấy bên Trung tâm Tin học của Trường Cao đẳng nghề tuyển sinh, lại đang đúng dịp hè nên tôi thông báo với con liền. Vừa gợi mở thì cháu mừng rỡ đồng ý luôn”, chị Vân Anh chia sẻ.

Khác với những lớp học thông thường, tham gia khóa học, Đức Anh được trải nghiệm thực tế trên máy tính, robot. Sau vài tiết học ban đầu, em được chia nhóm (3 - 5 bạn), cùng nhau thảo luận, thực hành trên sa bàn. Những con robot Rover ngay lập tức thu hút em. Mới chỉ qua gần 10 buổi học, Đức Anh đã biết lập trình, chạy thử robot để vượt chướng ngại vật, tiến, lùi vào vị trí.

“Khi học thực tế em nhận thấy thật ra không khó như mình nghĩ, nó rất đơn giản. Thầy dạy em làm được 3 COD, em đang sáng tạo thêm. Bọn em được trò chuyện, trao đổi, tự do sáng tạo nên rất thoải mái. Sau khóa này em sẽ tiếp tục xin mẹ đi học thêm”, Đức Anh chia sẻ.

 

Giáo viên hướng dẫn học sinh giao tiếp với robot bằng ngôn ngữ qua các bài tập

Mới chỉ 5 tuổi, song cậu bé Trần Anh Khôi (trú tại phường Nam Thanh) cũng được bố mẹ cho tham gia khóa học. Sau vẻ rụt rè và ít nói, Khôi gây chú ý bởi sự chăm chú, tập trung của mình. Hiện em đã hiểu cấu tạo, tính năng và tháo, lắp thành thạo từng bộ phận của robot. Cậu bé cũng bắt đầu tiếp cận và học cách lắp ghép, khớp nối từng câu lệnh trên màn hình máy tính để điều khiển robot theo ý muốn.

Thầy giáo Trần Văn Quỳnh, Trường THCS Thanh Minh (TP Điện Biên Phủ) là một trong 2 giáo viên trực tiếp đứng lớp chia sẻ, với phương pháp học tập kết hợp với tương tác trải nghiệm, học sinh sẽ được “cầm tay chỉ việc”. Trên cơ sở nền tảng xây dựng, mỗi em sẽ tiếp tục phát triển theo sáng tạo của bản thân.

“Thay vì làm các bài lập trình lặp đi lặp lại, chúng tôi dùng trò chơi và mô phỏng thực tế để dạy. Qua đó, các em biết cách sử dụng robot một cách sáng tạo để giải quyết vấn đề và phát triển giải pháp. Đây là hướng tiếp cận mới mà giáo dục Việt Nam đang hướng tới”, thầy Quỳnh cho hay.

Cũng theo thầy Quỳnh, sau hơn nửa tháng tổ chức, lớp học đã bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực. Đặc biệt là sự hào hứng, say sưa của học sinh. Nhiều hôm phụ huynh đến đón mà các em chưa chịu về. “Từ sản phẩm tạo ra, cho thấy các em rất thông minh và sáng tạo không thua kém học sinh vùng thuận lợi. Một số em bộc lộ tố chất, nếu có môi trường và đầu tư đúng hướng có thể phát triển chuyên sâu”, thầy Quỳnh nói.

 

Lò Đức Anh say sưa thực hiện khớp nối từng câu lệnh trên máy tính để điều khiển robot theo ý

Mở ra sân chơi trí tuệ mới

Thầy Nguyễn Phú Hoàng, Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ (Trường Cao đẳng nghề Điện Biên), cho biết: Những năm gần đây, lập trình robot đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương và trở thành xu hướng “hot” tại các tỉnh, thành lớn. Nhu cầu học tập bộ môn này trong giới trẻ, học sinh, sinh viên cũng bắt đầu mở rộng. Tuy nhiên, tại Điện Biên lại chưa có môi trường rèn luyện, học tập bài bản.

“Chính vì vậy, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ Trần Sơn Auto (gọi tắt là Trần Sơn Auto) nghiên cứu, tổ chức khóa học này. Đầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi khai mạc 2 lớp đầu tiên, với gần 30 học sinh tham gia. Các em có độ tuổi từ 5 - 15, đa phần đều đam mê công nghệ, lập trình nên tham gia hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện”, thầy Hoàng chia sẻ.

Khóa học diễn ra trong thời gian gần 2 tháng. Mục tiêu đặt ra là giúp người học tiếp cận ở bậc 1. Nội dung bao gồm 4 phần: Làm quen với robot và ngôn ngữ; giao tiếp với robot bằng ngôn ngữ qua các bài tập; thực hành trực tiếp trên sa bàn; vận dụng kiến thức thực hành và sáng tạo cùng robot.

“Thông quá các hoạt động trong quá trình học sẽ giúp trẻ phát triển tư duy; kích thích sáng tạo; tăng khả năng giải quyết vấn đề, sự tự tin và tinh thần làm việc nhóm. Đặc biệt, trẻ phát triển khả năng STEM. Do lập trình robot là hoạt động liên quan đến cả khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học”, thầy Hoàng cho hay.

Còn theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty Trần Sơn Auto thì mục tiêu của chương trình phối hợp giữa 2 đơn vị không chỉ dừng lại ở các lớp học tương tự. Mà đây chính là sự khởi đầu cho các dự án tiếp theo, với mục tiêu “phủ sóng” lập trình robot cho các trường học tại địa phương. Trên cơ sở này, công ty phối hợp cùng ngành Giáo dục tổ chức các sân chơi, thi đấu về lập trình robot để tìm kiếm tài năng.

Theo ông Sơn, thời gian qua công ty đã đến nhiều trường tiểu học trên địa bàn để giới thiệu, tổ chức các cuộc giao lưu nhỏ. Bước đầu giúp giáo viên, học sinh được tiếp cận, làm quen và khơi gợi hứng thú với bộ môn này. Trên thực tế, các nước như Úc, Canada, Mỹ hay New Zealand đều đã đưa robot vào lớp học từ cấp tiểu học trong chương trình giảng dạy riêng về robot hoặc áp dụng robot để dạy các môn học khác. Ở Việt Nam, làn sóng giáo dục STEM những năm gần đây đã kích thích sự quan tâm đặc biệt của thầy cô và học sinh về robot.

Hàng loạt cuộc thi được tổ chức trong nước là minh chứng cho trào lưu này. Tuy nhiên, học sinh ở các địa bàn vùng khó tham gia những sân chơi này còn hạn chế.

 

Những lớp học như thế này không chỉ là sân chơi hè bổ ích cho trẻ đam mê công nghệ, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường phát triển tốt nhất những thế hệ học sinh hội nhập mới. - Thầy Nguyễn Phú Hoàng

 

Nguồn https://giaoducthoidai.vn/san-choi-lap-trinh-robot-o-vung-kho-post646869.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Ngành Giáo dục Đắk Nông chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ (17/7)
 Mang vui, khỏe trong hè cho trẻ mầm non (14/7)
 Thừa - thiếu giáo viên! (13/7)
 Nỗi lo… mới (13/7)
 Tỉnh Thanh Hóa chi hơn 64 tỉ đồng cấp bù học phí (11/7)
 Giáo viên có thâm niên muốn thăng hạng chức danh nghề nghiệp dễ hay khó? (10/7)
 Tuyển dụng giáo viên tại Nghệ An nửa năm vẫn ở… vạch xuất phát (10/7)
 Vì sao gần 1.000 giáo viên mầm non chậm biên chế? (8/7)
 Sau sáp nhập, Trường Đại học Hải Dương đào tạo 6 mã ngành sư phạm (8/7)
 Tuyển sinh mầm non TP. Nha Trang năm học 2023 - 2024: Thay đổi tiêu chí phân diện tuyển sinh (7/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i